"Tiên ông nhiếp ảnh" U90 ở HN: Hồi sinh kỳ diệu sau cơn đột quỵ và bí quyết sống thọ ít ai ngờ
Nhiếp ảnh gia Quang Phùng từng bị đột quỵ năm 76 tuổi, bệnh viện trả về. Với sự nỗ lực phi thường, ông đã khỏe mạnh như một kỳ tích chiến thắng bản thân. Hãy xem bí quyết của ông.
- 07-09-2019"Ngôi làng trường thọ" nổi tiếng: Người già nườm nượp đến thuê nhà để sống phần cuối đời
- 06-09-2019Danh y nổi tiếng Trung Quốc: Bí quyết dưỡng sinh "3 độ, 3 siêng, 4 biết" giúp sống thọ
- 22-08-2019Chỉ ăn uống và thể dục không thể quyết định tuổi thọ, chính 4 nguyên tắc tâm lý sau mới là bí quyết khỏe mạnh, sống lâu
Chúng tôi hẹn gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh cao niên Quang Phùng – người được ví là "tiên ông nhiếp ảnh" Hà Nội vào một buổi chiều thu ở ngôi nhà nhỏ rợp bóng cây xanh tại phố Hạ Hồi, Hà Nội.
Ông đi đi lại lại, chuẩn bị tinh thần đón khách, ông nói rằng khi mình đã hẹn ai là đều phải rất đúng giờ, chuẩn bị sẵn những bộ ảnh hay nhất, mới nhất để "khoe". Ông tiếp khách trong tư thế đứng, khuôn mặt vui tươi, giọng nói hào sảng và tiếng cười vang, bảo rằng tôi đứng và đi nhiều nên quen rồi, lúc nào cũng chỉ thích đứng.
Câu chuyện về ảnh sẽ không thể dừng lại nếu như tôi không đề cập đến nội dung chúng tôi trao đổi hôm nay về những bí quyết giúp ông sống khỏe mạnh và thú vị như thế khi đã ở ngưỡng U90 (ông sinh năm 1932).
Ngay lập tức, ông kể về chuyện bị đột quỵ, trải qua cơn bạo bệnh "thập tử nhất sinh" như thế nào.
Ai cũng có thể bị bạo bệnh bất ngờ, nhưng đừng vì thế mà "buông tay"
Ông mở đầu câu chuyện rằng, nếu bạn muốn kéo dài cuộc sống của mình, bạn buộc phải làm việc, mà phải làm đến tận cùng với tất cả niềm say mê.
Ông kể, năm 2008 (76 tuổi), "đang yên đang lành" thì bị đột quỵ, đúng lúc đang làm dở dự án sách ảnh Dạo quanh Hồ Gươm cùng với giáo sư GS. John Kleinen, Đại học Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan.
Khi tôi bất ngờ bị đột quỵ, ngay lập tức được người nhà đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Nhưng vào đó thì người ta bảo nặng quá rồi, không chữa được.
Sau đó, được một người thân giới thiệu chuyển sang một bệnh viện khác với hy vọng "còn nước còn tát", nằm yên một chỗ không biết gì trong trạng thái mê man. Sau 21 ngày thì tình trạng bệnh không khá lên, mơ mơ tỉnh tỉnh, phải ra viện.
Khi vừa xuất viện, người tôi mềm như bún, giống như không có xương, cảm giác nặng bằng 2 bao xi măng, phải 2 người mới đỡ được, sức khỏe cứ ở trong tình trạng như vậy, rất khó khăn, phải thuê một cô điều dưỡng đến để chăm sóc hàng ngày. Tiền công thuê người chăm sóc riêng như vậy rất đắt. Được một thời gian thì cũng cạn tiền, hết sạch, nhà tôi mời cô ấy nghỉ. Cuộc sống tiếp tục như vậy, rất khổ.
Mỗi lần tắm, là phải thuê một anh rất lực lưỡng, hồi đó là phải chi 500 ngàn đồng thì người ta mới đến nhà để tắm cho. Người mình nằm lâu nên cảm giác rất nặng, anh ấy phải cõng từ giường vào nhà tắm.
Tình trạng nằm "liệt giường" kéo dài, bước đường cùng, tôi quyết định làm một việc có tính "đột phá", ôm gối vào đầu, lăn xuống đất, rồi cố gắng ngồi dậy thử. Làm như thế không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu ngày. Thế rồi cũng đến một ngày tôi ngồi dậy được, sau đó thì đứng dậy.
Từ đây, tôi nghiệm thấy điều quan trọng nhất, chính là sức mạnh tinh thần, là ý chí quyết tâm, là việc mình muốn tiếp tục sống.
Ảnh trong bài: Nguyễn Long Hưng
Tự "vật lý trị liệu" ngay tại nhà theo lời gợi ý của giáo sư Hà Lan
Trong thời điểm đó, tôi thực sự cần đến một giải pháp vật lý trị liệu với hy vọng thoát khỏi cảnh nằm yên một chỗ. Vì tôi rất muốn mình nhanh chóng bình thường trở lại sau cơn bạo bệnh.
Thế rồi tôi và GS John Kleinen trao đổi với nhau, anh ấy nói rằng, cách tốt nhất để "vật lý trị liệu" cho tôi bây giờ chính là đọc và viết. Anh ấy khuyên rằng, ông hãy đọc và viết đi!
Tôi đọc, nhưng không hiểu. Sau đó anh ấy bảo tôi viết chữ O đi, tôi viết không được, nét không tròn. Kiên trì viết mãi thì cuối cùng chữ O cũng nối tròn lại thành một vòng kín.
Sau khi viết được chữ O, ai cũng mừng. Tiếp đó, anh ấy bảo tôi viết dấu mũ trên chữ O cho thành chữ Ô, tôi lại viết. Tập viết thêm các dấu thanh. Phải tập luyện, tập luyện thật nhiều, ngày nào cũng ngồi tập.
Vợ tôi đưa cho tôi cái ổ khóa, bảo tôi tra chìa khóa vào ổ. Tiếc là việc đơn giản đó tôi cũng không làm được. Tập thế nào cũng không nhét được chìa khóa vào ổ.
Đến một ngày, khi vị tiến sĩ người Hà Lan đến nhà, nhìn thấy những chữ tôi tập viết, tự nhiên anh ấy hét to mừng rỡ, nói là "Được rồi!". Anh ấy cho rằng dây thần kinh từ não kết nối với bàn tay của tôi đã hoạt động trở lại. Thế rồi tôi tập đi, tập "ngã" thì đúng hơn, trong một thời gian dài.
Chỉ chưa đến nửa năm tập luyện hàng ngày như vậy thì tôi có những tiến bộ, đi lại được, mặc dù phải có người dìu. Một thời gian sau, tôi tự đi ra ngoài được, vẫn phải có người đi theo sau để "canh chừng".
Thời gian đó kéo dài không lâu thì vợ tôi và người nhà (đi theo hỗ trợ) cũng mệt. Thế là không ai đi theo được nữa, tôi tự chống gậy đi dạo một mình, như là cách luyện đi lại.
Cách luyện tập chủ yếu của tôi là đi bộ. Đến bây giờ, bình thường thì sẽ đi bộ khoảng 1 vòng Hồ Gươm. Tương đương khoảng 1,7km, rồi đi bộ khắp các phố để chụp ảnh.
Tập luyện não bằng cách đi bộ chụp ảnh "kiểu Mỹ"
Tôi đi chụp ảnh hàng ngày để luyện não. Bằng cách chọn khung hình, chụp theo từng trạng thái. Chụp chi tiết, cận cảnh, toàn cảnh. Tất cả các trạng thái mà tôi nhìn thấy, từ đó có thể động não rất tốt. Vì mình phải suy nghĩ, đắn đo, lựa chọn các khoảnh khắc.
Nhìn một người nào đó, mình sẽ để ý quan sát và tìm cho ra tâm trạng của người ta. Ví dụ tôi nói chuyện với chị, những lời nói của tôi sẽ "thấm" vào chị, rồi nó sẽ thể hiện ra khuôn mặt của chị. Tôi nhìn vào sắc thái khuôn mặt ấy, tôi sẽ thấy được tâm trạng của chị, lời nói của tôi tác động tới chị như thế nào. Đó cũng là một cách luyện não.
Tôi đi bộ theo cách mà tôi đã học được từ thời sinh viên ở đại học New York (Mỹ). Cách đi bộ đó là sẽ đi nhanh ở chặng đầu tiên, nhưng không phải là chạy. Kết hợp việc vận động thể chất với vận động trí não cùng một lúc.
Vừa đi vừa chụp ảnh, khoảng 100 cái ảnh. Vừa đi vừa tư duy xem mình nên chụp khoảnh khắc nào, đề tài gì, liên tục như vậy, động não rất nhiều.
Sau đó, quay trở lại với bài tập, chặng tập tiếp theo sẽ là đi thật chậm, đi ngược lại với chu trình mình vừa đi. Chụp lại những đề tài mà mình đã chụp, để xem còn nhớ được không. Đó là cách luyện não, luyện tay, luyện quan sát và xúc cảm nghệ thuật.
Sau khi chụp xong thì về nhà sẽ xem lại ảnh, chọn ảnh và sưu tập lại những ảnh liên quan để tạo ra một câu chuyện nào đó. Đây chính là cách rèn luyện tư duy.
Ví dụ tôi chụp chủ đề đàn gà con ăn lang lang tự do trên phố. Để được một bộ ảnh theo ý mình, tôi đã đi theo đàn gà rất lâu. Ngày nào tôi cũng đến địa điểm đó và theo dõi, chờ đợi. Sau đó bắt đầu chụp.
Nhìn đàn gà, có cả gà trống đi ăn cùng, thấy không khí như một gia đình thật sự. Gà trống ăn vòng ngoài, giống như trụ cột, bảo vệ gà mái và đàn con. Rất thú vị. Câu chuyện đó tạo cho tôi rất nhiều niềm vui. Nghĩ rằng con gà còn như thế, thì con người phải thế nào. Đó cũng là cách để mình có thêm niềm vui sống và nuôi dưỡng hạnh phúc.
Một tác phẩm nhiếp ảnh của Nghệ sĩ Quang Phùng
Luôn sống với niềm tin về những điều tốt đẹp, yêu gia đình
Tôi có một đứa cháu gái, rất đáng yêu. Một hôm nó xin phép đi chơi với bạn trai, cả nhà rất lo lắng. Tôi mới bảo là, mọi người phải tin cháu nó chứ, đó là bạn nó mà, sao lại không tin. Quan niệm sống của mình phải cởi mở, rộng rãi và tin tưởng người khác.
Khi đối mặt với cuộc sống áp lực và căng thẳng, tôi sẽ "mặc kệ". Tức là mình phải bỏ qua những chuyện không cần thiết, không giải quyết được hoặc phiền phức như vậy. Không quá theo đuổi những thứ vật chất để mình phải vất vả, lăn lộn. Cách sống đơn giản này là tôi học được từ thời tôi làm việc cùng với người Triều Tiên.
Vợ tôi là người giỏi giang quán xuyến. Bà lo lắng mọi thứ trong gia đình. Bà là một trong những người đầu tiên tốt nghiệp đại học ngành Violin và đã từng được 2 lần vào phủ chủ tịch biểu diễn đàn cho Bác Hồ. 18 tuổi đã vào phủ kéo đàn Violin, rất tự hào.
Tôi chọn phương châm sống đơn giản, có thiên hướng hơi khổ hạnh. Trong thời gian làm việc cùng với người Nhật ở Đại sứ quán, tôi cũng có sự ảnh hưởng rất nhiều về lối sống và cách ăn uống của họ. Họ ăn rất ít, làm việc rất chăm chỉ, cẩn thận, chu đáo, kỹ tính. Họ vận động liên tục.
Khi tôi làm việc cùng với người I-rắc thì thấy họ ăn uống rất cẩn thận và bổ dưỡng. Trong bữa ăn còn thêm các loại hạt, ví dụ như ăn hạnh nhân, đậu xanh, mật ong, quả chà là…
Ngắm cây xanh - giữ cho tâm hồn thanh thản, vui vẻ theo góc nhìn của một nghệ sĩ
Tôi có một thói quen là thích ngắm cây xanh, ngày nào tôi cũng ngắm nó. Nhìn những chiếc lá xanh, tưởng tượng mọi thứ về nó, rồi từ đó giúp thanh lọc tâm hồn mình, giải tỏa căng thẳng và giúp mình có những suy nghĩ sáng tạo.
Khi hứng lên, tôi nạp năng lượng bằng cách ngủ. Khi nào buồn ngủ lắm không thể chịu được là đi ngủ, "đánh" một giấc dài luôn cho đến khi tỉnh dậy.
Tôi không ép bản thân phải đi ngủ, mà cứ để cho cơn buồn ngủ đến tự nhiên, thế rồi ngủ một mạch không biết gì cho đến khi tỉnh dậy. Trong khi ngủ, cơ thể sẽ tự sửa chữa những lỗi hỏng hóc trong đó, điều này rất quan trọng, bạn cần phải ngủ say, ngủ ngon như vậy.
Dành tình yêu cho vạn vật xung quanh, quý trọng và cởi mở với tất cả
Tôi thích nuôi mèo, những con mèo này rất xinh, nó đáng yêu và cũng thích lá cây, thích đi dạo bên ngoài giống như tôi.
Nguyên tắc ăn uống, sinh hoạt đơn giản học được từ người Nhật
Tôi quan niệm, đời có 2 thứ cần nạp, đó là nạp năng lượng và nạp cảm xúc lạc quan.
Tôi có 18 năm làm việc với người Nhật, tôi học ở họ rất nhiều đức tính quý báu, trong đó, quan trọng nhất là duy trì thói quen ăn uống đơn giản, lành mạnh.
Lịch sinh hoạt hàng ngày của tôi cũng phải chú ý điều độ nhất có thể.
Tôi ăn cơm tối lúc 7h, xem thời sự xong là 8h. Vệ sinh cá nhân, một lát sau khi nghỉ ngơi là tôi đi ngủ luôn.
Tôi ngủ sớm như vậy, rồi sẽ dậy trở lại vào lúc 2h sáng, thức đến 6h sáng, làm việc, đọc sách, chọn ảnh, viết sách. Sau 6h sáng thì tôi đi ăn sáng. Bắt đầu một ngày mới.
Nguyên tắc ăn uống của tôi là đói thì mới ăn, khát thì mới uống theo nhu cầu của cơ thể, ăn uống thì đều phải có giờ giấc.
Mỗi ngày uống khoảng 2 lít nước, chia thời gian ra uống mỗi tiếng một lần, đều đặn và đúng giờ.
Bữa sáng thì tôi thường ăn phở. Đó là một món ăn tuyệt vời.
Bữa trưa thì tôi ăn nhẹ. Ăn chuối, bánh trái, củ khoai hay gói xôi. Riêng chuối thì tôi ăn hàng ngày. Tôi thích món thịt rim, mùa nào nấu với thức nấy, ví dụ món thịt rim với dứa, kết hợp các loại thức ăn đa dạng.
Chúng ta học được "Công thức" chăm sóc sức khỏe, nhưng lại không học được "Ý thức" chăm sóc sức khỏe
Thời nay, có rất nhiều thông tin và kiến thức, có sẵn đó rồi, ai cũng có thể làm được, cách thức có sẵn, nhưng nếu chúng ta không có ý thức để làm thì chúng ta sẽ không thể làm được.
Cái này thuộc về cách tư duy, từ công thức đến cách thức, đến ý thức, rồi tâm thức. Ý thức trong tâm mình chưa có thì mình không thể làm tốt được.
Quan niệm sống quan trọng nhất của tôi chính là yêu nước trước, yêu mình sau. Mình có yêu nước thì mình mới biết phấn đấu. Tôi yêu nước tôi, muốn ôm tất cả vào lòng. Khi yêu nước, sẽ yêu mọi vật trên đất nước ấy, nuôi dưỡng tình yêu trong tâm hồn mình.
Cách kiểm soát tâm trạng, khống chế sự nóng giận của tôi, chính là phải hiểu biết. Khi bạn hiểu biết, bạn sẽ không còn nóng giận nữa. Ai đó tức giận, thì là do họ không hiểu. Ví dụ tôi hiểu rõ một người, tôi sẽ không bao giờ tức giận hay chấp nhặt họ. Tôi không bao giờ để bụng bất cứ chuyện gì.
Làm sao để chúng ta có thể bình thản đối diện với cái chết ư? Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cái ngày mình ra đi nhiều lần rồi. Từ sau cái ngày đột quỵ đó, là mình đang sống lại một cuộc đời mới, giờ lúc nào mình cũng chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày ra đi. Trong ngăn tủ của tôi, luôn có sẵn bản di chúc, khi tôi đi rồi thì cái gì sẽ tặng ai, ghi rõ và đầy đủ hết.
Lạc quan, yêu đời, yêu người chính là điều cần thiết nhất mà tôi rút ra được trong suốt cuộc đời mình. Nhờ đó mà tôi đã đi được chặng đường dài đến ngày hôm nay.
Nhiếp ảnh gia Quang Phùng vốn là một cán bộ trong ngành ngoại giao, mặc dù ông từng tu nghiệp về nghệ thuật nhiếp ảnh tại Đại học New York (Mỹ) nhưng sau khi nghỉ hưu ông mới hoạt động nhiếp ảnh chính thức.
Với sự tinh tế của người làm ngoại giao, sự phóng khoáng trong suy nghĩ của người "Tây học" và sự tỉ mỉ, chi tiết trong công việc theo phong cách người Nhật, ông đã có hàng trăm bộ sưu tập nhiếp ảnh mang đậm dấu ấn cá nhân.
Với tình yêu Hà Nội vô điều kiện, được mệnh danh là "tay máy xuất sắc", người duy nhất được đề cử hạng mục Giải Thưởng Lớn – Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2013 và vinh dự được nhận giải thưởng này.
Trí thức trẻ