Cần thêm nhiều phố đi bộ
Từ sự kiện quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động, nhiều ý kiến gợi ý TP.HCM cần có thêm những không gian tương tự.
- 20-04-2015TP.HCM chính thức có phố đi bộ Nguyễn Huệ
- 10-02-2015Nghiên cứu cấm xe 2 bánh trên phố đi bộ từ 18h - 23h
- 08-01-2015Hình hài đầu tiên về phố đi bộ ở Sài Gòn
Trao đổi với chúng tôi, KTS NGUYỄN VĂN TẤT - chủ tịch Hội đồng kiến trúc quy hoạch, Hội Kiến trúc sư TP.HCM - nói: Trước năm 1975, đại lộ Nguyễn Huệ - tên gọi khi đó cũng là chợ hoa - là “phòng khách mùa xuân” của Sài Gòn. Rồi khoảng 10 năm nay nó lại trở thành đường hoa có “thương hiệu”. Vì vậy, khi trục đi bộ được khánh thành, người dân đón nhận với nhiều tình cảm.
Sâu xa hơn, người dân thành phố nói riêng và người sống ở đô thị nói chung rất cần có được những không gian như quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ. Tinh thần của phố đi bộ này cần lan tỏa theo cách phân bổ đến tận các cộng đồng của đô thị, tức là cần thêm nhiều không gian như thế.
Nhưng với thực trạng đô thị ngột ngạt như hiện nay, làm sao có thể tìm ra được quỹ đất để hình thành những không gian đẹp như đường Nguyễn Huệ?
Gần đây, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Q.7) với cầu Ánh Sao đã làm nên “thương hiệu” cho riêng trong sinh hoạt đô thị. Những không gian như thế này không nhiều, trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn. Chúng ta cần tạo ra nhiều không gian kiểu này nhưng không cần quá hoành tráng, phải gắn và phù hợp với đời sống người dân trong khu vực.
KTS NGUYỄN VĂN TẤT
Để thực hiện được cần có nghiên cứu xã hội học và kiến trúc quy hoạch đồng bộ để chính quyền TP xác định và công bố các chủ trương cũng như dự án đầu tư. Việc xã hội hóa chính là lời giải khả thi để giải bài toán khó này. Làm phố đi bộ thì phải cân đối nhu cầu công năng và quy mô đầu tư.
Như phố đi bộ trong sinh hoạt ngày thường thì là hè phố, du lịch, khách sạn, thương mại... ban đêm có thể là những chỗ “cà phê vỉa hè” thoáng mát với muôn màu đèn hoa, nhạc nước... Ngày lễ thì nó trở thành nơi đủ rộng cho các nhu cầu lễ nghi.
TP.HCM có những dự án phục hồi và hình thành những không gian công cộng cho người dân như các khu chợ đêm, phố thuốc bắc ở quận 5... nhưng chưa thành công. Vì sao, thưa ông?
Chúng ta dành nhiều công sức để mở rộng và xây dựng các khu đô thị mới nhưng ít đầu tư vào các dự án chỉnh trang khu đô thị cũ vốn có bề dày giá trị văn hóa lịch sử và hiển nhiên là một giá trị kinh tế du lịch cực lớn.
Khai thác và phát triển những gì hiện có chẳng những để phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp đời sống người dân đô thị tốt hơn lên. TP đã có những dự án lớn như kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè...
Vậy chúng ta khai thác gì, làm thêm những gì cho không gian ở đây sinh động hơn, gần gũi hơn để phục vụ cộng đồng dân cư tại chỗ và nơi khác đến?
Chúng ta có sẵn tài nguyên có thể mang lại giá trị rất lớn là quỹ đất vỉa hè đô thị khổng lồ. Đó là nơi chứa đựng lịch sử, văn hóa truyền thống, tập quán cộng đồng mà mỗi người khách du lịch phương xa đều háo hức hòa nhập.
Hồn phố đó vừa là cuộc sống của người dân đương đại, đồng thời là giá trị bản sắc hương xa mà mỗi người khách du lịch đều sẵn lòng bỏ tiền ra để được chia sẻ.
Với tinh thần đó, những chuyện này sẽ trở nên nhẹ nhàng, đơn giản nếu chính quyền có chủ trương và những nghiên cứu cơ bản hình thành các dự án kiến trúc quy hoạch thông qua hiệu quả tích cực của cơ chế xã hội hóa, khi đó từng con phố sẽ tự bộc lộ mình bằng cuộc mưu sinh quen thuộc và chính đáng của người dân.
* KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG:
Nên tổ chức thêm không gian mở
Người dân Sài Gòn đang rất thiếu những không gian mở mang tính cộng đồng. TP cũng thiếu những lề đường rộng để tổ chức phố đi bộ, mua sắm. TP nên tìm tòi để có thêm nhiều không gian mở đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trước mắt, có thể làm ở khu công viên bờ sông Sài Gòn (từ Công trường Mê Linh đến chân cầu Khánh Hội - cột cờ Thủ Ngữ hiện tại).
Cần phải cải tạo, sắp xếp, tổ chức lại những công trình, nhà hàng, cầu cảng... ở đây để không gian không bị vụn vặt. Giữa đường Võ Văn Kiệt và kênh Tàu Hủ còn một dải công viên có thể tổ chức một không gian công cộng rộng.
Cũng nên xem lại các mô hình đã làm. Như khu vực quận 10 có chợ đêm trên đường Cao Thắng (nối dài), nay không còn nữa. Phía Gò Vấp có khu chợ đêm trước chợ Hạnh Thông Tây và những con đường của khu dân cư ven chợ này...
Những nơi này, Nhà nước cần tổ chức hạ tầng ban đầu, không cần quy mô như ở đường Nguyễn Huệ nhưng có đầy đủ nước, điện, ánh sáng để người dân tổ chức những hoạt động chung như khiêu vũ, thể dục, những sự kiện tập thể, đi bộ...
Về tương lai, khi các đơn vị ở dọc sông Sài Gòn sẽ di dời, TP có dải bờ sông rất lớn ở khu vực Q.1, Q.4 và một phần Q.Bình Thạnh. Có thể dành ít nhất 200m từ bờ sông trở vào làm công viên công cộng cho người dân TP.
Theo quy hoạch, quảng trường và công viên bờ sông rộng 30ha của Thủ Thiêm đối diện trung tâm cũ tại quảng trường Mê Linh được nối qua cây cầu đi bộ. TP nên khởi động trước quảng trường và công viên bờ sông Thủ Thiêm làm cú hích mời gọi nhà đầu tư vào Thủ Thiêm.
TP cũng nên khuyến khích chủ đầu tư các dự án đô thị có diện tích từ 10ha trở lên phải dành một khu đất ngoài trời, cạnh công viên, bờ sông, bờ kênh... để thiết kế một quảng trường mini. Trong những đồ án quy hoạch tương lai, mỗi địa phương nên dành một khu đất cho những loại hình không gian mở này.
Theo Hoài Trang
Tuổi Trẻ