MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ AVG: Nữ cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone được bảo lĩnh không bị tạm giam

03-09-2019 - 16:39 PM | Xã hội

Ngày 26/8/2019, cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh được Cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lĩnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty MobiFone và một số đơn vị liên quan.

Trong vụ án này, theo bản kết luận có 14 bị can bị đề nghị truy tố. Trong đó, 8 bị can đang bị tạm giam tại trại tạm giam T16 Bộ Công an gồm:

Bị can Nguyễn Bắc Son ; Trương Minh Tuấn , cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Đình Trọng; Lê Nam Trà; Cao Duy Hải; Võ Văn Mạnh; Hoàng Huy Quang; Phạm Nhật Vũ , cựu Chủ tịch AVG .

Các bị can được hưởng tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú gồm: Phan Thị Mai Hoa; Hồ Tuấn; Nguyễn Mạnh Hùng; Nguyễn Bảo Long; Nguyễn Đăng Nguyên.

Thương vụ AVG: Nữ cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone được bảo lĩnh không bị tạm giam - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng khám nhà ông Nguyễn Bắc Son hồi tháng 2/2019.

Đối với bị can Phạm Thị Phương Anh, sinh năm 1975, cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone đã bị bắt tạm giam ngày 13/11/2018.

Đến ngày 26/8/2019, theo thông tin trong bản kết luận điều tra đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang bảo lĩnh.

Trao đổi với PV, một cán bộ từng công tác trong ngành kiểm sát cho biết, việc bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo.

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam, được áp dụng trong trường hợp không cần thiết phải tạm giam, nhưng thấy cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

Theo vị này, pháp luật quy định có hai dạng bảo lĩnh: tổ chức bảo lĩnh và cá nhân bảo lĩnh. Cụ thể:

Cá nhân nhận bảo lĩnh, là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh. Trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh là người thân thích của bị can, bị cáo thì phải có từ hai người trở lên.

Tổ chức nhận bảo lĩnh: phải thỏa mãn điều kiện là người được bảo lĩnh (bị can, bị cáo) phải là thành viên của tổ chức đó. Nếu là chính quyền địa phương đứng ra bảo lĩnh thì người được bảo lĩnh phải là người cư trú ở địa phương đó.

Bị can Phạm Thị Phương Anh bị khởi tố hồi tháng 11/2018, về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3, điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trước khi bị khởi tố bà Phương Anh bị Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong đàm phán và thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với nhóm cổ đông AVG khiến cho MobiFone bị thiệt hại.

Bị can Phương Anh được xác định là người đã tham mưu sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty AMAX để MobiFone mua cổ phần của AVG, cũng như không kiểm tra tư cách pháp nhân hay tính pháp lý của nhóm cổ đông bên bán.

Bị can Phương Anh là người chịu trách nhiệm trong việc trực tiếp ký các báo cáo đánh giá về dự án, kết quả tham mưu về hiệu quả của dự án, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Mobifone về chuẩn bị nguồn vốn trả cho các cổ đông AVG...

Trước đó, theo bản kết luận điều tra, sau khi hoàn thành dự án MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa cho ông Son 3 triệu USD.

Ông Son nhận thức việc ông Vũ đưa tiền vì cựu bộ trưởng đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG. Sau khi nhận tiền, ông Son đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 - 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Ngoài ra ông Son còn thừa nhận vào dịp lễ, tết đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc MobiFone, số tiền 200 triệu đồng dịp 30/4/2015 và 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, dịp tết âm lịch 2016.

Quá trình điều tra ông Son nhận thức số tiền nhận từ ông Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã nhiều lần viết đơn xin khắc phục hậu quả. Ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả.

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD.

Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236. Số tiền này ông Tuấn đã sử dụng vào việc cá nhân. Ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Bị can Lê Nam Trà , cựu chủ tịch HĐTV MobiFone, khai quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần gọi điện giục sớm hoàn thành dự án.

Sau khi hoàn thành dự án, trước và sau tết âm lịch 2016, ông Trà nhận từ ông Phạm Nhật Vũ số tiền 2,5 triệu USD. Số tiền này ông Trà đã sử dụng cá nhân.

Ông Trà nhận thức được việc nhận tiền từ ông Vũ là sai, vi phạm pháp luật nên đã đề nghị xin được khắc phục toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD hưởng lợi bất chính.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên