MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lilama thanh minh về lùm xùm dự án 52 Lĩnh Nam

'Không có chuyện chủ đầu tư bắt ép khách hàng phải chấp nhận diện tích thay đổi.

Khách hàng phải ký phụ lục hợp đồng thì phần tăng diện tích mới có hiệu lực, còn những phần khách hàng chưa ký thì ai thu được của người ta'.

Ông Phạm Duy Hải – Trưởng phòng Phát triển dự án đầu tư Lilama Hà Nội nói với phóng viên sau những lùm xùm liên quan đến dự án chung cư 52 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Trong đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng, nhiều khách hàng cho rằng công trình 52 Lĩnh Nam khi chưa được cấp phép nâng tầng, Lilama đã lừa bán cho khách hàng để chiếm dụng vốn của họ, ông giải thích thế nào về vấn đề này?

CTCP Lilama Hà Nội đã được UBND TP.Hà Nội cho phép Cty làm chủ đầu tư dự án 52 Lĩnh Nam (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) tại văn bản số 5629/UBND-KH&ĐT ngày 15.10.2007 và đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 21GP/SXD ngày 7.3.2011. Toàn bộ các công tác triển khai dự án và các thủ tục pháp lý, Lilama Hà Nội đều đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện dự án, VLXD sử dụng cho dự án biến động tăng giá rất lớn, đặc biệt thời gian cuối năm 2010, đầu năm 2011. Nhân công lao động cũng được nhà nước điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến các hạng mục thi công của dự án bị trượt giá. Chi phí cho dự án tăng vọt, kéo theo sự khó khăn về vốn. Để có phương án tháo gỡ, Cty đã nghiên cứu phương án nâng tầng 2 khối nhà cao tầng và mở rộng diện tích các căn hộ.

Đến thời điểm hiện tại, việc điều chỉnh thiết kế nâng tầng và mở rộng diện tích, tăng hiệu quả đối với dự án đã được UBND TP.Hà Nội chấp thuận, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Dự án cũng đã được cấp giấy phép quy hoạch, phê duyệt bản vẽ.

Ông nói sao về việc khách hàng cho rằng Lilama Hà Nội tự ý tăng diện tích căn hộ, rồi bắt ép khách hàng nộp tiền?

Trước hết, tôi xin nói là việc thay đổi diện tích căn hộ đã được thông báo tới khách hàng và bắt đầu tháng 3.2011, Cty đã tiến hành ký phụ lục với khách hàng. Còn diện tích căn hộ được tính dựa trên bản vẽ đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt. Khi diện tích căn hộ có sự thay đổi so với hợp đồng, Cty đã tiến hành đàm phán và ký phụ lục hợp đồng với các khách hàng theo diện tích đúng theo bản vẽ.

Lưu ý là 90% số khách hàng đã ký phụ lục hợp đồng về sự thay đổi này. Mặt khác, hiện tất cả các hợp đồng mua bán chung cư của các dự án đều ghi diện tích căn hộ sẽ thay đổi theo thực tế bàn giao. Khó có thể cam kết chính xác 100%. Trong trường hợp dự án chúng tôi, với 90% số khách hàng đã ký phụ lục hợp đồng thì không có gì để nói, còn với những khách hàng chưa ký, nếu diện tích căn hộ phát sinh lớn, điều kiện kinh tế không cho phép thì có thể gặp lãnh đạo Cty để đàm phán tìm ra giải pháp phù hợp.

Không có chuyện chủ đầu tư bắt ép khách hàng phải chấp nhận diện tích thay đổi. Khách hàng phải ký phụ lục hợp đồng thì phần tăng diện tích mới có hiệu lực, còn những phần khách hàng chưa ký thì ai thu được của người ta.

Vậy còn việc khách hàng tố Cty chậm tiến độ thì sao, thưa ông?


Cty không phủ nhận việc chậm tiến độ. Hiện nay, dự án đang thực hiện gói thầu xây dựng phần thô: Tòa 27 tầng đã xây đến tầng 21; Tòa 18 tầng xong tầng 18 (xong thô theo phương án chưa điều chỉnh); Nhà thấp tầng: 2 căn xây dựng thô đến tầng 3; 2 căn xây dựng thô tầng 1; các căn còn lại đã đóng xong cọc móng. Riêng hai tầng 4 và 5 của tòa 18 tầng, Cty đã hoàn thiện trước để sử dụng làm văn phòng làm việc. Dự kiến quý IV/2013 sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ dự án (tiến độ ban đầu là quý IV/2012). Các khó khăn về vốn thanh toán là yếu tố chính ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Như vậy, thời gian chậm tiến độ lên tới 1 năm, liệu phía Lilama Hà Nội có tính toán đến phương án đền bù thiệt hại cho khách hàng?

Cho đến thời điểm này, ban lãnh đạo vẫn đang bàn bạc về vấn đề này. Việc bồi thường chắc chắn sẽ có, nhưng cụ thể như thế nào thì chưa xác định được. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy đây là sự tự giác của doanh nghiệp, vì trong hợp đồng không có điều khoản phạt chủ đầu tư giao nhà chậm, nhưng đây là quyền lợi của NĐT nên họ có quyền đòi. Từ giờ đến 15.9 Cty sẽ chính thức đưa ra giải pháp để có tiếng nói chung. Nếu không phải là lãnh đạo cao nhất của Cty trả lời thì cũng là người được ủy quyền. Cty không hề né tránh.

Khách hàng cho rằng dự án chưa xây xong phần thô, chậm tiến độ mà chủ đầu tư đã huy động từ 70-95% tổng giá trị hợp đồng là vi phạm pháp luật, ý kiến của ông thế nào?


Theo nội dung hợp đồng mua bán đã được ký giữa Lilama Hà Nội với khách hàng thì khách hàng sẽ nộp số tiền bằng 55% giá trị hợp đồng ngay sau khi hai bên ký hợp đồng. Sau 3 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, khách hàng nộp tiếp cho Bên A số tiền bằng 15% giá trị hợp đồng đã ký trong vòng 7 ngày kể từ ngày Bên A thông báo nộp tiền đợt tiếp theo.


Do đó, đến thời điểm hiện tại, các hợp đồng bán nhà đã ký và khách hàng đã nộp được 70% giá trị hợp đồng là đúng theo điều khoản hợp đồng. Đến thời điểm tháng 11.2011, Cty chủ trương khuyến khích các khách hàng mua căn hộ chung cư nộp 25% giá trị hợp đồng và được hưởng triết khấu từ phía Cty (bằng tiền mặt).

Theo điều khoản hợp đồng thì số tiền này khách hàng sẽ đóng khi dự án được xây dựng xong phần thô, do đó việc đóng số tiền này hoàn toàn theo thỏa thuận tự nguyện giữa khách hàng với Cty, cộng với các ưu đãi triết khấu bằng tiền, khách hàng có thể đóng hoặc không dựa trên các tính toán lợi ích của khách hàng, Cty không bắt ép.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Anh
Lao Động

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên