Thương mại điện tử đã tăng trưởng 20% mỗi năm nhưng kỷ nguyên của Amazon và Alibaba mới chỉ bắt đầu!
Hai thành tố lớn nhất của bức tranh – Jack Ma và Jeff Bezos, ông chủ của Alibaba và Amazon - đang tạo ra một loại hình tập đoàn đa quốc gia hoàn toàn mới.
- 29-10-2017Trong khi 54 bang 238 thành phố tranh nhau mời Amazon mở trụ sở 5 tỷ USD, tại sao 7 bang này lại chẳng mấy mặn mà?
- 28-10-2017Ông chủ Amazon vượt Bill Gates trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới
- 23-10-2017Công thức đơn giản mà Jeff Bezos sử dụng để biến Amazon thành đế chế như ngày nay
Tháng 11 tới, người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ thỏa sức mua sắm trực tuyến với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn từ hai sự kiện lớn - ở Trung Quốc là ngày Singles Day (11/11) trên các trang web của Alibaba, ở Mỹ là Black Friday với Amazon.com là trang web nhất định phải ghé qua. Sau đó thế giới sẽ bước vào thời kỳ mua sắm chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.
Trong thập kỷ vừa qua, thương mại điện tử đã tăng trưởng như vũ bão với tốc độ trung bình 20% mỗi năm, đe dọa tất cả các ngành từ vận tải giao nhận đến hàng hóa tiêu dùng. Và không có nơi nào trên thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của thương mại điện tử mạnh mẽ hơn ở Mỹ, nơi hàng nghìn cửa hàng vật lý đã phải đóng cửa kể từ đầu năm đến nay trong khi cứ 9 việc làm ở đây thì có 1 việc làm là trong ngành bán lẻ.
Điều đáng ngạc nhiên là tất cả chỉ mới bắt đầu, bởi năm ngoái mua sắm trực tuyến chỉ chiếm 8,5% tổng chi tiêu cho bán lẻ trên toàn thế giới. Ở Mỹ tỷ lệ cao hơn một chút, vào khoảng 10%. Những tác động của thương mại điện tử về cả khía cạnh kinh tế và xã hội sẽ là rất lớn, không chỉ bởi vì bán lẻ là lĩnh vực tạo ra quá nhiều việc làm cho nền kinh tế mà còn bởi vì hai thành tố lớn nhất của bức tranh – Jack Ma và Jeff Bezos, ông chủ của Alibaba và Amazon - đang tạo ra một loại hình tập đoàn đa quốc gia hoàn toàn mới.
Trong 2 thập kỷ vừa qua, Alibaba và Amazon đã bổ sung thêm nhiều mảng dịch vụ, từ điện toán đám mây đến video trực tuyến. Các mảng kinh doanh sẽ củng cố lẫn nhau vì chúng tạo thành 1 hệ sinh thái cung cấp mọi thứ cho khách hàng (cả cá nhân và doanh nghiệp), do đó có thể giữ chân họ rất lâu. Sau đó nguồn doanh thu đa dạng và lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được lại cho phép Alibaba và Amazon đầu tư mở rộng tăng trưởng. Cuối cùng, hai “ông lớn” này sẽ ngồi ở trung tâm của mọi hoạt động.
Ở Mỹ, Amazon đang chứng minh sức mạnh hủy diệt của mình, cho thấy một công ty thương mại điện tử sáng tạo không ngừng nghỉ có thể xới tung một thị trường đã bão hòa như thế nào. Ở Trung Quốc, Alibaba lại là minh chứng cho câu chuyện chỉ 1 công ty có thể định hình lại toàn bộ hoạt động kinh doanh ở một nền kinh tế đang tăng trưởng nóng như thế nào.
Nhờ có những trang web mua sắm trực tuyến của Amazon và Alibaba, các nhà sản xuất nhỏ lẻ có thể dễ dàng phân phối hàng hóa và tìm kiếm người mua hàng tiềm năng với chi phí thấp hơn nhiều so với trước đây. Các doanh nghiệp nội địa nhờ đó mà đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia. Người tiêu dùng cũng được lợi vì có nhiều lựa chọn phong phú.
Các nền tảng thương mại điện tử càng lớn mạnh, nỗi lo lắng về sức mạnh của Alibaba và Amazon càng tăng lên. Có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và bền vững, Amazon có thể thực hiện những khoản đầu tư lớn vào những thứ như nhà kho, trí tuệ nhân tạo hay các vụ M&A quy mô. Các khoản đầu tư này cùng với lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được từ hệ sinh thái giúp Amazon có được lợi thế cạnh tranh rất lớn, khiến các đối thủ khó lòng đuổi kịp.
Tuy nhiên, họ có thể học tập nhiều điều từ Trung Quốc – nơi các đối thủ của Alibaba đang liên kết với nhau. Tencent khởi đầu là 1 công ty về game và ứng dụng nhắn tin nhưng hiện nay đã có mảng thanh toán trực tuyến khá mạnh và là cổ đông lớn nhất của JD.com – đối thủ gần nhất của Alibaba. JD cũng đang làm việc với các nhà bán lẻ và công ty công nghệ khác. Tháng 8 vừa qua, hãng thông báo khách hàng có thể mua hàng qua Baidu – cỗ máy tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc.
Có vẻ như Walmart đang bắt đầu áp dụng chiến luật của JD khi cung cấp hàng hóa thông qua trợ lý ảo của Google, cạnh tranh với Alexa của Amazon. Facebook cũng muốn giúp khách hàng có thể mua hàng hóa xuất hiện trong các quảng cáo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới dễ dàng hơn.
Cuộc cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Sự kết hợp giữa các nhà bán lẻ và công ty công nghệ sẽ khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn và nhiệm vụ của các nhà quản lý là can thiệp để chống độc quyền. Ở Mỹ, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các doanh nghiệp thương mại điện tử đang giảm xuống một phần là bởi các nhà đầu tư nghĩ rằng vị thế thống trị của Amazon khó có thể bị lung lay. Các nhà quản lý nên tính đến yếu tố kiểm soát dữ liệu thay vì chỉ tính đến thị phần khi xem xét các vụ M&A như hiện nay. Trong thời đại của Amazon và Alibaba, luật chống độc quyền cũng cần được nâng cấp.