Tiki đuối sức trong cuộc chiến TMĐT: Lỗ trăm triệu USD/năm, bị sàn chưa đầy 1 năm tuổi 'vượt mặt'
Tiki đang rơi vào tình trạng đáng báo động: Lỗ ngày càng nhiều mà doanh thu lại giảm.
- 21-01-2023Phó TGĐ Lazada Việt Nam: "Trong 2 giờ đầu tiên của Lễ hội mua sắm Tết, chúng tôi ghi nhận ngành Bách Hóa tăng gấp 97 lần so với ngày thường"
- 21-01-2023Công ty đông dược bán Sâm nhung bổ thận, Cao sao vàng lãi đều đặn hơn trăm tỷ mỗi năm, EPS trên 12.000 đồng/cp
- 20-01-2023Thị trường Food Delivery 2023: Tiếp tục chứng kiến các cuộc 'bán mình' hoặc rời cuộc chơi!
Tại Việt Nam, Tiki vốn được coi là đối thủ lớn nhất của hai gã khổng lồ thương mại điện tử trong khu vực là Shopee và Lazada. Tuy nhiên, công ty này đã báo cáo doanh thu hàng năm giảm trong năm tài chính gần đây nhất (kết thúc vào tháng 3/2022). Điều đáng nói là mặc dù các số liệu của năm tài chính 2022 đã được kiểm toán, nhưng các số liệu của năm tài chính 2021 thì không do dựa trên hồ sơ pháp lý của Tiki Global Pte. Ltd. trụ sở Singapore, đơn vị thành lập vào tháng 5/2021 và sở hữu hơn 90% cổ phần của công ty tại Việt Nam.
Theo đó, Tiki ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 giảm 7% so với năm 2021. Trong khi đó, tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, khoản lỗ hoạt động của công ty đã tăng thêm 39% trong năm tài chính 2022.
Tiki sử dụng mô hình B2C và C2C, chia tổng doanh thu thành hai phần: Bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Mảng bán hàng hóa chiếm phần lớn doanh thu (88%) trong năm tài chính 2022.
Đối với mảng dịch vụ, hậu cần là phân khúc lớn nhất và vượt trội so với chỉ số doanh thu chung khi tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì công ty đã cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh ngay từ đầu. Tiki cũng đã và đang tích cực đầu tư vào các cơ sở hậu cần nội bộ của mình.
Ngược lại, tiền hoa hồng từ nền tảng lại giảm 37%.
Điều đáng chú ý là trong mảng dịch vụ, lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất là quảng cáo, tăng 131% so với năm tài chính 2021. Tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm 2% tổng doanh thu của công ty.
Trong khi tổng doanh thu của Tiki giảm 7% trong năm tài chính 2022, chi phí bán hàng chỉ giảm 1%, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ -9% xuống -16%.
Lấy cảm hứng từ Jeff Bezos khi thành lập Amazon, doanh nhân Trần Ngọc Thái Sơn đã thành lập Tiki vào năm 2010 như một nền tảng bán sách trực tuyến. Tiki là viết tắt của cụm từ “Tìm kiếm” và “Tiết kiệm”. Cái tên này phản ánh tầm nhìn của ông Sơn về việc mang đến cho người tiêu dùng địa phương những trải nghiệm mua sắm tốt hơn và giá cả phải chăng hơn.
Trong những năm gần đây, Tiki cũng đã đa dạng hóa các dịch vụ của mình, mặc dù công ty phủ nhận rằng họ đang cố gắng trở thành một siêu ứng dụng.
Trước đây trong một bài phỏng vấn với Tech in Asia, ông Sơn nói rằng công ty của mình giống như “một hệ thống cơ sở hạ tầng mở”, nơi các công ty khởi nghiệp có thể xây dựng “bất cứ thứ gì họ cho là hữu ích cho cộng đồng khách hàng và thương nhân”.
Về lĩnh vực thanh toán, Tiki đã đặt cược sớm vào dịch vụ mua trước, trả sau. Vào tháng 7/2022, họ đã khai thác HomeCredit, chuyên cho vay trả góp và ra mắt Home PayLater. Điều này đã được tích hợp trực tiếp vào nền tảng Tiki, giúp khách hàng có thể sử dụng các gói trả góp khác nhau với lãi suất thấp đến 0%. Một quan hệ đối tác khác của BNPL với Lotte Financial Việt Nam diễn ra ngay sau đó.
Tiki cũng là một trong những công ty Web2 đầu tiên tại Việt Nam mạo hiểm với blockchain. Vào tháng 4, công ty đã tung ra một chương trình phần thưởng dựa trên blockchain nhằm khuyến khích khách hàng mua hàng và cho phép họ kiếm được lợi ích tài chính từ điểm thưởng của mình.
Dẫu vậy, không rõ có bao nhiêu sáng kiến kể trên góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng trên nền tảng này.
Về khía cạnh chi phí, ngoài kinh doanh, khoản chi lớn nhất là bán hàng - marketing, hoạt động chung và quản lý hành chính. Các mảng này tăng lần lượt 20%, 30% so với cùng kỳ năm trước, dù doanh thu giảm.
Hiện tại, Tiki chưa công bố bất kỳ đợt sa thải nào, nhưng đối thủ Shopee đã phải thực hiện một số đợt cắt giảm cho số lượng nhân viên tại Việt Nam.
Tính đến tháng 3/2022, Tiki có khoảng 187 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương trên bảng cân đối kế toán. Con số này bao gồm số tiền thu được từ đợt gây quỹ khổng lồ trị giá 258 triệu USD vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, số tiền này chưa phản ánh khoản đầu tư 90 triệu USD của Tập đoàn tài chính Shinhan có trụ sở tại Hàn Quốc vào tháng 5/2022.
Nếu tính thêm cả 90 triệu USD đó vào bảng cân đối kế toán và giả định rằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tiki là 100 triệu USD, công ty có thể hoạt động trong 3 năm nữa trước khi cần thêm vốn. Điều này cũng cho thấy rằng việc IPO có thể đợi đến năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Tuy nhiên, thời điểm khó khăn chắc chắn đang ở phía trước đối với Tiki, dù có muốn IPO hay không.
Bên cạnh Shopee và Lazada, TikTok Shop – chi nhánh thương mại điện tử của ứng dụng Tiktok – đang gây chú ý tại Việt Nam sau khi ra mắt vào tháng 4 năm ngoái.
Theo Tech in Asia, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu có người dùng TikTok tích cực nhất. Công ty thuộc sở hữu của ByteDance được cho là đang đặt mục tiêu trở thành một trong ba công ty thương mại điện tử hàng đầu trong nước.
Theo data.ai, TikTok hiện xếp trên Tiki về lượt tải xuống trong danh mục mua sắm tại Việt Nam.
Với xu hướng doanh thu và khả năng sinh lời thấp, Tiki cần phải thay đổi chính mình một lần nữa để duy trì tính cạnh tranh trên chính sân nhà.
Nguồn: TechinAsia
Nhịp sống thị trường