MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thượng đỉnh Hà Nội, cơ hội nào cho kinh tế Triều Tiên?

27-02-2019 - 17:30 PM | Tài chính quốc tế

Kinh tế có thể sẽ là một đòn bẩy quan trọng trong cuộc đàm phán Mỹ-Triều về hạt nhân chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội...

Nhiều chuyên gia phân tích nói rằng vấn đề kinh tế sẽ là một đòn bẩy quan trọng trong cuộc đàm phán về hạt nhân chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Kinh tế - đòn bẩy đàm phán?

Theo hãng tin CNBC, đã có những ý kiến cho rằng ông Trump có thể chọn việc nới, dỡ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên như một công cụ để đàm phán với ông Kim. Tín hiệu về một ý định như vậy của nhà lãnh đạo Mỹ đã được thể hiện trong hàng loạt đánh giá gần đây của ông về tiềm năng kinh tế của Triều Tiên.

Vào sáng 27/2, ông Trump đăng một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter nói rằng Triều Tiên cũng sẽ có được sự phát triển kinh tế ấn tượng như Việt Nam nếu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. "Việt Nam đang phát triển với tốc độ hiếm nơi nào trên Trái Đất bì kịp. Triều Tiên cũng có thể phát triển như thế, và rất nhanh chóng, nếu phi hạt nhân hóa", ông Trump viết.

Trong một dòng tweet hôm Chủ nhật, ông Trump viết: "Có lẽ rõ hơn ai hết, Chủ tịch Kim nhận ra rằng nếu không có vũ khí hạt nhân, đất nước của ông ấy có thể nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc kinh tế tuyệt vời trên thế giới".

Trước đó ít ngày, ông Trump đã ví von Triều Tiên có thể trở thành một "tên lửa kinh tế" nếu ông Kim Jong Un có lựa chọn sáng suốt trong vấn đề hạt nhân.

"Chúng tôi dự báo Tổng thống Trump đang khuyến khích bằng cách đưa ra một bức tranh kinh tế đẹp đẽ, bao gồm việc nới một số lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, để đổi lấy một kế hoạch đáng tin cậy hơn cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên", Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ rủi ro quốc gia khu vực châu Á thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế Economic Intelligence Unit (EIU), bà Anwita Basu, nhận định với hãng tin CNBC.

Một báo cáo của viện nghiên cứu Lowy Institute ở Australia nhấn mạnh rằng trên thực tế, các mối quan hệ kinh tế "hiệu quả hơn nhiều" so với các biện pháp trừng phạt trong việc giải quyết xung đột.

"Một đất nước Triều Tiên thịnh vượng hơn sẽ là kịch bản tốt nhất cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Có một nguyên tắc căn bản là luôn khó hơn nếu phải đàm phán với một người không có gì để mất", báo cáo viết.

Triều Tiên hiện đang chịu một loạt biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc, cũng như của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Các biện pháp này hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu của Triều Tiên, đồng thời đóng băng tài sản của nhiều quan chức nước này.

Mô hình Việt Nam

Chuyên gia Miha Hribernik thuộc Verisk Maplecroft cho rằng dù mục tiêu cuối cùng ở ông Kim Jong Un là được nới, dỡ trừng phạt, nhiều khả năng nhà lãnh đạo này sẽ không chấp nhận từ bỏ một thứ gì đó "có khả năng làm suy yếu nghiêm trọng sự phòng thủ hạt nhân của Triều Tiên hay đưa ra một nhượng bộ mà ông sẽ không thể đảo ngược".

Theo vị chuyên gia, ông Kim Jong Un có thể dừng vĩnh viễn việc thử hạt nhân và tên lửa, hoặc cho thanh sát viên quốc tế kiểm tra việc đóng cửa lò phản ứng Yongbyong.

Việc đóng cửa Yongbyong sẽ khiến Triều Tiên mất đi nguồn plutonium duy nhất và một trong số ít những nguồn uranium làm giàu của nước này, nhưng Bình Nhưỡng gần như chắc chắn đã dự trữ được một lượng vật liệu hạt nhân đủ lớn để đóng cửa lò phản ứng này mà không suy giảm năng lực phòng thủ.

Một nhượng bộ như vậy sẽ không phải là khó khăn lớn đối với Triều Tiên, nhất là nếu được đổi lấy việc nới, dỡ trừng phạt.

Ông Christopher Green, nhà tư vấn về vấn đề Triều Tiên thuộc International Crisis Group, thì nói rằng kinh tế Triều Tiên hiện nay không tệ như nhiều người nghĩ, nhưng cũng không phát triển mạnh. Theo ông Green, với tham vọng phát triển kinh tế của ông Kim Jong Un, Việt Nam có thể là mô hình kinh tế tốt nhất để Bình Nhưỡng xem xét học hỏi.

Theo một ước tính của ngân hàng Morgan Stanley, nếu Triều Tiên đi theo mô hình Việt Nam, mở cửa dần nền kinh tế, thì lượng vốn đầu tư vào nước này có thể đạt 9 tỷ USD mỗi năm.

"Dân số trong độ tuổi lao động 18 triệu người của Triều Tiên sẽ gia nhập chuỗi cung ứng sản xuất tại khu vực châu Á với mức lương theo giờ thấp hơn ở Việt Nam", một báo cáo của Morgan Staley viết. Theo báo cáo này, kinh tế Triều Tiên phát triển "sẽ tạo ra mối liên kết còn thiếu nhằm cải thiện sự kết nối thương mại giữa bán đảo Triều Tiên tới châu Âu, một khi đường sắt liên Triều được kết nối với Nga và Trung Quốc".

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên