MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiên phong chuyển đổi số tạo điểm tựa cho nguồn thu dài hạn tại FPT

Tiên phong chuyển đổi số tạo điểm tựa cho nguồn thu dài hạn tại FPT

Con số 15 tỷ USD các công ty chi thêm mỗi tuần cho công nghệ số sau khi dịch Covid-19 bùng phát sẽ là miếng bánh lâu dài dành cho các công ty công nghệ.

Covid-19 đã đẩy nhanh làn sóng chuyển đổi số (CĐS) và đầu tư công nghệ tại nhiều doanh nghiệp, tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các công ty công nghệ tiên phong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm CĐS, trong đó có FPT.

Những con số biết nói

Dự báo tăng trưởng dương của nhiều công ty công nghệ toàn cầu đã phản ánh phần nào mảnh ghép tích cực của ngành đặt trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020. Những ông lớn đầu ngành như Infosys và Wipro mới đây dự báo tăng trưởng doanh thu cho năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2021 ở mức 3,5-5%. Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT đã kết thúc năm 2020 với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ‘nhỉnh’ hơn.

Năm 2020, FPT ghi nhận 29.830 tỷ đồng doanh thu và và 5.261 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tương ứng 7,6% và 12,8% so với năm trước. Lãi ròng sau thuế tăng 13,1% so với năm 2019 đạt 4.422 tỷ đồng, EPS ở mức 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Tiên phong chuyển đổi số tạo điểm tựa cho nguồn thu dài hạn tại FPT - Ảnh 1.

Không khó để nhận ra CĐS là điểm sáng trong cơ cấu doanh thu của FPT khi mảng này đóng góp 3.219 tỷ đồng, tăng trưởng 31%, so với năm 2020, nhờ nhu cầu đầu tư CĐS tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Đối với mảng công nghệ nói chung, doanh thu ký mới năm 2020 đạt 13.905 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Số lượng khách hàng tăng gần 19% trong khi số dự án có quy mô hàng triệu USD tăng gần 29% so với năm trước.

Tăng trưởng doanh thu quốc tế cũng góp phần khẳng định vị thế của FPT trên đấu trường ngoại, khi thu về 12.000 tỷ đồng trong năm, tăng gần 11% so với năm 2019 và chiếm trên 70% doanh thu toàn khối công nghệ. Các thị trường như Nhật Bản và APAC có mức tăng trưởng doanh thu ở mức 9% và 28%.

Tiên phong chuyển đổi số tạo điểm tựa cho nguồn thu dài hạn tại FPT - Ảnh 2.

Theo Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, Covid-19 đã tạo ra cú hích chưa từng có về nhu cầu CĐS của mọi tổ chức, doanh nghiệp. "Đơn vị nào có sự đầu tư chiến lược vào công nghệ từ trước sẽ thích ứng nhanh chóng, không chỉ sống sót qua đại dịch mà còn giành lấy thị phần từ các đối thủ chậm chân hơn."

Đội sóng đạp gió

Không ngẫu nhiên khi nhiều đang doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh, FPT vẫn duy trì được một mức tăng trưởng tương đối, nhờ đảm bảo được hoạt động kinh doanh xuyên suốt trong giai đoạn giãn cách xã hội, và hơn thế là tính linh hoạt và thích ứng nhanh của ban lãnh đạo tập đoàn.

Nhớ lại lần trả lời báo chí hồi tháng 5 cuả Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, vị lãnh đạo này ví von Covid-19 là một cuộc chiến và FPT đã có những quyết sách xác lập chế độ kinh doanh "thời chiến" để chiến đấu chống lại virus SARS-CoV-2 thời điểm đó.

"Thay vì chống lại nó, ở FPT, chúng tôi đã tìm cách chủ động thích ứng với trạng thái bình thường mới này. Ngay từ ngày mùng 6 Tết, khi Covid-19 vẫn chưa có nhiều tác động lớn ở Việt Nam và trên toàn cầu, chúng tôi đã đưa ra các cảnh báo cho toàn bộ nhân viên về dịch. Liên tiếp mỗi tuần sau đó, chúng tôi đưa ra các chỉ thị và hướng dẫn làm việc để đảm bảo an toàn sức khỏe, nhanh chóng thích nghi với trạng thái "bình thường mới", đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn," ông Bình chia sẻ.

Một mô hình quản trị chuyển đổi mọi hoạt động từ "thời bình sang thời chiến", vai trò người lãnh đạo từ "quản trị" sang "chỉ huy", theo đó, được thiết lập để tập đoàn nhanh chóng thích nghi với những bất ổn của nền kinh tế.

Nắm bắt cơ hội, tìm cơ trong nguy

Phản ứng nhanh của FPT đã chứng minh tính hiệu quả, nhưng cũng không thể không nhắc tới sự thức thời của tập đoàn công nghệ này khi tiên phong trong lĩnh vực CĐS quốc gia từ trước đó.

FPT đã dấn thân vào con đường CĐS khi đẩy mạnh đầu tư hệ sinh thái CĐS, xác định đây là chiến lược phát triển lâu dài, nhằm phục vụ nhu cầu số hóa quốc gia của Việt Nam và thế giới. Từ năm 2018, FPT đã mua 90% cổ phần của công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ Intellinet, với mục đích tăng giá trị cho những hợp đồng tư vấn công nghệ trong tương lai. Kết quả là những hợp đồng CĐS toàn diện được ký kết với DPDGroup – hãng chuyển phát lớn thứ 2 Châu Âu, hay với Minh Phú – nhà sản xuất chế biến tôm số 1 Việt Nam, ngay một năm sau đó.

Tiếp đà sẵn có, thêm đòn bẩy Covid-19 đẩy nhanh quá trình số hóa, FPT đã ký kết thêm nhiều hợp động dài hạn có giá trị trong năm 2020.

Có thể kể tới FPT vượt qua nhiều đối thủ nặng ký như Infosys, Tata hay IBM trở thành đối tác ưu tiên số 1 của hãng ô tô lớn hàng đầu tại Mỹ, với hợp đồng trị giá 150 triệu USD, hay hợp đồng tư vấn công nghệ toàn diện, có giá trị 200 triệu USD trong trung và dài hạn để tư vấn và triển khai CĐS cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia…

Một cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu Harvey Nash và KPMG trong năm 2020 cho thấy các công ty đã chi thêm khoảng 15 tỷ USD mỗi tuần cho công nghệ số trong 3 tháng đầu đại dịch Covid-19, để cho phép nhân viên làm việc tại nhà an toàn và bảo mật trong đại dịch và đây là một trong những đợt tăng đầu tư vào công nghệ lớn nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dựa trên đà tăng trưởng của FPT, đã đưa ra dự báo tập đoàn công nghệ này sẽ hưởng các lợi ích hậu dịch Covid-19 khi lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là CĐS, trở nên cần thiết hơn trong hoạt động, tính liên tục và chiến lược kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp.

Tiên phong chuyển đổi số tạo điểm tựa cho nguồn thu dài hạn tại FPT - Ảnh 3.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên