Thủy điện ở Đắk Nông kẹt van xả gây nguy cơ vỡ đập, đe dọa nhiều tỉnh
Hồ thủy điện Đắk Kar tại xã Phú Sơn (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) có dung tích 13 triệu m3 nhưng xảy ra sự cố kẹt cửa van, nước tràn qua đập nguy cơ gây vỡ đập.
Tối 8/8, theo báo cáo của lãnh đạo huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết, đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn đang túc trực để sẵn sàng ứng cứu nếu xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đắk Kar.
Theo đó, những ngày qua mưa lớn, nước đổ về hồ thủy điện Đắk Kar rất lớn. Tuy nhiên, hiện cửa van của công trình bị kẹt, không vận hành được. Đến thời điểm này, nước đã rút được một ít và nếu trời không mưa sẽ tạm ổn.
Trước đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết, lúc 17 giờ chiều 8/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đã ký công điện khẩn gửi các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng cùng Bộ Công Thương và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để cảnh báo nguy cơ vỡ đập thủy điện.
Theo báo cáo từ tỉnh Đắk Nông, công trình hồ thủy điện Đắk Kar tại xã Phú Sơn (huyện Đắk R’Lấp) có dung tích 13 triệu m3, đang trong thời gian thi công nhưng đang gặp sự cố kẹt cửa van.
Do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua, nước đã tràn qua đập, gây ra sạt lở ở vị trí chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các khu vực dân cư ở các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương khẩn trương thông tin về sự cố đập tới chính quyền các cấp và người dân.
Bên cạnh đó, tổ chức di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng; chủ đập và các cơ quan chức năng phải tìm mọi cách để hạ thấp mực nước, tránh tình huống vỡ đập đột ngột.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và diễn biến về sự cố, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó, xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, vì theo dự báo, khu vực này nằm trong vùng tiếp tục có mưa lớn từ 800 - 100 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm.
Trước đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, ba tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Lâm Đồng đã di dời hơn 300 hộ dân đang sinh sống tại khu vực hạ du.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến chiều 8/8, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, mưa lũ đã làm 5 người chết, trong đó Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người, Đắk Nông 3 người do bị sạt lở đất (tại xã Đăk Sin, huyện Đăk R’lấp) và Lâm Đông 1 người.
Tại Đắk Nông, còn 20/60 nhà bị ngập, sạt lở 1000 m3 đất, đá trên tuyến kênh dẫn nước vào nhà máy thủy điện N&S hiện không thể phát điện.
Tại Lâm Đồng hiện gần 150 nhà, một trường học bị ngập, gần 80 ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm bị ngập; tỉnh lộ 725 đoạn qua xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh có 4 điểm bị sạt lở, nhưng không gây ách tắc giao thông.
Trí Thức trẻ