MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Nếu phá 3 cầu vượt, cần phá sao cho rẻ nhất

Đây có thể coi là một bài học, một mức học phí của việc quản lý của những người làm quy hoạch, những nhà hoạch định chiến lược giao thông, chiến lược phát triển đô thị.

Xung quanh thông tin để làm đường trên cao trên tuyến vành đai 2, Hà Nội có thể sẽ phải phá 3 cầu vượt. PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Xây dựng cho rằng, nếu phải phá, cần phải có biện pháp phá dỡ sao cho rẻ và tiết kiệm nhất.

PGS.TS Hùng cho rằng, thực chất việc xây dựng những cây cầu trên trước đây cũng chỉ là việc làm tạm thời trong giai đoạn trước mắt, còn đường giao thông hiện đại nhất thiết phải đầu tư vào kết cấu bê tông cốt thép với chi phí  khá đắt đỏ.
 
Đáng ra với những cây cầu thiết kế tạm thời và một chiều như vậy, để đỡ tốn kém, khi xây dựng nên làm bằng thép lắp ráp, sau đó nếu không thích hợp nữa, phải  tháo dỡ cũng đỡ tốn kém, công tháo dỡ cũng đỡ tốn hơn.
 
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sở dĩ có việc này là do từ trước đến nay, công tác quy hoạch của chúng ta chưa có tầm nhìn và không được đồng bộ. Chủ yếu vẫn làm theo kiểu giải pháp tình thế, nói cách khác là rách đâu vá đấy. Việc này cũng giống như việc lúc nào cần cái gì chúng ta  làm cái đó chứ chưa nghĩ làm cái gì đó lâu dài nên mới dẫn đến việc phải phá đi, như kiểu làm đường rồi lại đào đường làm nước, làm hộp kĩ thuật….

Theo ông Hùng, dù muốn hay không thì việc đó đã xảy ra rồi cho nên nếu muốn làm đường trên cao thì chắc chắn những cây cầu đó là vật cản trở cho nên buộc phải phá.
 
“Hàng nghìn tỷ đổ vào đó để xây dựng lên 3 cây cầu biết là đáng tiếc nhưng còn có nhiều thứ đáng tiếc hơn, và tiếc nhất là đã để việc đó không chỉ xảy ra với trường hợp này mà còn nhiều trường hợp khác. Tuy nhiên,  có lẽ cái quan trọng nhất bây giờ là làm sao để trong tương lai không lặp lại những chuyện như vậy nữa”, ông Hùng hy vọng.
 
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng, với các nước khác khi xây dựng các công trình trên cao, trong trường hợp vướng các nút khác khi xây dựng thì họ sẽ tạo ra các nút giao htoong nhiều tầng nhưng nước ta chỉ quen làm một tầng.
 
Các kiểu nút đó chỉ là biện pháp giao thông đơn giản và là giai đoạn trước mắt. Việc này ai cũng nghĩ ra nhưng ở thời điểm đó, nếu làm bằng bê tông cốt thép thì đầu tư cũng lớn, công cũng lớn nên hơi tốn kém.
 
Đây có thể coi là một bài học, một mức học phí của việc quản lý của những người làm quy hoạch, những nhà hoạch định chiến lược giao thông, chiến lược phát triển đô thị.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, để tránh lập lại chuyện này xảy ra trong tương lai, các nhà quản lý lên tận dụng tối đa đội ngũ chuyên gia, biết lắng nghe các chuyên gia, thậm chí phải đi thăm quan các nước để học hỏi, tiếp thu, áp dụng kinh  nghiệm của họ vào thực tiễn nước ta.
 
“Trước mắt nếu có phải phá bỏ 3 cây cầu trên để xây dựng đường trên cao, theo tôi Hà Nội cần tổ chức một cuộc hội thảo khoa học với các chuyên gia để bàn biện pháp tháo dỡ sao cho rẻ và tiết kiệm nhất, đỡ lãng phí tiền thuế dân đóng góp”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng mong muốn.

Theo Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô do Sở Giao thông vận tải từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao trên các tuyến đường vành đai 2; 3; 3,5 và một số trục đô thị chính.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án nghiên cứu về xây dựng các tuyến đường trên cao trình lãnh đạo thành phố xem xét phê duyệt.
 
Trước đó, như VnMedia đã đưa tin, tại hội thảo một số giải pháp xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam được tổ chức sáng 17/6 tại Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, trường Đại học Xây dựng cho biết, Hà Nội đang tính chuyện xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai 2. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề khó khăn là nếu xây dựng đường trên cao trên tuyến này thì sẽ giải quyết bài toán các cây cầu vượt như thế nào.
 
Theo ông Đạo, dọc tuyến hiện có 3 cầu vượt cho nên nếu xây dựng đường trên cao sẽ rất khó trong việc kết nối. “Nếu xây đường trên cao vượt qua các cây cầu vượt này thì chi phí sẽ rất tốn kém. Nối tiếp vào cũng không được. Hiện biện pháp được nhiều chuyên gia tính đến và được coi là tiết kiệm hơn cả là phá đi làm lại”, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo cho biết.

3 cây cầu vượt của Hà Nội: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch mới được xây dựng cách đây vài năm với nguồn kinh phí khoảng 5000 tỷ đồng.

Theo Xuân Tùng
VnMedia

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên