MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng cũng như đi trên đường cao tốc, cần "cắm" biển báo tốc độ

17-02-2018 - 08:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia, năm vừa qua tín dụng tăng mạnh, lợi nhuận ngân hàng cao kỷ lục nhưng chớ chủ quan.

Năm 2017 ghi nhận một năm thắng lợi của ngành ngân hàng: Nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận cao kỷ lục, tín dụng tăng trưởng đúng kế hoạch là hơn 18%, mở ra một triển vọng sáng hơn cho năm 2018.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia theo dõi chặt chẽ về thị trường tài chính ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đừng vội mừng với những gì đã đạt được mà hãy nên thận trọng.

PV: Thưa chuyên gia, ông đánh giá thế nào về kết quả kinh doanh của các ngân hàng năm 2017?

Luật sư Trương Thanh Đức: Các số liệu ngân hàng công bố cho thấy họ đã có một năm thành công. Tuy nhiên phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, năm qua tăng trưởng dịch vụ và kinh doanh vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Riêng về tín dụng, các ngân hàng đã trải qua một quá trình gian nan vất vả, đầu tư, đào tạo, xử lý rất dài. Họ đã phải trích lập hết dự phòng, có những ngân hàng 5-7 năm không có lãi, nhưng đến nay khi xử lý được nợ xấu thì các con số ấy lại được cộng vào lợi nhuận và giúp lợi nhuận tăng cao. Vì thế có thể khẳng định rằng, kết quả kinh doanh năm vừa qua tăng là nhờ đã tích lũy từ trước.

Như vậy là lợi nhuận ảo?

 Không phải ảo, đó là con số thật. Nhưng nguyên nhân sâu xa thực sự không phải do tăng trưởng, không phải có sự thay đổi đột phá từ hoạt động kinh doanh hay dịch vụ mà đó là tích lũy, là kết quả của cả một quá trình.

Hãy nhìn xem, chất lượng hoạt động tín dụng cũng không thay đổi nhiều vì kinh tế vẫn vậy, doanh nghiệp vẫn khó khăn, vẫn ốm yếu, đâu đó còn có sự "giả giả thật thật". Có lẽ phải mất vài năm nữa, khi họ làm ăn bài bản, tử tế thì ngân hàng mới có cơ hội phất lên thực sự, còn hiện tại vẫn khó khăn lắm.

NHNN đang đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2018 cao hơn nữa, trong đó có tín dụng ở mức 17%, theo ông các con số này có khả quan?

Ở nước ngoài, Nhà nước chỉ quản về rủi ro, về nguy cơ chứ không quản về cơ hội, còn chúng ta lại chưa rõ ràng vấn đề này. Tôi cho rằng việc tăng trưởng của ngân hàng không nên gây sức ép buộc họ phải tăng trưởng quá cao. Thậm chí nếu họ tăng trưởng quá thì NHNN cần kìm họ để đảm bảo an toàn.

Như tín dụng nếu năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng là 17% thì cao quá, không thực tế. Ngày xưa nếu mức tăng trưởng này thì có thể chấp nhận được, có thể đạt được, nhưng hiện nay là không thể vì chúng ta có xuất phát điểm quá cao, với dư nợ đã vượt xa con số 6 triệu tỷ đồng.

Cũng giống như con đường. Nếu vận tốc đang đi là 10km, chúng ta cho tăng lên gấp đôi là 20km/giờ thì hợp lý, nhưng con đường ấy đang cho đi 100km/h mà đổi thành 200km/h là điều không thể. Theo tôi mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ nên ở mức 10%, NHNN cũng như các cán bộ giao thông, nên "tuýt còi" các ngân hàng giảm xuống để đảm bảo an toàn, chứ đừng bắt họ phải tăng, đừng khuyến khích họ cứ tăng rồi cho tăng thêm cao hơn nữa.

Vì với nhu cầu tín dụng hiện nay, nếu đạt mức tăng trưởng tín dụng ấy thì phải đi đôi với việc tăng vốn điều lệ. Và với tính toán của giới chuyên gia thì mức vốn phải nâng lên gấp đôi mới đủ theo các yêu cầu về an toàn. Nhưng như thế thì lại quá rủi ro, không tránh khỏi vốn ảo. Trong quá khứ, việc tăng vốn quá nhanh đã dẫn đến nhiều hệ lụy, rất nhiều đại án ngân hàng đã và đang phải xử lý là một trong những minh chứng cho điều này.

Tín dụng tăng lên sẽ phải kéo theo nhiều vấn đề như là mạng lưới, nhân sự. Khi ngân hàng phát triển cũng sẽ phải kéo theo vấn đề chi trả cổ tức cho cổ đông. Nếu cứ mải chạy theo mức tăng trưởng đề ra thì chỉ càng làm khó cho ngân hàng.

Tóm lại theo tôi, tín dụng cũng như một con đường cao tốc, người ta chỉ nên cắm biển báo là cho đi tối đa bao nhiêu cây số chứ không nên khuyến khích người ta phải đi với tốc độ là bao nhiêu.

Chính phủ bắt đầu siết tín dụng bất động sản. Theo ông điều này liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cũng như kết quả kinh doanh của các ngân hàng 2018?

Hiện nay tín dụng đang phân loại chưa rõ ràng, số liệu còn chưa thống nhất. Câu chuyện gần nhất là xây khách sạn thì xếp là tín dụng du lịch hay xây dựng, hay bất động sản kho tàng, nhà ở, đầu tư, xây dựng kinh doanh, sửa chữa nhà thì xếp vào tín dụng loại nào cũng chưa rõ ràng.

Rồi còn cả những câu chuyện như có đại gia làm bất động sản nói đã bán được 70% nhưng thực chất họ mới chỉ bán được 7%, phần còn lại là họ bán nội bộ, mới đăng ký thôi. Lời lãi phải cuối cùng mới hạch toán, trước đó họ chỉ khấu trừ chỗ này chỗ kia...nhưng vẫn báo cáo số liệu là đã bán được 70%. Hay có ngân hàng nói cho vay rất ít vào bất động sản mà chủ yếu cho vay nhà ở và không xếp ở loại rủi ro…Tất cả các vấn đề này đều rất khó để đánh giá chính xác khi số liệu còn chưa rõ ràng, thống nhất.

Điều tôi nhận thấy quan trọng nhất với hoạt động tín dụng bất động sản thời điểm này, cũng là tin mừng với nền kinh tế, ấy là sau thời gian vừa trải qua, nhà đầu tư, các ngân hàng đã đánh giá được độ rủi ro của tín dụng bất động sản, trừ một số trường hợp cố tình sai trái, thì họ nhận ra phải làm ăn bài bản, tử tế mới sống sót được. Ngày xưa nếu bán nhà trên giấy thì bán được, còn hiện nay nhà hoàn chỉnh, nhà đẹp chưa chắc đã bán được. Chủ đầu tư cũng xác định không thể chụp giật, mà phải cân nhắc xem có bán được không, có đầu tư vay vốn hay sao, nhà đầu tư cũng vậy. 

Tựu chung lại, với bối cảnh và cách tính toán số liệu như hiện nay, tôi cho rằng tín dụng bất động sản khi bị siết hơn cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến các ngân hàng hay thị trường. 

Triển vọng chung về hoạt động ngân hàng nói chung 2018 thì ông nhìn nhận thế nào?

Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, tôi cho rằng thế 2017 đang lên thì năm 2018 sẽ tiếp tục thuận lợi. Nhà nước không cần hô hào gì thì thị trường cũng tự khắc sẽ lên nhờ xu thế có sẵn, bên cạnh sự hòa hợp của thị trường thế giới. Nhưng nếu chẳng may có vấn đề gì, chẳng hạn những tin đồn mà trở thành sự thật thì những thay đổi cũng là điều khó tránh khỏi. Tôi giữ cái nhìn lạc quan hơn cho năm nay, nhưng cũng mong NHNN nên kìm hãm tăng trưởng để đảm bảo an toàn, thay vì hô hào tiếp tục đi lên và đi lên cao hơn nữa.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên