Tiền Giang vận động doanh nghiệp tiêu thụ thanh long giúp dân
Trong lúc thanh long giá thấp, thậm chí bán không được nên tỉnh vận động doanh nghiệp thu mua giúp dân.
- 10-10-2018Thanh Long rớt giá: Chuyên gia nói 'giải cứu' như muối bỏ bể
- 10-10-2018Vứt bỏ hàng trăm tấn thanh long: Hậu quả việc trồng theo phong trào
- 09-10-2018Thanh long tại vườn 2.000 đồng/kg, người tiêu dùng vẫn mua với giá cao gấp 10 lần
Ngày 10-10, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết đã báo cáo UBND tỉnh về tình hình thanh long mất giá thê thảm trong vòng mấy năm qua.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 7.000 ha trồng thanh long. Hai tháng qua, giá thanh long từ 32.000 đồng/kg nhưng sau ngày 20-9 giá xuống còn vài ngàn đồng/kg. Thậm chí, có những trái nhỏ bán cũng không có ai mua. Trung bình mỗi ha thanh long người trồng lỗ từ 18- 20 triệu đồng.
Thanh long không có người mua nên dân mang tràn ra lộ
Theo ông Mẫn, nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh do một thời gian dài giá bán loại trái cây này giữ ở mức cao nên nhà vườn kích thích cây ra rất nhiều trái, dẫn đến sản lượng thu hoạch tăng mạnh. Thương lái đặt hàng trước vào thời điểm giá cao, khi xuống thấp họ lại bỏ tiền cọc, không thu sản phẩm khiến nông dân điêu đứng.
Trong khi đó, doanh nghiệp tiêu thụ trong tỉnh tạm ngưng việc thu mua do đã thu mua đủ số lượng, thanh long được chứa đầy các kho lạnh. Doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dừng việc thu mua do đã đủ hàng và thời điểm thu hoạch trái thanh long Tiền Giang hiện nay trùng với thời vụ thu hoạch tại các vùng trồng thanh long của Trung Quốc.
Ông Mẫn cho biết trước mắt còn khoảng 6.000 ha thanh long gần thu hoạch, các ban ngành vận động doanh nghiệp thu mua cho dân để giảm thiệt hại. Biện pháp lâu dài, sở kiến nghị UBND tỉnh xem xét xử lý biện pháp khoa học theo hướng GAP, nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản trái thanh long.
Ngoài ra, cũng cố nâng cấp hợp tác xã, mời gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến từ tận dụng trái thanh long không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để chế biến như "thanh long sấy khô, sấy dẻo, ép nước thanh long"…
Người lao động