Tiếp tục cải cách thể chế là chìa khóa quan trọng để kinh tế vượt qua vùng trũng, tạo đột phá tăng trưởng
Theo GS. TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tiếp tục cải cách thể chế chính là chìa khóa quan trọng và vô cùng cấp thiết với nền kinh tế hiện nay.
- 19-02-2018Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Từ lo lắng, căng thẳng đến ''vỡ òa trong cảm xúc''
- 17-02-2018Động lực cho phát triển kinh tế 2018 sẽ đến từ đâu?
- 16-02-2018Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: 6 nhóm giải pháp giúp TP. HCM phát triển nhanh, bền vững hơn
-
Trong quá trình phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, không có công thức chung và lời giải chắc chắn đúng. Bất kỳ phương án nào cũng đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro.
-
Gói Hỗ trợ an sinh lần 2 phải được thực hiện kịp thời để nhóm người lao động bị ảnh hưởng nặng nề sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, vào lúc cần thiết nhất…
Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,81%, vượt so với kế hoạch. Năm 2018, cả nước đang phấn đấu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mục tiêu GDP khoảng 6,5 – 6,7%. Nhiều chuyên gia cho rằng với "thế đang lên", song phải biết "chọc đúng điểm nghẽn", phát hiện và phát huy tốt các động lực, nền tảng sẵn có thì kinh tế sẽ tiếp tục "cất cánh", thậm chí vượt kỳ vọng.
Xoay quanh câu chuyện về động lực phát triển kinh tế của năm 2018, nhân dịp đầu Xuân mới Mậu Tuất, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Và theo GS. TS Đạt, tiếp tục cải cách thể chế chính là vô cùng cấp thiết để nền kinh tế vượt qua vùng trũng và tạo đột phá tăng trưởng.
PV: Ông từng nói thể chế sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Vì sao lại là thể chế mà không phải yếu tố khác thưa ông?
GS. TS Trần Thọ Đạt: Điều này hoàn toàn đúng về lý thuyết cũng như thực nghiệm tăng trưởng kinh tế. Các mô hình tăng trưởng tân cổ điển và tăng trưởng nội sinh được cho là thất bại trong việc giải thích sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia dựa trên tích lũy vốn hay tiến bộ công nghệ, và kinh tế học thể chế ra đời rồi phát triển nhằm giải thích nguồn gốc của tăng trưởng bằng cách đưa vào yếu tố thể chế để xem xét ảnh hưởng của chúng đến tăng trưởng, đặc biệt là về dài hạn.
Kinh tế học thể chế mới (New Insitutional Economics) được coi là một nhánh nghiên cứu nhằm mở rộng thêm kinh tế học hiện đại với hy vọng giải thích thêm những vấn đề chưa có lời giải đáp vẫn còn tồn tại trong kinh tế học nói chung và trong các lý thuyết tăng trưởng kinh tế nói riêng, trên cơ sở cho rằng nhờ sự pha trộn của thể chế với những lý thuyết tăng trưởng nội sinh và tân cổ điển, chúng ta có thể đạt được cách tiếp cận thực tế hơn và hiểu được sâu sắc hơn quá trình tăng trưởng kinh tế.
Cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được tiến hành ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Cơ chế kinh tế này trong giai đoạn đầu đã tạo được động lực mạnh mẽ, giúp Việt Nam từng bước khai thác được các lợi thế và các nguồn lực trong và ngoài nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cơ chế kinh tế này hiện đã dần "tới hạn".
Cho đến thời điểm hiện nay, sau hơn 30 năm chuyển đổi cơ chế kinh tế, nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa phần lớn vào việc liên tục gia tăng các nguồn lực đầu vào, đặc biệt là thâm dụng vốn đầu tư, trong khi hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và chậm được cải thiện. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng gần đây có xu hướng giảm, và nền kinh tế đang thiếu những động lực quan trọng và đủ mạnh để có thể vượt qua được vùng trũng tăng trưởng một cách bền vững. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng trên, trong đó rào cản về thể chế kinh tế được xác định là một trong số các nguyên nhân hàng đầu.
Việt nam vừa có đặc điểm của một quốc gia đang phát triển, lại vừa mang trong mình một cơ chế trong thời kỳ chuyển đổi. Việc đẩy mạnh và tiếp tục cải cách về thể chế, việc nghiên cứu thường xuyên và cập nhật mối quan hệ giữa chất lượng thể chế và tăng trưởng kinh tế không chỉ cung cấp những gợi ý chính sách liên quan đến thể chế và tăng trưởng kinh tế trong thực tiễn Việt Nam mà còn đóng góp thêm bằng chứng thực nghiệm làm phong phú hơn kho tư liệu nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, là cơ hội để Việt Nam ghi tên mình trong danh sách các nước viết lên được những câu chuyện ấn tượng về lịch sử tăng trưởng và phát triển.
Việc cải cách thể chế không phải bây giờ mới được đề cập mà những năm qua cũng được Chính phủ rất quan tâm và thực hiện, là một nhà nghiên cứu và tư vấn về kinh tế, xin ông cho biết những kết quả đã đạt được?
GS. TS Trần Thọ Đạt: Những nỗ lực kiên trì và quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã mang lại kết quả bước đầu tích cực, và các chỉ số đo lường chất lượng thể chế tầm quốc gia đã có cải thiện đáng kể. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ đáng kể về điểm xếp hạng, nhờ đó đã vươn lên vị trí 68/190 nước năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 2016 và tăng 23 bậc so với năm 2015. Đây là thành tích cao nhất kể từ đầu thập kỷ 2010 đến nay.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng có cải thiện đáng kể. Theo Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây.
Báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế" của Quỹ Heritage cho thấy mặc dù vẫn thấp hơn mức trung bình khu vực, điểm số này của Việt nam đã tăng 0,7 điểm so với năm trước và xếp hạng 141/180 quốc gia, xếp thứ 35/43 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông đánh giá thế nào về dư địa để tiếp tục cải cách thể chế ở nước ta?
GS. TS Trần Thọ Đạt: Mặc dù sự cải thiện của các chỉ số về chất lượng thể chế nói trên đang cho thấy những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát đơn giản điều kiện kinh doanh,… song kết quả vẫn mới chỉ là bước đầu. Rõ ràng thứ tự xếp hạng của các chỉ số này cho thấy dư địa cải thiện vị trí của Việt Nam còn rất lớn, nhiều chỉ số thành phần về môi trường kinh doanh, về thu hút đầu tư, về tự do kinh tế đang còn là những chỉ số nằm cuối bảng hoặc chưa có sự cải thiện nhiều, các chỉ số về tự do thương mại, quyền sở hữu tài sản và tự do lao động vẫn ở mức thấp.
Các báo cáo của các tổ chức quốc tế xếp hạng về các chỉ số chất lượng thể chế đều khuyến nghị để tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao, Chính phủ cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh và hệ thống tài chính, tự do hóa hơn nữa thương mại và cải thiện các quyền tư hữu tài sản, qua đó sẽ cải thiện được mức độ tự do kinh tế. Một điểm rất đáng lưu ý là cùng với Việt Nam, các nước trong khu vực cũng đang cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh, Thái Lan, Indonesia và Brunei có sự tăng hạng vượt bậc và nhanh hơn Việt Nam về năng lực cạnh tranh.
Dư địa đổi mới thể chế không chỉ đến từ các chỉ số chất lượng thể chế tầm quốc gia như trên. Xét theo cấp độ thể chế, các chỉ số quản trị địa phương đang ngày càng trở thành những chỉ số quan trọng, là mối quan tâm của người dân, doanh nghiệp, và do đó, nhiều nước đã phát triển những bộ chỉ số quản trị ở cấp địa phương để có cái nhìn sâu hơn về chất lượng quản trị ở từng đơn vị hành chính.
Có thể nói, Việt Nam đang có sự phát triển khá bùng nổ về các chỉ số quản trị địa phương, trong đó nổi bật nhất là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Do đó, việc so sánh giữa các tỉnh, thành phố cho thấy phần nào những điểm mạnh, điểm yếu của các địa phương và mức độ chuyển biến qua thời gian, là bức tranh phản ánh rõ nhất tình trạng "trên nóng, nhưng dưới vẫn chưa ấm" của từng địa phương.
Nói như vậy có thể hiểu, việc thực hiện được cải cách thể chế sẽ giúp nền kinh tế có động lực đưa tăng trưởng thoát khỏi vùng trũng, tạo lập nên quỹ đạo tăng trưởng mới. Nhưng với kinh tế Việt Nam hiện nay, vấn đề đó đã thực sự cấp thiết hay chưa thưa ông?
GS. TS Trần Thọ Đạt: Lịch sử phát triển các khuôn khổ thể chế cho thấy thay đổi thể chế đã thúc đẩy sự thay đổi về kinh tế của các quốc gia, thể chế có vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế và được xem như là một thành phần quyết định các quỹ đạo khác nhau của sự phát triển, trì trệ hoặc suy giảm. Các thể chế ảnh hưởng đến mức thu nhập thông qua phân bổ quyền lực chính trị, đảm bảo quyền sở hữu, bằng cách tạo ra các cơ hội kinh tế, kích thích sự đổi mới, sự tích lũy vốn vật chất và vốn con người,...
Một số lượng đáng kể các nghiên cứu thực nghiệm đã đo mối quan hệ giữa các thể chế/quản trị và tăng trưởng kinh tế và đa số đều tìm ra bằng chứng cho thấy các quốc gia có thể chế tốt hơn thì sẽ có mức độ và tốc độ tăng trưởng cao hơn các nước có thể chế kém. Nhiều ý kiến đã khẳng định rằng thể chế kinh tế chậm đổi mới được xác định là một trong số các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng giảm so với các giai đoạn trước đây và chúng ta đang thiếu những động lực quan trọng và đủ mạnh để đưa nền kinh tế có thể vượt qua được vùng trũng tăng trưởng một cách bền vững.
Tại phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương Đảng tổ chức, người đứng đầu Chính phủ đã viện dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển "Vì sao các quốc gia thất bại" của hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson và khẳng định: "Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo là thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường".
Do vậy theo tôi, hơn bao giờ hết, việc nhận diện được các rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, từ đó đề xuất các định hướng và các giải pháp để nhanh chóng khắc phục những rào cản đó, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn sắp tới là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!