MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến sĩ Giáo dục trả hết khoản nợ tại Mỹ nhờ 10 thói quen này: Đặc biệt là thói quen thứ 5, ai cũng cần làm theo

19-01-2024 - 22:15 PM | Lifestyle

Tiến sĩ Giáo dục trả hết khoản nợ tại Mỹ nhờ 10 thói quen này: Đặc biệt là thói quen thứ 5, ai cũng cần làm theo

Vừa đi học, vừa chăm con nhỏ, Chi Nguyễn đã làm thế nào để rút ngắn thời gian trả nợ?

Nếu là người thường xuyên nghe Podcast về chủ đề viết lách, quản lý tài chính, cải thiện hiệu suất làm việc, chắc hẳn bạn sẽ biết Chi Nguyễn - Người sáng lập blog The Present Writer và chuỗi podcast cùng tên.

Chi Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Phương Chi, sinh năm 1989 tại Hà Nội. Hiện tại, Chi Nguyễn đã hoàn thành học vị Tiến sĩ Giáo dục, đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Arizona (Mỹ).

Tiến sĩ Giáo dục trả hết khoản nợ tại Mỹ nhờ 10 thói quen này: Đặc biệt là thói quen thứ 5, ai cũng cần làm theo - Ảnh 1.

Chi Nguyễn

Trong một podcast lên sóng vào cuối năm 2023, Chi đã chia sẻ chi tiết về quá trình bản thân trả khoản nợ trên đất Mỹ khi vừa đi học, vừa mang thai. Cụ thể như sau.

1 - Ghi chép lại chi tiêu hàng ngày

Chi mở đầu podcast của mình với hai từ "giảm chi". Nhắc tới chuyện này, Chi thú nhận: "Thời điểm ấy, mình đã nghĩ là mình không thể giảm chi được nữa vì thu nhập của mình quá thấp, thậm chí nó còn không được gọi là lương tháng, mà chỉ là một khoản phụ cấp nhỏ. Chồng mình khi ấy vừa chuyển việc, cũng bắt đầu với mức lương thấp nhất" .

Có phần bế tắc với việc cắt giảm chi tiêu khi thu nhập quá thấp, Chi đọc sách tìm hiểu kiến thức về tài chính, chi tiêu và quyết định sẽ ghi chép lại toàn bộ chi tiêu trong ngày của mình. Chính thói quen này đã giúp Chi nhìn ra được đầu mục nào ngốn của cô nhiều tiền nhất, từ đó, tìm ra cách cắt giảm chi tiêu - là những điều phía dưới đây.

2 - Ngừng ăn hàng

Sau khi thực hành việc ghi chép chi tiêu hàng ngày trong suốt 1 tháng, Chi nhận ra vợ chồng cô chi tới 30% thu nhập cho việc ăn hàng.

Tiến sĩ Giáo dục trả hết khoản nợ tại Mỹ nhờ 10 thói quen này: Đặc biệt là thói quen thứ 5, ai cũng cần làm theo - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Thành thật thì chúng mình cũng không đi ăn gì sang chảnh lắm. Thỉnh thoảng ăn kem, cuối tuần ăn mì Ý, pizza,... Giá trị bữa ăn không nhiều nhưng cộng thêm tiền tip cho nhân viên và tiền thuế nữa. Tất cả cộng lại, tạo thành một khoản tiền khá lớn" - Chi kể và khẳng định sau khi nhận ra việc này, vợ chồng cô ngừng hẳn việc ăn hàng.

3 - Kiếm đồ ăn miễn phí

Ông xã của Chi là đầu bếp cho 1 nhà hàng ở Mỹ. Để cắt giảm chi phí mua thực phẩm, chồng cô đã xin những món ăn thừa của nhà hàng, mang về nhà.

"Chẳng hạn như khi khách order mà bếp làm sai, thì món ăn ấy vẫn còn nguyên nên chồng mình sẽ xin mang về. Những món ăn mà chồng mình mang về, chúng mình có thể ăn trong vài ngày sau đó" .

Ngoài ra, nếu có dịp đi tham dự hội nghị hoặc các sự kiện cho nghiên cứu sinh, Chi cũng "thủ" sẵn vài chiếc hộp nhựa trong túi và xin đồ ăn thừa mang về nếu có. Chi cho biết ban đầu cô cũng hơi ngại vì hành động này nhưng sau đó, việc Chi làm lại trở thành "truyền thống" trong rất nhiều CLB cô tham gia.

4 - Chuyển nhà

Tiền thuê nhà là một trong những khoản chi tốn kém nhất của vợ chồng Chi khi đó. Để cắt giảm tiền thuê nhà, Chi đã chuyển nhà 3 lần trong 3 năm. Sau khi có con, theo chính sách ở thành phố nơi Chi sinh sống lúc đó, cô được thuê một căn nhà rộng hơn với mức giá rẻ hơn. Điều này đã giúp ích cho vợ chồng Chi rất nhiều.

5 - Tham gia thử thách "cả tháng không mua gì" (No Spend Month)

Chi cho biết ở Mỹ, thử thách này được khá nhiều người tham gia và chia sẻ quá trình thực hành trên các trang MXH. Tùy vào nhu cầu của cá nhân mỗi người mà việc thực hành thử thách "cả tháng không mua gì" sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung, thử thách này khuyến khích bạn cắt giảm việc mua sắm những món đồ không thực sự cần thiết. Trong trường hợp buộc phải mua, đồ second-hand sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc hơn là đồ mới 100%.

6 - Tự mình làm lấy (DIY - Do It Yourself)

Tự nhận mình không phải là người khéo tay nhưng Chi đã tự làm được xà bông giặt, xà bông tắm và nước tẩy trang. Hành động này của Chi có một phần mục đích là để cắt giảm chi phí mua sắm, một phần vì trong thời gian đó cô đang mang bầu, muốn hạn chế việc tiếp xúc và sử dụng hóa chất.

7 - Bán đồ dùng trong nhà

Trong nhà có món đồ gì giá trị mà ít sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng nữa, vợ chồng Chi đều bán hết, từ quần áo của hai vợ chồng đến quần áo, giày dép của con, cả cây xanh, màn hình máy tính, tivi,...

Tiến sĩ Giáo dục trả hết khoản nợ tại Mỹ nhờ 10 thói quen này: Đặc biệt là thói quen thứ 5, ai cũng cần làm theo - Ảnh 3.

Chi Nguyễn

"Cũng may là hồi đó, vợ chồng mình đã theo đuổi chủ nghĩa tối giản được một thời gian rồi nên cảm xúc của chúng mình không bị gắn với đồ vật, không thấy buồn khi đồ vật ra đi" - Chi kể.

8 - Tăng thu nhập từ công việc đang có

"Khi bạn đang có nợ, bạn sẽ nhìn ra nhiều cơ hội tăng thu nhập từ chính công việc hiện tại mà trước giờ bạn không nhận ra" - Chi khẳng định.

Sau đó, Chi cho biết cả cô và chồng đều đã xin làm thêm giờ để tăng thu nhập.

"Chồng mình làm nhà hàng và mức phí ngoài giờ họ trả cho đầu bếp khá cao nên chồng mình cũng xin tăng ca. Còn mình, khi đó đang là nghiên cứu sinh, bình thường chỉ được làm việc 20 giờ/tuần nhưng vào mùa hè, mình được phép làm 40 giờ/tuần nên mình đã xin làm luôn" .

9 - Mở "doanh nghiệp" nhỏ

Hay nói cách khác chính là việc kiếm thêm nghề tay trái để gia tăng nguồn thu nhập.

"Mình đã mua những món đồ second-hand về, giặt cho sạch hoặc sửa sang nếu chúng bị sứt chỉ và đăng bán lại trên một ứng dụng chuyên dành cho việc đăng bán những món đồ cũ" - Chi kể về "doanh nghiệp" nhỏ của mình.

10 - Chuyển việc

Sau khi trò chuyện và trao đổi với nhau, vợ chồng Chi quyết định sẽ thay đổi công việc.

"Mình chuyển từ công việc nghiên cứu sinh partime sang fulltime, còn chồng mình sẽ chuyển sang làm việc ca đêm. Khi mình đi làm ban ngày thì chồng sẽ trông con, còn đêm thì mình sẽ trông con cho chồng đi làm" - Chi kể và khẳng định việc này giúp vợ chồng cô có mức thu nhập tốt hơn hẳn.

Theo Ngọc Linh

Phụ nữ mới

Trở lên trên