MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng đen bủa vây dân nghèo

18-10-2018 - 06:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Với những lời chào mời thủ tục đơn giản, trong thời gian ngắn có thể vay số tiền lớn, nhiều người rơi vào bẫy lãi suất cao, khi chưa trả kịp thì bị đe dọa xiết tài sản.

Ngày 17-10, đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết công an đang tiếp tục điều tra băng nhóm từ Hải Phòng vào Đắk Lắk cho vay nặng lãi rồi cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan chức năng cũng tập trung điều tra, xử lý các băng nhóm cho vay nặng lãi khác trên địa bàn.

Đòi nợ kiểu xã hội đen

Tháng 9-2018, gia đình bà H’Bet Knul (ngụ xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cần một khoản tiền để lo công việc gấp. Mượn nhiều nơi không được, tình cờ thấy tờ rơi quảng bá "cho vay trả góp lãi suất thấp", bà H’Bet Knul liên hệ với số điện thoại ghi trên tờ rơi. Khoảng 30 phút sau, 2 thanh niên đến tận nhà cho bà vay 30 triệu đồng, chỉ cần đưa CMND và sổ hộ khẩu.

Tín dụng đen bủa vây dân nghèo - Ảnh 1.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi từ Hải Phòng vào vừa bị Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá

"Tôi trả góp trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 750.000 đồng (lãi suất 180%/năm - PV). Sau này tôi mới biết lãi suất như vậy là quá cao nhưng quan trọng nhất là phải trả hằng ngày khiến tôi không xoay kịp. Nhiều hôm không đủ tiền trả, gia đình bị 2 thanh niên cho vay chửi bới, đe dọa đánh đập, cắt chân, cắt tay" - bà H’Bet Knul nói.

Tương tự, bà H’Riăng Niê (ngụ cùng buôn) cho biết con rể nhặt được tờ rơi "cho vay trả góp, thủ tục nhanh" trên đường. Gia đình cần vay tiền để trả nợ mua phân bón nên gọi vào số điện thoại ghi trên tờ rơi. Ngày hôm sau, họ đến tận nhà cho vay 30 triệu đồng, chỉ yêu cầu đưa cà vẹt xe máy và CMND. Khi giao tiền, họ chỉ đưa 27 triệu đồng và giữ lại 3 triệu đồng tiền cho 5 ngày góp đầu tiên. Do lãi suất quá cao nên gia đình phải khốn đốn xoay trả từng ngày, nếu không thì họ chẳng để yên.

Ngày 26-9, Công an huyện Buôn Đôn khởi tố bị can đối với 3 đối tượng để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của con nợ. Theo điều tra ban đầu, bà Lai Mỹ Dung (ngụ huyện Buôn Đôn) vay của bà Y Bhô Aliô (ngụ cùng huyện) 10 triệu đồng. Sau một thời gian, Y Bhô Aliô buộc bà Dung phải trả 80 triệu đồng. Từ ngày 1 đến 5-7, Y Bhô Aliô cùng Nguyễn Văn Tiến và Trần Quang Thông nhiều lần đến nhà uy hiếp đòi nợ, ép vợ chồng bà Dung phải viết giấy nợ với số tiền rất lớn và xiết nhiều tài sản.

Lãi suất 360%

Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an TP Buôn Ma Thuột đã điều tra làm rõ nhóm 11 đối tượng chuyên cho vay nặng lãi rồi xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản. Bước đầu, các đối tượng khai hằng ngày in hàng trăm tờ quảng cáo rồi chia nhau đi phát cho người trên đường và dán khắp nơi với nội dung cho vay tiền thủ tục đơn giản, chỉ cần CMND hoặc sổ hộ khẩu.

Đại tá Phạm Minh Thắng cho biết nhóm đối tượng này từ Hải Phòng vào Đắk Lắk từ giữa năm 2017 đến nay, núp bóng tổ chức hỗ trợ tài chính. Băng nhóm này được tổ chức chặt chẽ, nhân viên được trả lương hằng tháng. Nhóm đã cho hơn 260 hộ dân vay hàng tỉ đồng với lãi suất lên đến 30%/tháng, tương đương 360%/năm. Do lãi suất quá cao, khi người dân chậm trả nợ thì bị chúng đến đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

Cũng theo ông Thắng, hiện hoạt động tín dụng đen trên địa bàn diễn biến phức tạp, từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa với khoảng 30 nhóm, hàng trăm đối tượng. "Tín dụng đen len lỏi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn. Khi đã mắc vào bẫy tín dụng đen thì người dân rơi vào cảnh khốn cùng, mất khả năng trả nợ và cuối cùng bị khống chế, đe dọa, bắt giữ, cưỡng đoạt tài sản, gây nhiều hệ lụy" - đại tá Thắng nhận định.

Đòi nợ thuê nở rộ

Tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi nở rộ kéo theo tội phạm liên quan đến đòi nợ thuê cũng gia tăng. Tháng 6-2017, ông Phạm Sơn (ngụ huyện Ea H’leo) vay của bà Phạm Thị Quyên (ngụ cùng huyện) 80 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày. Đến hẹn, thấy ông Sơn chưa trả nên tháng 4-2018, bà Quyên nhờ Trần Văn Dũng và Đoàn Thanh Thuận đòi nợ thuê. Hai đối tượng này đến nhà dùng dao đe dọa rồi bắt ông Sơn đi. Công an huyện Ea H’leo đã truy bắt 2 đối tượng để làm rõ hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Trước đó, Công an TP Buôn Ma Thuột cũng đã khởi tố bị can đối với Phạm Trung Dũng (ngụ TP Buôn Ma Thuột) để làm rõ hành vi hủy hoại tài sản. Dũng nhận đòi nợ 20 triệu đồng cho một người và nhiều lần tìm đến nhà người nợ tiền dùng mắm tôm và sơn ném vào gây hư hỏng tài sản. Trước đó, Dũng đã thực hiện thành công nhiều vụ đòi nợ thuê khác.

Theo Cao Nguyên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên