MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia Bất động sản: Từ “niềm kiêu hãnh” …đến "hố chết"

Bán dự án, giãn nợ, ân hạn nợ, tìm kiếm đối tác,...liệu có giúp "đại gia" bất động sản một thời tìm lại được "giấc mơ hoành tráng" của mình.

Từng là một trong những “đại gia” trong làng bất động sản với dự án Usilk City gồm tổ hợp 13 tòa nhà cao từ 25-50 tầng trải dài 1km trên đường Lê Văn Lương kéo dài, với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, cùng với đó là hàng chục dự án BĐS lớn nhỏ khác từ Bắc vào Nam.

Thế nhưng, Sông Đà Thăng Long (STL) giờ đây đang phải gồng mình với quy luật nghiệt ngã của thương trường, bị khách hàng kiện cáo, bán dự án, ngân hàng siết nợ,…đến nỗi chủ tịch STL là ông Nguyễn Trí Dũng đã từng phải thốt lên: “tôi đã từng mơ một giấc mơ hoành tráng, nhưng giờ cũng phải xin lỗi cổ đông, xin lỗi khách hàng.”

Niềm kiêu hãnh của STL

Những năm tháng ngập trong nợ nần

Sông Đà Thăng Long được biết đến với dự án Usilk City tại Hà Nội rất hoành tráng vào những năm trước, nhưng chưa kịp đưa “con thuyền này” cập bến thì cơn bão khủng hoảng đã “chôn” dự án này trên đất Hà Đông, và giờ đây chỉ còn lại những tòa nhà dở dang, những hầm móng cỏ mọc, sắt thép hoen gỉ,…vì thiếu nguồn lực để triển khai.

Các dự án phải tạm dừng, hoạt động kinh doanh trì trệ, thua lỗ triền miên,…Nếu như năm 2010 công ty còn có lãi 80 tỷ thì bước sang 2011 bắt đầu thời kỳ đen tối của STL với số lỗ hơn 14 tỷ đồng, sang năm 2012 số lỗ đã tăng lên 181 tỷ đồng.

Năm 2012 dường như là một năm đầy “sóng gió” với STL, tổng giá trị sản xuất kinh doanh chỉ hoàn thành 50% kế hoạch đề ra, lợi nhuận hợp nhất lỗ 181 tỷ, gần như STL không đầu tư gì cho các dự án trong năm chỉ hoàn thành 8% kế hoạch.

Hiện nay, STL chỉ có thể tập trung vào dự án Văn Khê, khu nhà thấp tầng vẫn còn 40 căn chưa bàn giao; Dự án khu đô thị mới Văn Khê còn 18% căn hộ chưa giao dịch được;  trong năm 2012 Usilk City cũng chỉ thực hiện đầu tư vào 3 tòa 101, 102 và 103 với số tiền 50/415 tỷ, đạt 12% kế hoạch.

Đánh giá về những nguyên nhân dẫn đến kinh doanh thua lỗ trên, HĐQT STL cho rằng, vì kinh tế suy thoái dẫn đến thị trường BĐS đóng băng, giá BĐS sụt giảm mạnh khiến khách hàng không còn mặn mà với sản phẩm của Công ty, không hợp tác trong thực hiện hợp đồng đã ký, làm cho dòng tiền từ khách hàng bị ngưng trệ.

Bên cạnh đó, năm 2012 còn là năm STL ngập trong nợ nần, sức ép trả nợ gốc và lãi quá lớn. Tính đến 21/12/2012, STL còn nợ các TCTD 3.030 tỷ đồng, riêng khoản lãi vay phải trả 2012 lên đến 701 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2012 STL lại lỗ 181 tỷ. Thực trạng này khiến STL lâm vào tình cảnh nguy cơ phá sản là hiện hữu.

Còn lại gì?

Với tình trạng sức khỏe của STL như trên thì năm 2013 sẽ là năm còn nhiều thách thức. Vừa qua, Công ty này đã phải bán đi 2 dự án trong năm 2012 là dự án 3B Phan Đình Phùng, HN và dự án Yên Thế tại Tp.HCM nhằm thu hồi vốn và giảm thiểu chi phí tài chính. Các dự án khác dừng hoặc đang tìm đối tác chuyển nhượng.

Khách hàng STL thì mất niềm tin vào công ty, không hợp tác trong việc đóng những khoản tiền còn lại để triển khai dự án bởi lo sợ những khoản tiền họ tiếp tục đóng cho STL không được bảo đảm, sử dụng sai mục đích, dẫn đến những vụ khiếu kiện kéo dài hàng năm nay.

Usilk City: Thành phố chết

Để xảy ra tình trạng như vậy, có lẽ không chỉ do nguyên nhân khách quan mà còn cả những nguyên nhân chủ quan từ lãnh đạo STL không lường trước được thị trường, đầu tư dàn trải, vay nợ triền miên. Trong một buổi tiếp xúc với khách hàng, chủ tịch STL đã từng bày tỏ “lời xin lỗi”, ông cũng đã từng thốt lên: “Danh dự của tôi đã sứt mẻ quá nhiều rồi”.

STL sửa sai bằng cách bán các dự án, tái cấu trúc doanh nghiệp. Nhìn vào kế hoạch kinh doanh trong năm nay của STL, đơn vị này dường như chỉ tập trung hoàn thiện 3 tòa 101, 102 và 103 Usilk City, nhưng tiến độ cũng chậm như “rùa” vì không có tiền. Các dự án khác STL sẽ tạm dừng để cân đối nguồn vốn đầu tư, chỉ tập trung hoàn thiện pháp lý của dự án, tìm đối tác liên doanh hoặc bán toàn bộ đặc biệt là các dự án phía Nam.

Trong năm nay STL còn phải làm việc với các TCTD để xin ân hạn, gia hạn các khoản nợ và tiếp tục vay vốn để thực hiện dự án Văn Khê và Cồn Tân Lập.

Với chủ trương đó, năm 2013 STL ước đạt khoảng 580 tỷ doanh thu và khoảng 11 tỷ đồng lợi nhuận. Tổng giá trị kế hoạch đầu tư khoảng 850 tỷ đồng. Tuy nhiên, với thế và lực của STL hiện nay thì kế hoạch đó có lẽ sẽ vẫn là “ước mơ”.

Nhật Nam

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên