"Thủy triều rút mới biết ai bơi truồng": Sau Covid-19 là nhiều vụ lừa đảo lộ diện?
Kinh tế bùng nổ là cơ hội cho những kẻ lừa đảo dễ dàng qua mắt người khác bằng nhiều chiêu trò, từ mức lợi suất cao chót vót nhưng không hề có thật cho đến doanh thu được thổi phồng lên so với thực tế. Nhưng suy thoái sẽ khiến "cái kim trong bọc" phải lòi ra.
- 30-04-2020Tại sao giá trị của đồng USD vẫn đứng vững khi Covid-19 tạo 'sóng gió' lớn cho thị trường?
- 29-04-2020Heo, bò, gà: Những “nạn nhân” tiếp theo của Covid-19 ở Mỹ?
- 29-04-2020CNBC: Mỹ sẽ phải tốn hàng nghìn tỷ USD đến tận năm 2022 mới có thể hoàn toàn hồi phục nền kinh tế sau dịch Covid-19
Tháng 12/2008, khi Bernie Madoff thú nhận đã thực hiện vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi với quy mô lên tới 65 tỷ USD, đó không phải là tâm trạng ăn năn hối lỗi. Madoff biết rằng trò chơi đã kết thúc. 3 tháng trước, Lehman Brothers gục ngã. Cú sụp đổ của thị trường khiến các khách hàng lo sợ ồ ạt rút tiền khỏi các quỹ của Madoff. Không phải các nhà quản lý Mỹ đã phát hiện ra mánh khóe của siêu lừa mà khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã vạch trần trò lừa đảo của ông trùm này.
Kinh tế bùng nổ là cơ hội cho những kẻ lừa đảo dễ dàng qua mắt người khác bằng nhiều chiêu trò, từ mức lợi suất cao chót vót nhưng không hề có thật cho đến doanh thu được thổi phồng lên so với thực tế. Nhưng suy thoái sẽ khiến "cái kim trong bọc" phải lòi ra. Như Baruch Lev, giáo sư của ĐH New York, từng nói: "ở thời kỳ tươi đẹp thì trông ai cũng tốt nhưng bạn sẽ bị thị trường trừng phạt 1 cách cay đắng nếu như không phân biệt được đúng sai".
Những vụ gian lận sổ sách trong 20 năm gần đây đều nổi lên trong suy thoái. 1 thập kỷ trước khủng hoảng 2007-09, bong bóng dot-com vạch trần gian lận kế toán tại Enron và WorldCom. Warren Buffett từng ví von rằng "chỉ khi thủy triều rút thì bạn mới phát hiện ai đang bơi mà không mặc quần áo".
Và lần này thì Covid-19 đang khiến nước rút đi nhanh hơn bao giờ hết.
Ngay từ trước khi đại dịch nổ ra, bảng cân đối kế toán của nhiều công ty đã rơi vào tình trạng căng thẳng vì nợ quá nhiều. Một số bí mật "bẩn thỉu" đã bắt đầu lộ diện. Ví dụ như Luckin Coffee, chuỗi cà phê từng được cho là có thể cạnh tranh với Starbucks ở Trung Quốc và thu hút được những nhà đầu tư tên tuổi như quỹ Blackrock hay quỹ đầu tư quốc gia của Singapore. Ngày 2/4, công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq bất ngờ thông báo đang tiến hành điều tra nội bộ vì những cáo buộc rằng COO của hãng đã làm giả số liệu và khiến doanh thu tăng thêm khoảng hơn 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 280 triệu USD) so với thực tế.
Ngày 14/4, Citron Research, 1 nhà đầu tư bán khống, buộc tội GSX, công ty dạy học trực tuyến của Trung Quốc nhưng niêm yết trên sàn New York, đã thổi phồng doanh thu năm ngoái. GSX bác bỏ cáo buộc này và cho rằng báo cáo của Citron hoàn toàn sai.
Những sự việc như vậy làm sống lại nỗi lo sợ về tình hình quản trị doanh nghiệp vốn yếu kém tại các công ty Trung Quốc có niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán nước ngoài. Những công ty này thường được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán Trung Quốc và luật lệ hiện hành khiến người nước ngoài khó có thể điều tra.
Những công ty chuyên phát hiện gian lận như Citron và Muddy Waters (là bên đã tố cáo Luckin) từng phát hiện ra nhiều trò lừa đảo sau làn sóng các công ty Trung Quốc ồ ạt niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài cách đây 1 thập kỷ. Lần này họ tìm thấy cả những manh mối ở bên ngoài Trung Quốc.
Blue Orca Capital, 1 quỹ chuyên tập trung vào thị trường châu Á, cho rằng những vụ gian lận có thể xuất hiện ở cả những thị trường mới nổi khác, thậm chí ở châu Âu và Mỹ. Nhà sáng lập của quỹ, Soren Aandahl, đang nhắm đến những công ty có sự chênh lệch lớn giữa số vốn mà họ cần huy động và dòng tiền mặt mà họ tuyên bố là đang tạo ra. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh như du lịch, giải trí và bất động sản cũng được nghiên cứu kỹ.
Các công ty gian lận quá trắng trợn chỉ là nhóm rất nhỏ. Vùng xám tập trung những công ty xào nấu số liệu một cách kín đáo hơn để làm đẹp báo cáo tài chính. Nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith gọi đây là "lợi nhuận trông có vẻ thật nhưng nhìn kỹ thì là viển vông hão huyền".
Khi thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm và vào trạng thái "thị trường con bò", các startup là những bậc thầy về "các trò ảo thuật" với những thước đo mới nhằm thổi phồng năng lực của họ. Bằng cách sử dụng chỉ số lợi nhuận trước thuế, lãi và khấu hao (EBITDA) "điều chỉnh theo cộng đồng", WeWork đã biến khoản lỗ lớn của năm 2018 nếu xét theo chuẩn kế toán GAAP thành lợi nhuận. Dù đây không phải là hành vi phạm pháp nhưng hoàn toàn xứng đáng để đưa ra "thẻ đỏ". Nhiều nhà đầu tư đã làm ngơ bởi vì họ tin vào cái mà Aandahl gọi là "chuyện hoang đường trong danh sách của các cổ đông": tất cả sẽ ổn nếu như trong hội đồng quản trị có những ông lớn ủng hộ. Câu chuyện tương tự xảy ra ở Luckin.
Những tiêu chuẩn không nằm trong GAAP đã mọc lên "như nấm sau mưa" trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư ngày càng khó nhận biết đâu mới là con số thực phản ánh sức khỏe tài chính thực sự của công ty. Trung bình số lượng các chỉ tiêu nằm ngoài GAAP xuất hiện trên báo cáo của các công ty trong S&P 500 đã tăng từ 2,5 lên 7,5 trong 20 năm qua, theo số liệu thống kê của PwC.
Trong các thỏa thuận tín dụng được phân tích bởi Zion Research Group, khái niệm EBITDA được định nghĩa theo nhiều cách, có thể dài từ 75 đến hơn 2.200 chữ. Tất nhiên GAAP chưa phải là hoàn hảo, nhưng rõ ràng không ít khái niệm nằm ngoài GAAP được vẽ ra để che mắt nhà đầu tư. Một nghiên cứu chỉ ra lợi nhuận theo các chỉ tiêu ngoài GAAP cao hơn khoảng 15% so với theo GAAP.
Theo Jules Kroll, chuyên gia của K2 Intelligence, những mánh khóe với các chỉ tiêu lợi nhuận và doanh thu ngày nay giống như việc sử dụng các robot và những trò gian lận khác trong bong bóng dotcom 20 năm trước. "Khi 1 lĩnh vực trở nên quá nóng, mọi người càng bị xúi giục nên làm đẹp các con số".
Không chỉ khiến những mánh khóe cũ bộc lộ, đại dịch còn có thể làm nảy sinh những trò gian lận mới. Khi sự tồn tại của công ty bị đe dọa, ranh giới giữa những gì chấp nhận được và không chấp nhận được từ chuyện thổi phồng doanh thu hay giấu nhẹm thua lỗ có thể bị xóa nhòa. Thậm chí một số công ty không còn lựa chọn nào khác.
Bruce Dorris, người đứng đầu Association of Certified Fraud Examiners, cơ quan chống gian lận lớn nhất thế giới, cho rằng Covid-19 giống như "1 cơn bão hoàn hảo đối với các trò gian lận". Đại dịch có thể sản sinh ra mọi thứ, từ gian lận sổ sách đến những trò lừa đảo có liên quan đến các gói kích thích kinh tế khi mà hàng nghìn công ty buộc phải tìm ra con đường sống sót.