MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng: Sẽ gây ô nhiễm sông Đồng Nai?

Đầu tháng 7, doanh nghiệp Dona Coop đã công bố xây dựng một nghĩa trang có vị trí phong thuỷ đắc địa, kề bên dòng sông Đồng Nai và là nghĩa trang hiện đại bậc nhất VN.

Tuy nhiên, ngay sau lễ công bố, dư luận đã lo lắng, bởi vị trí “đắc địa” của nghĩa trang nằm cách sông ĐN chỉ hơn… 100m. Tương lai không xa, liệu dòng nước sông ĐN có còn trong lành, hay sẽ bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải phát sinh từ nghĩa trang thoát ra?

Thiên đường cho người chết

Nghĩa trang Vĩnh Hằng - nay được gọi là An Viên Vĩnh Hằng (AVVH) - theo chủ đầu tư, có một hình thể sơn kỳ thủy tú. Điểm đặc biệt của nghĩa trang AVVH là phía tây giáp bờ sông ĐN uốn lượn, đón 3 suối nhỏ tụ thủy lưu niên đổ ra sông lớn. Thế núi hậu trẩm - huyền vũ vòng cung tay ngai ôm lấp cánh đồng lúa tụ về đầm Suối Cái ở trục thần đạo chính tâm khu đất... Nghĩa trang AVVH có quy mô giai đoạn 1 là 116ha, vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng.

Dự kiến, cuối năm 2011 sẽ đi vào hoạt động. Giai đoạn 2 thêm 200ha và theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, nghĩa trang AVVH có thể chôn gần 100.000 người. Trên trang web quảng bá nghĩa trang AVVH vẽ ra một cảnh tượng nghĩa trang AVVH không khác gì thiên đường cho tất cả mọi người... khi chết. Nói như một khách hàng đang tìm “miền cực lạc” cho ông bố của mình, rằng khi xem cảnh thiên đường nghĩa trang AVVH, ai cũng muốn... chết!

Coi chừng… thảm hoạ cho người sống

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, một nghĩa trang sinh thái phải thật sự là thiên đường cho người chết, nhưng không phải là thảm họa cho người đang sống, khi các điều kiện về vệ sinh môi trường phải được bảo đảm. Với nghĩa trang AVVH, tại ĐTM của dự án do Cty phát triển công nghệ và môi trường Á Đông tư vấn, còn nhiều chi tiết chưa thỏa mãn thắc mắc của dư luận.

ĐTM của dự án thế hiện: Nghĩa trang AVVH rộng 112ha (công bố chính thức 116ha), hơn 224.400m2 đất nghĩa trang sẽ quy hoạch dành riêng cho chôn cất gần 100 ngàn ngôi mộ. Câu hỏi đặt ra, liệu với việc chôn cất mộ táng lớn như vậy,  có gây ra nước rỉ phát sinh từ quá trình phân hủy của các mộ táng, rồi thẩm thấu ra sông ĐN, khi mà ranh giới của nghĩa trang AVVH chỉ cách mực nước sông ĐN khoảng 100m?

Trong lúc đó, ngoài Nhà máy nước Thiện Tân cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tỉnh ĐN, còn có tới 3 nhà máy nước khác dưới hạ nguồn sông ĐN là BOT Bình An, Thủ Đức và BOO Thủ Đức, cũng sử dụng nguồn nước sông ĐN làm nước sinh hoạt, phục vụ cho khoảng 10 triệu dân TPHCM. Tổng lượng nước mà 3 nhà máy nước BOT Bình An, Thủ Đức và BOO Thủ Đức, hút từ sông ĐN về phục vụ sinh hoạt cho người dân TPHCM là 1,2 triệu mét khối/ngày đêm. Điều gì sẽ xảy ra, một khi nghĩa trang AVVH không bảo đảm được an toàn - vệ sinh môi trường và sự trong lành cho nguồn nước sông ĐN? Rõ ràng là một thảm họa.

Cam kết cho vấn đề này, tại ĐTM của dự án, chủ đầu tư nghĩa trang AVVH khẳng định: Các khu mộ chôn được xây kim tĩnh trước khi an táng, khu mộ thất được xây dựng bể bêtông cốt thép và kết cấu đáy xung quanh được lót toàn bộ lớp vải địa kỹ thuật chống thấm”. Vì vậy, tác động do nước rỉ từ các khu mộ đến chất lượng nước sông ĐN là “hoàn toàn không có”. Tuy nhiên, tại một chỗ khác, chủ đầu tư cũng dự báo: “Qua thời gian dài sẽ có nước rỉ phát sinh từ quá trình phân hủy của các ngôi mộ, nên có khả năng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến đời sống người dân...

Việc sử dụng bêtông xây mộ và lót lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, chủ đầu tư chỉ dám cam kết “ô nhiễm nguồn nước dưới đất từ các khu mộ được hạn chế đến mức tối đa...”. Như vậy, ngay trong ĐTM của dự án cũng có sự chưa thống nhất trong cam kết bảo đảm an toàn - vệ sinh cho môi trường và nguồn nước sông ĐN. Giữa đảm bảo “hoàn toàn không có” với “hạn chế đến mức tối đa” là rất khác nhau.

Theo TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng bộ môn Đô thị học Trường Đại học KHXH và NV TPHCM: Việc chôn gần 100.000 xác người, trên một diện tích đất nằm sát thượng nguồn sông ĐN là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nó ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng nguồn nước dùng cho sinh hoạt của hàng triệu người dân vùng kinh tế trọng điểm phía nam (nhất là TPHCM). Vậy mà khi lý giải làm cơ sở cho vấn đề này, ĐTM của dự án chỉ đề cập tới rất ít, chỉ một chút kỹ thuật như: “Đổ bêtông”, “vải địa kỹ thuật chống thấm”..., coi như xong.

Trong khi đó, hàng loạt câu hỏi đặt ra là vải địa kỹ thuật ấy chống thấm nước rỉ như thế nào? Quá trình phân hủy trong mộ sẽ được “kỹ thuật chôn” trên chống rỉ nước ra sao?... Hoàn toàn không được làm rõ trong ĐTM. Chính vì vậy, người ta có quyền nghi ngờ, lo lắng về sự không an toàn, nguy cơ gây rò rỉ từ nghĩa trang AVVH. Anh hùng Lao động - kỹ sư Trần Quốc Bửu - chuyên nghiên cứu về môi trường và tài nguyên nước - nêu quan điểm: “...Nghi ngờ khả năng nghĩa trang gây ô nhiễm nguồn nước sông ĐN là rất có thể xảy ra, một khi chủ đầu tư chưa giải thích thuyết phục vấn đề này. Tốt nhất, nên dời địa điểm xây dựng nghĩa trang AVVH ra xa nguồn nước sông ĐN, nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn nước cũng là bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho hàng triệu người dân đang sử dụng nguồn nước”.

Theo Cao Nguyễn Hoàng Hưng
Lao Động

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên