Tiền tiết kiệm 5.490 tỷ đồng của Trần Ngọc Bích đang mắc kẹt ở VNCB đến từ đâu?
Trả lời tòa trong phiên xử Phạm Công Danh sáng nay, Trần Ngọc Bích nhấn mạnh câu chuyện liên quan đến VNCB là hành vi dân sự của cá nhân. Tuy nhiên, có nhiều điểm kỳ lạ liên quan đến khoản tiền gửi tiết kiệm cá nhân 5.490 tỷ đồng của bà Bích đang “mắc kẹt” tại VNCB.
Đọc cáo trạng và theo dõi phiên tòa, nếu nhìn vào số tiền gửi tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mà Trần Ngọc Bích và những người có liên quan gửi vào Ngân hàng Xây dựng - VNCB (trước đó là Ngân hàng Đại Tín), có lẽ rất nhiều người phải hoảng hồn. Thông thường, các cá nhân không giữ các khoản tiền gửi tiết kiệm khổng lồ đến như vậy.
Các khoản tiền gửi tiết kiệm ở trong vụ án đều là của cá nhân nhưng các giấy tờ gửi đi xuất phát từ Công ty Tân Hiệp Phát, nơi bà Trần Ngọc Bích là giám đốc. Điểm đáng lưu ý, quyền sở hữu công ty này hiện hoàn toàn thuộc về gia đình ông Trần Quý Thanh (bố Trần Ngọc Bích). Thêm vào đó, Tân Hiệp Phát là một công ty hàng tiêu dùng với nguồn tiền mặt tốt và có lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu Tân Hiệp Phát gửi tiền vào ngân hàng thì lãi suất tiền gửi doanh nghiệp sẽ không thể cao bằng cá nhân gửi tiền tiết kiệm. Vì thế, phương án đầu tư tiền gửi tiết kiệm thông qua các cá nhân rõ ràng có lợi hơn.
Phạm Công Danh khai, số tiền phải trả lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích lên tới 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa tìm đủ bằng chứng cho việc trả khoản tiền nói trên.
Biện pháp này cũng không mới mà thực chất đã được nhiều ngân hàng thương mại sử dụng khi ủy thác đầu tư cho nhân viên của mình đi gửi tiền tại các nhà băng khác để hưởng lãi suất cao. Cũng vì thế, trong dữ liệu của nhà băng sẽ xuất hiện những cái tên với số tiền gửi tiết kiệm trăm tỷ, nghìn tỷ nhưng thực chất là đứng tên hộ.
Đối với trường hợp của Trần Ngọc Bích thì hơi khác. Gia đình này sở hữu toàn bộ Công ty Tân Hiệp Phát và tiền là của chính họ. Về mặt bản chất việc gửi tiền, rồi vay lại và cho vay lòng vòng của nhóm Trần Ngọc Bích với Phạm Công Danh có thể hiểu đơn giản là một cách đầu tư tài chính dưới dạng tiền tiết kiệm cá nhân và hưởng lãi suất cao (gồm cả chính thức cũng như không chính thức); trong đó, VNCB phải đảm bảo cho việc trả tiền nếu có rủi ro xảy ra.
Những người thuộc nhóm Trần Ngọc Bích - không phải là người có máu mặt nhưng đứng tên với khoản tiền gửi tiết kiệm lên tới hàng trăm tỷ đồng thì ai cũng có thể đoán ra chủ sở hữu thực chất. Ví dụ điển hình là ông Trần Quý Thanh (ông chủ của Tân Hiệp Phát) cho nhân viên “mượn” khoản tiền 300 tỷ đồng với lãi suất 0%.
Thế nhưng, câu chuyện gửi tiền tiết kiệm nghìn tỷ bị mắc kẹt tại VNCB của Trần Ngọc Bích cũng tương tự như các khoản tiền gửi đã từng gặp sự cố trong đại án bầu Kiên trước đây.
Về mặt nguyên tắc gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng tại Việt Nam gần như không có rủi ro (bởi nhà băng sẽ không phá sản). Tuy nhiên, việc đứng tên lòng vòng để gửi tiền nhằm hưởng lãi suất cao lại có rủi ro. Khi có một mắt xích trong chuỗi gửi tiền bị trục trặc, vướng vào luật pháp, tòa án và cơ quan điều tra khiến cho toàn bộ khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng bị đóng băng.
Trong cả chuỗi này, khi một người làm mất tiền do kinh doanh thua lỗ, sử dụng tiền không đúng mục đích… và không trả được nợ sẽ khiến cho toàn bộ chuỗi gửi tiền bị ảnh hưởng.
Và một câu hỏi khác là lãi suất mà nhóm Trần Ngọc Bích được hưởng là bao nhiêu?
Bà Trần Uyên Phương (chị gái của Trần Ngọc Bích, con gái ông Trần Quý Thanh) nói với chúng tôi, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở VNCB chênh lệch so với ngân hàng khác không nhiều chỉ 0,5-1%/năm. Tuy nhiên, với việc một gia đình có bề dày kinh doanh và am hiểu như nhà ông Trần Quý Thanh mà gửi tiết kiệm vào một nhà băng tai tiếng là VNCB chỉ để hưởng mức chênh lệch như vậy sẽ rất khó tin.
Trong khi đó, Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB khai với cơ quan điều tra, phải trả lãi thêm 2-4%/tháng tùy từng thời điểm và đã chi tới 2.500 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu thập được từ Tập đoàn Thiên Thanh một số chứng từ trả tiền cho nhóm Trần Ngọc Bích trên 730,56 tỷ đồng.
Các chứng cứ này không thể hiện rõ ràng việc thỏa thuận chi lãi ngoài mà chỉ là chứng từ chuyển tiền hoặc giấy viết tay nhận tiền nên không có cơ sở kết luận việc chi lãi ngoài của Phạm Công Danh cho nhóm Trần Ngọc Bích là bao nhiêu.
Ở phiên tòa xử sáng nay, Trần Ngọc Bích khai, các khoản tiền gửi đầu tư, góp vốn của nhóm này lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng toàn bộ thỏa thuận đều bằng miệng và “không có văn bản gì”.
Một điểm đặc biệt khác liên quan đến khoản tiền tiết kiệm cá nhân 5.490 tỷ đồng mắc kẹt tại VNCB của Trần Ngọc Bích: tiền được chuyển khỏi tài khoản không có chữ ký của chủ tài khoản nhưng phải 1 năm sau, “khổ chủ” mới làm đơn khiếu nại. Trong khi đó, với những giao dịch cho số tiền cực lớn như vậy, hàng tháng ngân hàng đều phải làm sao kê cho khách hàng và khi tiền chuyển đi, tin nhắn về giao dịch sẽ được gửi đến số điện thoại cá nhân của khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi về việc 1 năm sau mới khiếu nại, bà Trần Uyên Phương (chị gái của Trần Ngọc Bích) cho biết: “Khi Bích phát hiện ra, bên ngân hàng nói chắc có gì nhầm lẫn. Họ kéo dài với đủ lý do đi lên, đi xuống gần như hằng ngày, rồi phải lên gặp thanh tra Ngân hàng Nhà nước nhờ xử lý, có lúc còn mời cả báo chí”.
Trong khi đó, khi được hỏi về thiệt hại của gia đình trong vụ án này, bà Phương nói: “Chúng tôi cũng đang mong đợi Hội đồng xét xử sớm có kết luận. Các bằng chứng trong kết luận điều tra và cáo trạng đều đã có”.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Đại án Phạm Công Danh
Xem tất cả >>- Ngân hàng Xây dựng phải trả gần 70.000 m2 đất cho Bất động sản Phú Mỹ
- Đại án Phạm Công Danh: Lo ngại về các rủi ro không thể dự đoán
- Ngày 27/12, xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
- Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
- Làm rõ trách nhiệm liên quan Hà Văn Thắm trong đại án Ngân hàng Xây dựng