MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 32: 8 năm, 4 lần lỗi hẹn

Sau 3 lần trễ hẹn, chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thi công tuyến quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn) hứa sẽ thông xe trước ngày 2-9-2011.

Điều người dân mong đợi không xảy ra. Đã qua ngày 2-9 trên tròn đúng một tuần, tuyến quốc lộ 32 vẫn là đại công trường, bê bết đất cát và khói bụi. Đã nhiều lần UBND thành phố Hà Nội có công văn đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhưng quốc lộ 32 vẫn ì ạch với kỷ lục "8 năm chưa làm xong đoạn đường dài 3km".

Bốn lần trễ hẹn

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2003, với mức đầu tư dự kiến khoảng 891,543  tỷ đồng, được thực hiện thông qua nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Theo thiết kế, đoạn đường này đầu tư theo quy mô đường đô thị cấp 1, bề rộng mặt đường 35m (đủ cho 8 làn xe), vỉa hè mỗi bên rộng 7,5m. Đây là dự án quan trọng, liên quan mật thiết tới các công trình trọng điểm của Thủ đô.

Khi triển khai, Ban Quản lý dự án 5 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm GPMB. Sau một thời gian bị ngưng trệ, tháng 12-2005 dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 32 chính thức khởi công. Sau 4 năm thi công, do tiến độ dự án quá chậm nên Chính phủ đã có văn bản chuyển dự án về cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện, đồng thời thành phố giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.

Thiết tưởng dự án có chủ nhân mới sẽ được đẩy nhanh tiến độ, ai ngờ vẫn ì ạch gây bao khó khăn, cơ cực cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTATGT. Hàng trăm bài báo, hàng chục phóng sự truyền hình nói về dự án này với tiêu đề mới nghe cũng đủ thấy xót xa "Con đường đau khổ"; "Con đường hành dân"... Được coi là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng cho tới tháng 9-2010, công tác GPMB trên tuyến quốc lộ này vẫn chưa được hoàn tất.

Trước bức xúc của dân, tháng 9-2010, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đi thị sát con đường này để tháo gỡ,  tìm giải pháp nhanh nhất thông xe tuyến đường. Lãnh đạo Sở GTVT lúc đó hứa với vị lãnh đạo cao nhất thành phố rằng "cố gắng thông xe toàn tuyến trước Tết âm lịch (tháng 2-2011)".

Lần thứ nhất lỗi hẹn, con đường vẫn tiếp tục thi công theo kiểu cầm chừng, "được chăng hay chớ". Tháng 4-2011, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đôn đốc Sở GTVT có kế hoạch chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm đến tháng 6-2011 thông xe.

Dường như văn bản của UBND thành phố chưa đủ sức nặng nên đến hạn 30-6, "con đường đau khổ" vẫn ngổn ngang cát bụi và VLXD.

Lần thứ hai lỗi hẹn, UBND thành phố lại tiếp tục ra văn bản yêu cầu Sở GTVT bảo đảm tiến độ thông xe trước ngày 30-7-2011. Lãnh đạo Sở GTVT vẫn tiếp thu, vẫn đôn đốc các nhà thầu nhưng rốt cục thì "con đường đau khổ" vẫn chỉ là "con đường khổ đau".

Lần thứ ba trễ hẹn, Sở GTVT tiếp tục hứa sẽ thông xe toàn tuyến vào đúng dịp Quốc khánh 2-9. Bốn lần "hứa" đều trôi đi chóng vánh. Kết quả cho tới hôm nay (9-9-2011), tuyến quốc lộ 32 vẫn ngổn ngang chỗ rào, chỗ chắn. Nhìn hiện trạng, nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực cầu đường dự tính, để hoàn thiện đoạn đường này có khi mất thêm cả năm trời.

Trăm dâu đổ đầu... dân

Đã nhiều ngày nay, gia đình bà Phạm Thị Thúy, thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn phải sống cảnh tạm bợ trong ngôi nhà chưa đầy hai chục mét vuông. Cốt nền đường mới làm thấp hơn cốt nền nhà bà Thúy tới gần mét. Trước cửa nhà bà, đơn vị thi công đang làm cống thoát nước, người ta đào một cái hố to oành, chứa khoảng 3 khối nước. Cứ ngỡ ngày một ngày hai, đặt ống cống xong người ta lấp lại ai ngờ đã 4 tháng rồi, cái hố vẫn chỉ là cái hố. Muốn vào nhà, các thành viên trong gia đình bà Thúy phải sơ tán 3 cái xe máy mang đi gửi, rồi sau đó bắc cầu tre vào nhà. Ngày nắng thì bụi, mưa xuống cái hố trước nhà trở thành cái "bẫy" đầy oạp nước. Cứ nghĩ đến vụ 4 đứa trẻ bị chết đuối vì sa xuống hố nước công trường ở khu vực Mỹ Đình mới đây, bà Thúy lại sởn da gà.

Có điều kiện hơn gia đình bà Thúy một chút vì đã xây được nhà cao cửa rộng nhưng gia đình ông Vũ Quý (xã Minh Khai) lại khổ vì mù mờ thông tin. Đường sá đang làm dở dang nên điện đóm hôm có hôm không. Có khi ông vừa đấu được đường điện, xe tải đi qua cán phải lại đứt mất dây. Truyền hình cáp, điện thoại cố định, mạng internet thì lâu lắm rồi nhà ông không được dùng nữa. Các nhà cung cấp dịch vụ ở khu vực này đành xin lỗi khách hàng tạm ngưng phục vụ vì đường sá chưa ổn định, cáp tín hiệu nay bị đào lên, mai bị lấp xuống. Cứ cái đà thi công kiểu cầm chừng thế này, chắc hai năm nữa gia đình ông Quý mới có các dịch vụ để sử dụng.

Phàn nàn với chúng tôi, ông Quý tỏ ra bức xúc: Tôi thấy đây là "con đường rùa bò, đau khổ" bậc nhất thủ đô. Hơn tám năm trời thi công đoạn đường vỏn vẹn 3 cây số mà cũng không xong. Tám năm là 2.920 ngày, như vậy trung bình một ngày đơn thị thi công một mét đường không xong, đúng là con số kỷ lục.  Đã 4 lần người ta đưa ra mốc thời gian thông xe nhưng kết quả đến giờ thế này đây. Đường sá vẫn ngổn ngang bụi bẩn, vật liệu thi công tràn lan, vỉa hè, hố ga không nắp, cột điện nghiêng ngả, dây cáp chằng chịt như cái "bẫy". Có những hôm ngồi trong nhà, tôi thấy thương người đi đường. Nhiều sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp đi xe máy sa vào vũng nước, xây xước hết mặt mày, quần áo ướt sũng nước.

Trung tá Phan Doãn Lộc, Đội phó Đội CSGT, Công an huyện Từ Liêm than thở: Tuyến đường 32 thi công quá lâu khiến lực lượng CSGT luôn trong tình trạng "gồng mình" để chống ùn tắc. Có những ngày, đơn vị phải cử hai chục cán bộ chiến sỹ chốt tại khu vực đầu Cầu Diễn hoặc trước cổng Trường ĐH Công nghiệp để bảo đảm trật tự giao thông. Quốc lộ 32 là tuyến huyết mạch có lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất đông, nhiều hôm xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trên toàn tuyến, nguyên nhân bởi đơn vị thi công rào chắn chỉ để lại phần đường rộng 8 mét cho cả hai chiều.

Số vụ tai nạn trên đoạn đường này cao nhưng chủ yếu là do chủ phương tiện tự gây, thường là đâm phải cột điện, vũng nước hoặc vật liệu đơn vị thi công để chềnh ềnh trên đường. Hiện tại, cầu Diễn đã mở thêm 2 làn cầu nhưng giao thông tại đây vẫn rất lộn xộn do đường vẫn chưa hoàn thiện, hệ thống thoát nước tại nhiều nơi chưa có, hễ mưa xuống nước ngập thành ao. Hơn thế nữa, các đơn vị thi công chưa làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, bụi bẩn rất nhiều, đó là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTATGT. Là đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm ATGT trên địa bàn, chúng tôi kiến nghị UBND thành phố cần có phương án chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc để sớm hoàn thiện con đường này.

Theo Tống Ngọc Thanh
HNMO

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên