Tiến sĩ Mỹ tiết lộ 4 cách để tuyến giáp khỏe mạnh: Đơn giản nhưng ít người biết
Tiến sĩ chuyên ngành nội tiết Ashita Gupta đã bật mí 4 bước giúp tuyến giáp không bị nguy hiểm.
- 09-01-20174 quốc gia có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới
- 07-01-2017Những thực phẩm có hại cho sức khỏe cần tránh trong năm 2017
- 24-12-2016Dội nước lạnh lên người rồi chạy dưới trời tuyết: Cách rèn luyện sức khỏe "rùng mình" cho trẻ em của người Xibia
Nếu bạn không gặp vấn đề gì về tuyến giáp , bạn sẽ không dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tuyến có hình cánh bướm ở cổ, vốn giúp điều tiết sự trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể...
Nhưng rối loạn tuyến giá thường rất phổ biến và theo thống kê của các chuyên gia, có tới 30% phụ nữ gặp rắc rối với tuyến giáp trong suốt cuộc đời.
Tình trạng rối loạn tự miễn dịch hoặc các yếu tố liên quan tới lối sống như căng thẳng, chế độ dinh dưỡng... có thể khiến cho tuyến giáp của bạn hoạt động không tốt.
Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) sẽ gây giảm cân nhanh chóng, làm nhịp tim tăng bất thường và kèm theo lo lắng. Trong khi đó, suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) gây ra táo bón, tăng cân và mệt mỏi cực độ.
Nếu nghi ngờ có vấn đề về tuyến giáp, bạn hãy đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp. Nhưng cùng với việc kết hợp phương pháp y tế, bạn cũng cần có những thay đổi trong lối sống để giúp tuyến giáp khỏe mạnh trở lại.
Tiến sĩ chuyên ngành nội tiết Ashita Gupta của bệnh viện Roosevelt Sina ở New York (Mỹ) đã bật mí 4 bước giúp tuyến giáp không bị nguy hiểm.
1. Chế độ ăn Địa Trung Hải
Một trong những điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm để duy trì một tuyến giáp khỏe mạnh là thực hiện một chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý.
"70% hệ thống miễn dịch của chúng ta được tìm thấy trong ruột. Khi niêm mạc ruột bị viêm, nó có thể kích hoạt một phản ứng miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy điều này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh tuyến giáp", tiến sĩ Gupta giải thích.
Để không bị viêm ở cổ, bác sĩ Gupta khuyến nghị mọi người thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải. Theo đó, bạn nên ăn 4–5 lần rau và 3–4 lần hoa quả/ngày, cùng với nhiều thịt nạc và các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá cơm, cá thu.
Ngoài ra, bạn còn có thể thêm vào một số chất béo lành mạnh khác dầu olive nguyên chất, dầu hướng dương, dầu cây rum, dầu dừa, các loại hạt, bơ, lạc…
2. Tránh một số loại thực phẩm nhất định
Tiến sĩ Gupta khuyên mọi người nên tránh xa các loại thực phẩm được đóng gói có chứa đường và chất bảo quản, phẩm màu hoặc chất béo thay thế đường.
"Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo chuyển hóa, lượng đường cao, mì chính, đường tinh luyện… có thể gây viêm ruột và gây ra chứng bệnh tự miễn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tuyến giáp, mà còn gây hại tới nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể".
Nhưng bạn nên nhớ, không phải ăn nhiều rau là tốt. Nếu ăn sống một số rau họ cải như súp lơ, cải bắp, cải xoăn, su hào, cải xoong... với lượng lớn, bạn đang hại tuyến giáp.
"Các loại rau họ cải chưa được nấu chín có chứa những chất goitrogen tự nhiên (tác nhân gây bướu cổ), có thể can thiệp vào quá trình tổng hợp hormone của tuyến giáp.
Tuy nhiên, các goitrogen này đều sẽ bị vô hiệu nếu thực phẩm được nấu chín", tiến sĩ Gupta giải thích.
3. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bổ sung thuốc bổ
Chúng ta đều nghe nhiều đến mối liên hệ giữa tuyến giáp với i-ốt, chất cần thiết cho quá trình tổng hợp hóc-môn tuyến giáp.
"Trên thế giới, thiếu hụt i-ốt là một trong những nguyên nhân chính gây ra phì đại tuyến giáp (bướu cổ) và suy giáp trạng", tiến sĩ Gupta nói.
Tuy vậy, bà Gupta lý giải rằng thông thường chúng ta đã hấp thụ đủ lượng i-ốt cần thiết từ các bữa ăn. Các bạn nên nhớ rằng dung nạp quá nhiều i-ốt có thể gây ra cường giáp trạng ở một số trường hợp nhạy cảm.
Chính vì vậy, bạn không nên tự ý bổ sung chất này mà hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Ngoài i-ốt, việc bổ sung vitamin D và selen để tăng cường cho tuyến giáp cũng cần phải tham khảo thêm ý kiến của những người có chuyện môn.
4. Tránh xa các chất độc hại trong môi trường
Theo Hiệp hội quốc gia Khoa học Sức khỏe Môi trường, Mỹ, việc tiếp xúc với một số hóa chất trong thời gian dài sẽ gây rối loạn nội tiết.
Theo đó, bạn hãy tránh xa các hóa chất PFC (perflourinated) thường có trong một số loại thảm, quần áo chống cháy và chống thấm nước, chất chống dính ở xoong, chảo. Kết quả này được kết luận từ một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010.
Sau đó 1 năm, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện tiếp xúc với chất phthalates (có trong các sản phẩm thơm và nhựa mềm) hoặc bisphenol-A (có trong một số loại nhựa cứng và vỏ của thực phẩm đóng hộp) có thể gây ra tình trạng rối loạn sản sinh hóc-môn tuyến giáp.
Tiến sĩ Gupta khuyến cáo nên tránh xà phòng kháng khuẩn có chứa triclosan, một hóa chất có thể thay đổi hóc-môn.
Theo Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm Mỹ (FDA), các nghiên cứu trên động vật (nghiên cứu trên người đang được tiến hành) đã cho thấy điều đó.
"Bạn chỉ cần dùng xà phòng thông thường và nước để rửa tay, và nên sử dụng tinh dầu thơm nếu thật cần thiết", tiến sĩ Gupta khuyến cáo.
Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn thực phẩm tươi hoặc đông lạnh thay vì thực phẩm đóng hộp; bảo quản thức ăn bằng đồ sứ hoặc thủy tinh chứ không phải đồ nhựa; và giữ cho nhà cửa thông thoáng.
Tiến sĩ Ashita Gupta hiện đang công tác tại bệnh viện Roosevelt Sina ở New York (Mỹ).
Bà là một trong 50 bác sĩ ở 3 bang được cấp bằng rất có uy tín mang tên Chứng nhận Nội tiết Siêu âm Cổ (ECNU) do Hiệp hội Nội tiết Lâm sàng Mỹ quản lý.
Đây là một chứng chỉ chuyên nghiệp trong lĩnh vực siêu âm cổ dành cho các bác sĩ nội tiết trực tiếp tham gia tư vấn, chẩn đoán các rối loạn tuyến giáp và tuyến cận giáp bằng phương pháp siêu âm chẩn đoán và chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới siêu âm.
* Theo Healh
Trí thức trẻ