MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Tiền sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam, nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều'

Dòng vốn gián tiếp nước ngoài (FII) sẽ nghiêng về kịch bản rót vốn vào Việt Nam nhiều hơn so với rút ra. Dù vậy, không thể kỳ vọng nhiều do thiếu hàng hóa để đầu tư.

Đó là nhận định của ông Don Lâm, CEO Vinacapital về xu hướng dòng vốn FII trong năm 2017 tại Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 tổ chức sáng 9/3 tại Tp.HCM.

Ông Don Lâm nói: "Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017 diễn ra vào tháng giêng năm nay, tham dự có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quản lý tài sản rất lớn. Họ nói với chúng tôi là họ rất quan tâm đến thị trường VN nhưng họ vẫn ngại quy mô và sản phẩm trên thị trường vẫn còn quá ít."

“Nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến đầu tư hạ tầng VN. Thế nhưng, VN đang làm sai trong cách huy động vốn quốc tế đầu tư vào lĩnh vực này. Tất cả các dự án đầu tư hạ tầng mới phải xây dựng từ đầu, từ nghiên cứu, thẩm định, giải phóng mặt bằng…cần rất nhiều thời gian và hầu như không ai hiểu được. "Nó quá rủi ro", ông Don Lam nói.

“Thay vì huy động vống cho nhà máy mới 100%. EVN vì sao không cổ phần hóa 100% một nhà máy hiện hữu, lấy tiền đó để đầu tư một nhà máy điện thứ 2, thứ 3 ? Bởi vị họ là những người hiểu rõ nhất nên đầu tư vào dự án nào, ở đâu…

Huy động vốn cần bán cái mình đang có để lấy tiền đầu tư xây dựng cái mới đó mới là cách làm đúng.” Ông Lam nói thêm.


Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 9/3 tại Tp.HCM

Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 9/3 tại Tp.HCM

Chứng khoán và bất động sản: cơ hội trong khe hẹp

Nói về cơ hội đầu tư trong năm 2017, Ông Don Lâm vẫn tỏ ra 'lạc quan trong thận trọng' về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017. Dù GDP vẫn tăng trưởng tốt, kinh tế vĩ mô vẫn đang ổn định nhưng cần quan tâm đến các yếu tố lạm phát và lãi suất...

Ông Don Lâm cho biết: “VinaCapital vẫn quan tâm đến lĩnh vực hạ tầng, vật liệu, xây dựng, thực phẩm, đồ uống, y tế…Ngoài ra, mảng du lịch cũng đang được cho thấy tín hiệu tích cực khi mà lượng du khách đến Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2016 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Năm 2016 chúng tôi có hợp tác với một đối tác nước ngoài để đầu tư 300 triệu USD vào ngành du lịch. Hiện ngành hàng không cũng được quan tâm khi du lịch được kỳ vọng sẽ tăng trưởng…”, ông Don Lâm nói.

Với lĩnh vực bất động sản, bà Dương Thùy Dung, đại diện CBRE Việt Nam đánh giá năm 2017 sẽ tiếp tục sôi động với nhiều dự án được chào bán ra thị trường, chủng loại đa dạng nằm ở phân khúc khác nhau.

Tuy nhiên, năm 2017 sẽ là năm khó khăn hơn 2 năm 2015, 2016 khi đã có quá nhiều dự án được chào bán ra thị trường trong 2 năm qua. Do đó, thị trường rất có thể đi đến điểm bảo hòa. “Năm 2017 nhìn chung thị trường bất động sản sẽ có sự cạnh tranh hơn, những dự án có sự khác biệt, vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín sẽ lợi thế hơn.

“Kịch bản số dự án ‘thua’ sẽ nhiều hơn trong năm nay”, bà Dung dự báo.

Bà Dung cũng không cho rằng, năm 2017 khu vực giá rẻ sẽ lên ngôi và cao cấp sẽ suy giảm như nhiều dự báo. “Phân khúc nào cũng cần có 3 yếu tố cốt lõi, uy tín, chất lượng và vị trí chứ không phải giá cao hay thấp”, bà Dung nói.

M&A tiếp tục sôi động nhưng khó có giá cao

“Kỳ vọng thị trường M&A sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay tiếp theo đà trong năm 2016”, ông Phạm Văn Thịnh Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nói tại hội nghị.

Ông Thịnh cho rằng, lợi thế lớn nhất của VN là thị trường nội địa, mảng tiêu dùng, F&B, sức khỏe luôn được quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, với con mắt nghề nghiệp của mình, ông Thịnh cho biết rủi ro lớn nhất đối với việc đầu tư vào các DN VN là khả năng quản trị.

“Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới (WB), chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về mặt quản trị doanh nghiệp cũng đánh giá khả năng quản trị của DNVN so với các nước láng giềng vẫn còn rất thấp.” Ông Thịnh nói thêm.

“Nếu một công ty được quản trị tốt thì mức giá chào bán cho quỹ đầu tư đầu tư sẽ cao hơn, quá trình M&A sẽ suôn sẻ hơn. Còn nếu chúng ta không quyết tâm thì sẽ có sự bất lợi rất lớn về mặt lâu dài.

Hiện tượng những DN tập trung mục tiêu ngắn hạn, hay gọi là kinh doanh theo kiểu “chụp giựt” thay vì chọn cho mình con đường dài hạn cũng là một điểm trừ đối với giá trị doanh nghiệp”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo Huy Nguyên

NDH

Trở lên trên