Những dự án hoành tráng “chết lâm sàng” ở Đà Nẵng
Hàng loạt các dự án bất động sản được chủ đầu tư “vẽ” ra rất hoành tráng, tọa tại những vị trí “đắc địa” trên địa bàn TP Đà Nẵng đang “chết đứng”, gây nhiều bức xúc cho dư luận.
Theo giới phân tích, lý do dẫn đến tình trạng này là chủ đầu tư của những dự án khi bắt tay vào những dự án này thì người ta kỳ vọng một làn sóng di cư của những “đại gia” ở hai đầu đất nước cũng như Việt Kiều về “thành phố đáng sống” nhưng kỳ vọng này bị chặn lại bởi khủng hoảng kinh tế.
Đầu ra không có trong khi nếu phải thực hiện dự án thì phải tốn một khoản tiền rất lớn nên không ai dám thực hiện.
Chính điều này đã gây rất nhiều bức xúc cho nhân dân tại “Thành phố đáng sống” này.
Về phương án xử lý những dự án này, tại cuộc họp về thu - chi ngân sách năm 2016 ngày 26/2 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho biết: nếu lãnh đạo TP, sở, ban, ngành nào có mối nào giới thiệu bán giùm cho nhà đầu tư.
Có người có tiền nhưng họ không có đất để làm, trong khi đó, có nhà đầu tư lại có đất nhưng không làm hoặc không thể làm được vì nhiều dự án đã cầm cố thế chấp ngân hàng vay tiền, nay cho chuyển nhượng vừa giải quyết được nợ nần cho nhà đầu tư, vừa có tiền để thực hiện nghĩa vụ với thành phố.
Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nếu tìm được đối tác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại các khu “đất vàng” trên địa bàn thành phố.
“Đó là chưa kể nhà đầu tư triển khai thành phố có dự án đẹp không phải khoanh tôn năm này qua năm khác đỡ nhếch nhác, gây bức xúc cho nhân dân... Hơn nữa, khi chuyển nhượng dự án thì thành phố tiếp tục thu được tiền chuyển nhượng”, ông Anh nhấn mạnh.
Cùng mục sở thị những dự án ‘trùm mền’ nhiều năm liền.
Danang Center
Dự án Danang Center do Công ty CP Địa ốc Vũ Long Châu làm chủ đầu tư có diện tích gần 8.500 m2 với trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao 35 tầng và căn hộ cao cấp 27 tầng với tổng vốn cam kết 125 triệu USD (2.600 tỉ đồng). Dự kiến công trình trên sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011.
Tuy nhiên, cho đến nay đã 5 năm, trên mặt bằng khu đất vẫn hồ nước với cỏ lác mọc um tùm bên cạnh hành trăm chiếc cọc lởm chởm, hoen rỉ cùng một số thiết bị, vật tư hư hỏng, chỉ còn giá trị... sắt vụn.
Golden Square
Dự án Golden Square của Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á. Đây cũng là một trong những khu đất hiếm hoi của TP Đà Nẵng có diện tích lớn (10.664 m2) và có đến 4 mặt tiền là các đường Phạm Hồng Thái, Yên Bái, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Chí Thanh.
Theo thông tin mà chủ đầu tư đưa ra, dự án này sẽ gồm 3 tòa tháp cao 21-36 tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và chung cư cao cấp với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỉ đồng. Dự án khởi công vào tháng 1/2008 nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ mới chỉ hoàn thành khu nhà mẫu cùng 2 tầng của khu toà tháp và vô số trụ móng rỉ sắt.
Viễn Đông Meridian Tower
Dự án Viễn Đông Meridian Tower 48 tầng, có tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD do Công ty CP Địa ốc Viễn Đông tại khu đất số 84 Hùng Vương. Với tầm nhìn trở thành tòa tháp đôi cao nhất miền Trung, dự án được UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 6/5/2008 và Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp giấy phép xây dựng vào ngày 23/5/2008.
Thế nhưng, sau lễ khởi công hoành tráng, khu đất “vàng” này vẫn tiếp tục bị bỏ hoang cho cỏ mọc bất chấp UBND TP Đà Nẵng nhiều lần gửi văn bản giục chủ đầu tư đẩy nhân tiến độ thi công, thậm chí là dọa thu hồi nhưng tình trạng đâu lại vào đấy.
Harbour Ville Riverside Đà Nẵng
Dự án Harbour Ville Riverside Đà Nẵng có tổng diện tích 13,6 ha trong đó 11,1 ha dành cho xây dựng công trình ; 2,5 ha đất dành cho cây xanh và hạ tầng giao thông.
Theo thiết kế, dự án bao gồm: 360 nền biệt thự ( 320 nền diện tích 180m2; 12 nền diện tích 220m2 và 28 nền diện tích 300m2 cùng với các trung tâm thương mại – dịch vụ được xây dựng dọc hai bên trục đường 82m) là khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng nằm ở vị trí lý tưởng, phong thuỷ tuyệt vời, nơi hội tụ hài hoà của 3 yếu tố phong cảnh sông, núi và biển.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (ngày 3/3/2016), dự án vẫn là khu đất hoang vắng, cỏ mọc um tùm. Ở các điểm đã san lấp mặt bằng, chủ đầu tư có làm bó vỉa một số đoạn nhưng chưa lát vỉa hè. Còn các tuyến đường thì chỉ rải được một ít đá dăm. Hệ thống cống thoát nước còn dang dở, điện chiếu sáng chưa có.
Trước đó, vào năm 2014, nhiều hộ dân đã khiếu nại chủ đủ tư vì đã đầu tư tiền tỉ vào dự án nhưng chủ đầu tư cứ hứa hẹn suốt hơn ba năm vẫn chưa giao đất.
Khu du lịch Bãi Bụt
Ngay trước cổng chùa Linh Ứng nhìn ra phía biển là dự án Khu du lịch Bãi Bụt đã hơn 10 năm nay án binh bất động. Ngày khởi công cách đây hơn 10 năm, chủ đầu tư là Công ty Hải Duy (TP.HCM) đã từng tuyên bố trong thời gian ngắn sẽ biến nơi đây thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế với nguồn vốn đầu tư hàng trăm triệu USD nhưng hiện tại thiên đường nghỉ dưỡng Bãi Bụt chỉ là hàng rào kiên cố bao quanh và cỏ mọc um tùm.
UBND TP.Đà Nẵng đã 2 lần “dọa” thu hồi dự án, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy.
Tổ hợp Ánh Dương
Tổ hợp Ánh Dương tọa lạc tại khu đất có vị trí đắc địa bên bờ biển Đà Nẵng. trước đóm dự án này do Tập đoàn Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD Holdings) – nay là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư với quy mô 1 tòa căn hộ - khách sạn 58 tầng và 3 tòa căn hộ cao 47 tầng với tổng số 1.000 căn hộ. Dự án dự kiến khởi công vào quý III/2011 tuy nhiên đến thời điểm này vẫn là một bãi đất trống.
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng An Thịnh Việt Nam đã gây xôn xao thị trường bất động sản khi tuyên bố kế hoạch đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp căn hộ - khách sạn Ánh Dương - Soleil tại khu đất này