Thung lũng Silicon cắt giảm mạnh tuyển dụng lao động nhập cư
Số lượng yêu cầu phỏng vấn ứng viên nước ngoài của các nhà tuyển dụng đã giảm 37% do những lo ngại trước chính sách nhập cư của Tổng thống Trump.
- 13-08-2017Sao chép đối thủ quá nhanh, Facebook bị cho là "vùi dập" sự sáng tạo ở thung lũng Silicon
- 08-08-2017Cuộc sống làm chơi, ăn thật của các “kỹ sư triệu phú” ở Thung lũng Silicon
- 26-07-2017Đây là cách nhiều người biến 'giấc mơ Mỹ' thành hiện thực ngay cả khi tổng thống Donald Trump siết chặt nhập cư
- 21-07-2017Chuyện nhập cư vào Mỹ: Cần người hay cần tiền?
Các công ty tại Thung lũng Silicon đã bắt đầu giảm thiểu tuyển dụng nhân công nước ngoài bởi lo ngại rằng chính sách hạn chế nhập cư của Trump sẽ gây khó khăn cho quá trình tuyển dụng người nhập cư.
Theo dữ liệu tổng hợp từ hơn 10.000 công ty trên nền tảng tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ Hired, số lượng yêu cầu phỏng vấn ứng viên nước ngoài của các nhà tuyển dụng trong quý một và quý hai năm nay đã lần lượt giảm 46% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhân công nước ngoài cũng e dè hơn khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp công nghệ Mỹ. Tỉ lệ đáp ứng yêu cầu phỏng vấn của người lao động nước ngoài đã giảm 4% từ quý ba đến quý bốn năm ngoái, khi ông Trump đắc cử.
Theo giám đốc điều hành Mehul Patel của Hired, các nhà tuyển dụng lo ngại rằng việc tổng thống hạn chế số lượng người nhập cư vào Mỹ sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực công nghệ trầm trọng hơn.
Theo Hired, tác động tương tự trong lĩnh vực công nghệ từng xảy ra khi Anh bỏ phiếu rời EU. Sau sự kiện này, tỉ lệ yêu cầu phỏng vấn ứng viên nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ Anh đã sụt giảm gần 30%.
Lo ngại của thung lũng Silicon đã xuất hiện kể từ khi ông Trump đắc cử và tuyên bố sẽ hạn chế người lao động nhập cư có tay nghề cao. Khu vực công nghệ tại Mỹ đã tiến hành vận động hành lang yêu cầu thay đổi visa H-1B nhằm cho phép nhiều nhân công nước ngoài nhập cư; tuy nhiên, Trump lại cho rằng chiến dịch này sẽ cướp đi cơ hội của công dân Mỹ.
Tuần trước, tổng thống đề xuất kế hoạch giảm thiểu một nửa số người nhập cư vào Mỹ mỗi năm. Đề xuất này ưu tiên giáo dục và kĩ năng hơn là sự gắn kết gia đình, và do đó, có thể sẽ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng tới ngành công nghệ bởi ngành này yêu cầu những nhân công tay nghề cao (ví dụ như các kỹ sư phần mềm).
Patel cho biết nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn và start-up hưởng lợi từ việc tăng vốn đầu tư mạo hiểm đều đã tăng tỉ lệ tuyển dụng. Tình trạng thiếu hụt nhân lực là rất rõ ràng, bởi mỗi công ty đều có nhiều vị trí trống và đưa ra nhiều yêu cầu phỏng vấn với các ứng viên, dự đoán một thị trường đầy cạnh tranh.
Các doanh nghiệp công nghệ có thể sẽ phải tăng lương nhiều hơn, tìm kiếm các cố vấn hoạt động tự do hoặc tăng tuyển dụng tại các chi nhánh ngoài khu vực Vịnh San Francisco nhằm thu hút nhân tài.
Theo kết quả điều tra hơn 300 nhân viên công nghệ của Hired, 40% số người tham gia điều tra đã và đang cân nhắc chuyển công tác tới một quốc gia hoặc khu vực khác sau cuộc bầu cử Mỹ. Một phần ba trong số đó cho biết điểm đến mong muốn của họ là Canada, theo sau là Đức, châu Á và Úc. Khoảng 43% số người tham gia điều tra cho biết do Brexit, Anh không còn là một địa điểm lý tưởng để sinh sống và làm việc.