Tiêu hủy lô quần jeans giả cực lớn
Ngày 9-6, Đội QLTT 12B thuộc Chi cục QLTT TP HCM tổ chức bàn giao lô tang vật trị giá gần 33 tỉ đồng cho cơ quan thi hành án để tiêu hủy theo quy định.
- 05-05-2017Phát hiện hàng chục container chứa hàng lậu trị giá 100 tỷ
- 12-04-2017Đâu là cơ hội của xe điện nội trước sự “bành trướng” của hàng lậu kém chất lượng?
- 31-12-2016Điệp khúc hàng lậu ở Móng Cái ngày cuối năm
Tang vật chính gồm 18.196 quần jeans hiệu Levi’s thành phẩm giả mạo xuất xứ "Made in Mexico" được định giá gần 33 tỉ đồng (căn cứ theo giá hàng thật) cùng nhiều bán thành phẩm, nhãn mác, nguyên phụ liệu…
Lô quần jeans Levi’s giả bị đưa đi tiêu hủy
Vụ việc này được Đội 12B phối hợp với Công an phường Thới An, quận 12 phát hiện vào cuối năm 2013 khi kiểm tra Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Gia Đào (địa chỉ 25/14 đường TA16, phường Thới An), do bà Nguyễn Thị Thu Pha làm giám đốc, đang sản xuất quần jeans hiệu Levi’s nhưng lại ghi "Made in Mexico". Kết quả xác minh sau đó cho thấy Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Gia Đào có hợp đồng gia công quần jeans hiệu Levi’s cho một công ty ở Venezuela nhưng không được hãng Levi’s (Mỹ) ủy quyền sản xuất.
Do vi phạm về "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", bà Nguyễn Thị Thu Pha bị TAND TP HCM tuyên phạt 50 triệu đồng. Ngoài ra, bà Pha còn phải bồi thường cho hãng Levi’s gần 127 triệu đồng (tổn thất về uy tín, chi phí luật sư và các chi phí khác). Các máy móc, phương tiện sản xuất như máy may, máy vắt sổ, máy dập nhãn bị tịch thu sung công quỹ.
Theo luật sư Đoàn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH IP Max, đại diện sở hữu trí tuệ của hãng Levi’s tại Việt Nam, đây là vụ hiếm hoi bên sản xuất hàng giả phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu. Ông Sơn cho rằng việc các cơ quan thực thi tại Việt Nam xử lý nghiêm hành vi sản xuất hàng giả, tiêu hủy hàng giả triệt để sẽ góp phần nâng cao ý thức cho các nhà sản xuất tại Việt Nam, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. "Hiện nay, hàng giả, hàng nhái rất phức tạp, đa dạng, từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu; các đối tượng làm hàng giả cũng cập nhật liên tục mẫu mã để giống với hàng thật" - luật sư Sơn thông tin.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT TP HCM đã kiểm tra 198 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, trị giá tang vật khoảng 1,5 tỉ đồng, phạt hành chính 1,6 tỉ đồng. Thống kê về số nhãn hiệu bị giả phần lớn là ở nước ngoài như: Chanel (36 vụ); Nike và Adidas (44 vụ); Louis Vuitton (11 vụ); Tommy (10 vụ); đồng hồ Gucci, Omega, Rolex, Muller… (43 vụ); CK (9 vụ).
Người lao động