MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng chính sách là đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo tự vươn lên

15-07-2020 - 12:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong 5 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn tín dụng ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội còn góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn.

Sáng ngày 15/7, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành, tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, kể từ sau khi Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành vào tháng 11/2014, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã thường xuyên thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Thực tế trong những năm qua cho thấy, Chỉ thị 40 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống bởi phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014; nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng; huy động vốn của xã hội đạt hơn 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014. 

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng (+69,6%) so với từ khi có Chỉ thị, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững; xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…; gần 346 nghìn lượt HSSV được vay vốn NHCSXH để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống; hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn NHCSXH để tạo công ăn việc làm cũng như 24 nghìn lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…

Có thể khẳng định chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (2015) xuống còn 5,23% (2018), 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900 nghìn lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.

Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tăng cường. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn tín dụng ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

H. Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên