MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế quan của ông Trump không thể cứu công nhân Mỹ?

17-07-2017 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Robot mới là người chiến thắng thực sự nếu tổng thống Mỹ tiếp tục cản trở nhập khẩu thép.

Lại một tuần trôi qua, lại thêm một đợt tấn công của chính quyền Trump trên mặt trận thương mại. Hai tháng trước, bộ trưởng thương mại Wilbur Ross tuyên bố áp dụng thuế quan đối với gỗ nhập khẩu từ Canada nhằm giảm cạnh tranh trong nước. Tuy nhiên, tâm điểm hiện nay là thép.

Trong những ngày tới đây, Ross có lẽ sẽ công bố một báo cáo chỉ ra rằng giá thép nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc là quá thấp, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ và đe doạ “an ninh quốc gia” và thị trường việc làm. Và chắc hẳn sau đó, Mỹ sẽ áp dụng thuế quan với thép, một vấn đề vấp phải sự phản đối của lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm thủ tướng Đức Angel Merkel.

Không ai có thể chắc chắn về quy mô ảnh hưởng của thuế quan mới. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng chắc chắn phải đọc các phân tích mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) về vấn đề này ngay lập tức.

BIS không thường bàn về thương mại, mà chỉ tập trung vào tài chính. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, BIS lại khá lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ. Do đó, BIS đã đưa vấn đề này vào báo cáo hàng năm vừa được công bố cách đây ít ngày. Cụ thể, BIS đã phác hoạ một kịch bản khi Nhà Trắng quyết định áp dụng 10% thuế quan với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.

Theo BIS, điều này cho thấy chi phí sản xuất tại Mỹ khá nhạy cảm đối với thuế quan cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Trung Quốc, cụ thể hơn, thuế quan có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Mỹ. Các ngành thiết bị vận tải, hàng da, xăng dầu, hàng dệt may, máy móc và thiết bị điện sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học tại BIS đã tính toán ảnh hưởng tiềm năng đối với chi phí lao động ngay cả nếu chưa áp dụng 10% thuế quan. Tính toán này sẽ khiến Nhà Trắng phải “đau đầu”. Cụ thể, nếu các doanh nghiệp vận tải, ví dụ như các nhà sản xuất ô tô, muốn duy trì khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thì họ buộc phải cắt giảm 6% chi phí lương; các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng sẽ phải cắt giảm 2-4% nếu cần thiết.

Điều này đồng nghĩa với việc tiền lương giảm. Tuy nhiên, phương án giải quyết khả thi hơn cả là các doanh nghiệp sẽ sa thải công nhân và thay thế bằng robot. Và phương án này cũng đã bắt đầu được thực hiện tại Mỹ.

Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học Daron Acemoglu và Pascual Restrepo, trong những năm gần đây, nền công nghiệp Mỹ đã và đang thay thế công nhân bằng robot với một quy mô lớn bất ngờ, đặc biệt là trong các khu vực như sản xuất ô tô (chiếm 1/3 tổng số lượng robot công nghiệp).

Trên thực tế, dựa trên thông tin của Acemoglu và Restrepo, nhà kinh tế học Laura Tyson tính toán rằng trong một vài thập kỷ gần đây, mỗi năm, robot đã thay thế 40.000 nhân công tại nước Mỹ trong các ngành sản xuất, dẫn đến tình trạng lực lượng lao động giảm một phần ba kể từ năm 1997 mặc dù sản lượng vẫn đạt nhiều mức kỷ lục.

Do đó, nếu thuế quan và chi phí mới được áp dụng, có lẽ lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ lấy đó làm lý do để đẩy nhanh quá trình tự động hoá. Không những thế, các doanh nghiệp Mỹ thường sử dụng robot xuất xứ từ Đức và Nhật Bản, những quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp robot trên thế giới.

Dường như, Nhà Trắng chưa thực sự chú ý tới vấn đề này. Thay vào đó, Trump có xu hướng tôn vinh các sản phẩm “sản xuất tại Mỹ”. Và có lẽ, nếu may mắn, Trump sẽ thực sự có được điều này trong những năm sắp tới.

Trong tuần vừa rồi, các cố vấn tại McKinsey đã công bố một báo cáo về ngành sản xuất tại Mỹ. Theo báo cáo này, thời điểm hiện tại chính là thời điểm thích hợp để phục hưng nền công nghiệp Mỹ, bởi chuỗi giá trị trên thế giới đang dao động, tạo cơ hội cho Mỹ thu hút sản xuất.

Bên cạnh đó, lương tại các nền kinh tế mới nổi đang tăng, quá trình tự động hoá thu hẹp chênh lệch lao động, và sự phát triển mạnh của dầu đá phiến đã hạ giá năng lượng và gây ra tình trạng dư thừa tại Mỹ. Tất cả những điều này có thể thúc đẩy nền công nghiệp Mỹ hồi phục.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là phục hưng công nghiệp không giống như tạo việc làm. Ngược lại, lý do khiến các doanh nghiệp Mỹ hồi hương chính xác là do khả năng cắt giảm chi phí lao động. Hay nói cách khác, nếu Mỹ thực sự áp dụng thuế quan, thuế quan này sẽ chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp thép tại Mỹ.

Thuế quan cũng có thể hỗ trợ Trump; nhưng thuế quan chưa hẳn sẽ giúp đỡ công nhân Mỹ. Thay vào đó, người chiến thắng chung cuộc lại là robot. Tuy nhiên, rõ ràng robot không bỏ phiếu.

Quỳnh Mai

Financial Times

Trở lên trên