MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền của dân gửi vào ngân hàng liên tục tăng, kì vọng chảy vào thị trường bất động sản là "mong manh"?

27-10-2023 - 15:57 PM | Bất động sản

Tiền của dân gửi vào ngân hàng liên tục tăng, kì vọng chảy vào thị trường bất động sản là "mong manh"?

Rất nhiều dự đoán được đưa ra rằng, cuối năm 2023, khả năng tiền gửi ngân hàng đáo hạn sẽ “chảy” ngược vào nhà đất. Tuy vậy, những thông tin gần đây về việc tiền của dân gửi vào ngân hàng đang rất lớn dấy lên lo ngại vào sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Tiền đáo hạn chưa chảy vào bất động sản

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu về tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng của dân cư và tổ chức. Theo đó, tổng số tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng tính đến tháng 8/2023 đã đạt trên 12,4 triệu tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục đạt mức kỷ lục mới với hơn 6,43 triệu tỉ đồng. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng.

Riêng trong tháng 8/2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 43.723 tỉ đồng. Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỉ đồng tháng 7 liền trước hay mức 35.300 tỉ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.

Đáng nói, mức tăng tiền gửi tiết kiệm này diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm sâu so với đầu năm 2023. Hiện, bất chấp mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, lượng tiền đổ vào ngân hàng vẫn tăng lên. Điều này ngầm hiểu rằng, dòng tiền của người dân chưa phân bổ vào các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.

Một số dự báo trước đó của chuyên gia trong ngành cho rằng, cuối năm 2023, khả năng tiền gửi ngân hàng đáo hạn sẽ “chảy” ngược vào nhà đất. Khi đó, sức cầu thị trường sẽ hồi phục rõ nét vào quý 4/2023 trở đi.

Thế nhưng, hiện thị trường đã đi gần hết tháng đầu tiên của quý 4/2023 nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy, dòng tiền của người mua đang đổ vào bất động sản. Toàn thị trường, sức cầu nhì chung vẫn rất yếu. Thậm chí, hiện tại rất khó để xác định được thời gian bất động sản phục hồi.

Tiền của dân gửi vào ngân hàng liên tục tăng, kì vọng chảy vào thị trường bất động sản là "mong manh"? - Ảnh 1.

Tiền gửi tiết kiệm ngân hàng của dân cao nhất từ trước đến nay, bất chấp lãi suất giảm.

Như vậy để thấy,  những kì vọng dòng tiền đáo hạn ngân hàng chọn bất động sản làm “bến đỗ”  là khá mong manh.

Đến năm 2025, bất động sản mới phục hồi

Trao đổi về việc dòng tiền của người mua bất động sản đang đi đâu?, đại diện Công ty Cổ phần địa ốc Thăng Long (Thang Long Real Group) cho rằng, thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2023 sẽ chưa có cơ hội khởi sắc trở lại, do tâm lý nhà đầu tư đang mất niềm tin với thị trường. Nếu ngoại hối vẫn tiếp tục đổ về thì những tháng cuối năm ngân hàng vẫn tiếp tục bị ế tiền. Vì thế, chu kỳ đi xuống của bất động sản vẫn đang tiếp tục, ít nhất phải đến cuối năm 2025 đầu năm 2026 nhà đầu tư mới quay trở lại thị trường.

Vị này phân tích, năm 2023 sắp đi qua với nhiều những khó khăn, chiến tranh vẫn tiếp tục nổ ra ở nhiều nơi, kinh tế thế giới đặc biệt là Châu Âu vẫn tiếp tục bị lạm phát, tăng trưởng thấp. Các nước có nền kinh tế lớn ở Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kong, Singapore giá bán nhà vẫn tiếp tục suy giảm, chưa có dấu hiệu hồi phục.

Còn tại Việt Nam sau nhiều năm giá nhà liên tục phi mã, hiện giá bán nhà đã quá cao so với những người có nhu cầu ở thực. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng nóng, cung vượt cầu, giá bán nhà tại những thị trường này có nơi đã giảm đến 50% giá trị nhưng vẫn không giao dịch.

Cùng với đó, nền kinh tế trong nước đang tăng trưởng chậm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng giá nhà sẽ tiếp tục giảm. Họ gần như không tin tưởng vào thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng trong ngắn hạn. Từ đó, khách hàng có tâm lý bảo toàn nguồn vốn và nghe ngóng thêm tình hình tăng trưởng kinh tế; không đưa ra quyết định đầu tư lúc này.

Tiền của dân gửi vào ngân hàng liên tục tăng, kì vọng chảy vào thị trường bất động sản là "mong manh"? - Ảnh 2.

Đại diện Thang Long Real Group nhấn mạnh thêm, thời điểm này chỉ những người mua nhà ở thật mới xuống tiền. Nếu bất động sản để đầu tư phải có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín, tiến độ thanh toán dài, chính sách ưu đãi hấp dẫn, giá cả hợp lý thì mới có thể tìm kiếm được khách hàng.

Nếu cuối 2025 bất động sản mới có thể phục hồi thì với độ trễ này, hệ luỵ với thị trường là rất lớn. Các chủ đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn.  Chưa kể, thị trường bất động sản suy giảm sẽ kéo theo nhiều ngành nghề như vật liệu xây dựng, tài chính… giảm theo. Tỷ lệ người lao động thất nghiệp trong ngành tăng cao.

“Tôi mong Nhà nước, chính phủ vào cuộc để tập trung kiện toàn các quy định pháp luật, có quy định để bảo vệ cho cán bộ cũng như doanh nghiệp dám nghĩ dám làm. Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, tạo ra nhiều nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân. hi đó, sức cầu mới quay trở lại”, vị này chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Lê Minh Đức, Nhà sáng lập Công ty Cổ phân Remaps cho rằng, thị trường bất động sản đang bị “mắc kẹt” nhiều thứ. Trong đó, yếu tố nguồn vốn vẫn bị cản trở.

Cụ thể, ngân hàng dù giảm lãi suất nhưng điều kiện cho cho vay khó hơn trước rất nhiều. Vì thế, cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà đều khó tiếp cận vốn vay ở thời điểm này. Người muốn vay thì không vay được do thủ tục chứng minh thu nhập, tài sản gặp khó khăn. Người có thể vay thì không đi vay ở giai đoạn này. Bởi, họ nhìn vào bối cảnh kinh tế, thị trường đều cho rằng, “tiền khó sinh ra tiền”. Do đó, thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm 2023, thậm chí 2024 vẫn chưa có kì vọng nhiều.

Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, hiện cả người mua thực và nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng dòng tiền hay vay tín dụng để mua bất động sản. Trừ khi có sản phẩm thật sự tốt, nhà đầu tư mới mạnh dạn xuống tiền. Ngược lại, phần lớn họ vẫn giữ trạng thái chờ đợi, nghe ngóng thêm.

Hạ Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên