MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sân golf trong sân bay: Bình thường và bất thường

Sở dĩ dư luận ở ngành HKVN xôn xao về thông tin làm sân golf ở khu vực sân bay TSN, Gia Lâm là bởi sự bất thường của các dự án này.

Vừa qua, dư luận trong ngành HKVN xôn xao khi nghe tin một sân golf cùng các công trình như khu căn hộ, biệt thự,…với diện tích 157 ha đang được xúc tiến tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất(TSN), sân golf 117 ha ở sân bay Gia Lâm. Không ít cuộc bàn cãi nẩy lửa nổ ra giữa hai “phe” ủng hộ và phản đối.

Bình thường

Việc trên thế giới có những sân golf bên cạnh sân bay là bình thường mặc dù khá hiếm. Ai đã qua sân bay Donmuang ở thủ đô Bangkok của Thái Lan cách nay cỡ dăm, bảy năm nếu để ý khi máy bay sắp hạ hoặc mới cất cánh sẽ thấy một sân gold nhỏ với những người lố nhố đang chơi ở bên dưới. Theo một số cán bộ ngành HKVN đã đi rất nhiều sân bay trên thế giới thì số sân golf bên cạnh sân bay mà họ thấy chưa đủ đếm trên đầu ngón tay.

Ở các sân bay bao giờ cũng có quỹ đất trống rất lớn tạo không gian an toàn cho sân bay ở trên không và mặt đất nhưng người ta ít khi làm sân golf ở đây do chơi golf là thứ thể thao, giải trí sinh thái cần tĩnh tại trong khi sân bay thường có nhiều tiếng ồn, khí thải độc hại. Ngoài ra, khu dân cư, biệt thự...ở sát sân bay cũng gây khó cho việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động bay. Ngược lại, những khu nhà ở liền sân bay dứt khoát hệ số an toàn thấp hơn những khu nhà khác vì tai nạn máy bay diễn ra chủ yếu khi hạ cánh... Chính vì những lý do này nên một số sân golf nằm sát sân bay trên thế giới thường là các sân bay hẻo lánh nằm xa thành phố. Ở những sân bay này thường có khách sạn quá cảnh, sân golf, một số cơ sở giải trí…chủ yếu phục vụ cho khách đi máy bay xả stress, giết thời gian chờ các chuyến Transit.

Bất thường

Sở dĩ dư luận ở ngành HKVN xôn xao về thông tin làm sân golf ở khu vực sân bay TSN, Gia Lâm là bởi sự bất thường của các dự án này.

Sân bay TSN xưa nay vẫn là sân bay hỗn hợp dân sự và quân sự. Từ năm 1975 đến nay cường độ hoạt động của máy bay quân sự và dân dụng ở TSN diễn ra một cách trái ngược. Trong khi hoạt động hàng không thương mại tăng lên từng ngày thì hoạt động của máy bay quân sự ngày càng giảm trong khi quỹ đất nhàn rỗi ở đây vẫn thế. Điều đó là đúng quy luật của đất nước đã qua chiến tranh bước vào phát triển kinh tế. Có thể nói, sự nhộn nhịp hàng không thương mại ở TSN là một trong các nhân tố quyết định sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh cũng như cả nước.

Nhưng, hiện nay hệ thống nhà ga hành khách của TSN tạm đáp ứng nhu cầu phát triển đến năm 2020 (nhà ga nội địa công suất 7 triệu khách/năm, nhà ga quốc tế 10 triệu khách/năm) nhưng riêng khu vực sân đỗ máy bay, ô tô, khách chờ…thì quá tải. Hiện nay chỉ với 31 điểm đỗ máy bay dành cho hơn 40 hãng HK hoạt động, riêng hãng HK quốc gia VN đến 2020 sẽ có 150 máy bay. Lâu nay tình trạng máy bay phải bay vòng trên không để chờ chỗ đỗ diễn ra thường xuyên. Nhiều khi TSN phải thuê sân đỗ quân sự, cho máy bay đỗ tạm trên đường lăn... Đặc biệt, những khi có máy bay chuyên cơ yêu cầu của khách hàng phải để xa nơi máy bay thương mại hoạt động là bài toán không thể “giải” nổi. Riêng sân đỗ ô tô, khu chờ cho khách đưa tiễn…càng thiếu. Cảnh những hàng ô tô, xe máy đỗ dài ra hết cả đường Trường Sơn, khách đứng tràn cả ra tuyến xe taxi ra, vào…diễn ra hàng ngày.

Trước tình trạng này, sân bay TSN đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng điều đình để được sử dụng quỹ đất đang nhàn rỗi bên quân sự mở rộng cửa khẩu tối quan trọng cho TP. Hồ Chí Minh nhưng không có kết quả. Hiện tại, TSN cần ít nhất khoảng 30 chỗ đỗ nữa mới tạm đồng bộ với các hạ tầng khác để đáp ứng đủ nhu cầu khai thác.

Mặc dù dự án sân bay Long Thành đã được khởi động nhưng ai dám khẳng định đến năm 2020 thì dự án này hoàn tất sẽ “gánh” bớt được sức ép cho TSN đang quá tải từng ngày trong khi quy hoạch sân bay này vừa được phê duyệt và các công trình lớn ở VN thường trễ so với kế hoạch? Nay người ta dành ra cả 157 ha của TSN làm chỗ ăn chơi, cư trú…ở sân bay nhộn nhịp nhất VN đã và đang quá tải mặt bằng là điều rất khó hiểu.

Đặc biệt, trong công văn gửi các bộ liên quan và TP. Hồ Chí Minh, cơ quan thẩm quyền lưu ý “trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng thì chủ đầu tư dự án phải trả lại đất mà không được yêu cầu bồi hoàn”. Đây là một vấn đề cần phải nghiêm túc xem xét lại. Tại sao không biến 157 ha đất kia trở thành hạ tầng cho máy bay dân dụng đang quá thiếu để khi cần máy bay quân sự cứ thế sử dụng thì lợi cho xã hội biết bao nhiêu. Ngược lại làm sân gold chỉ chủ yếu có lợi cho “nhóm lợi ích” để đến khi đất nước có nhu cầu khẩn cấp mới đi làm hạ tầng sân bay từ nơi ngổn ngang sân golf, nhà cửa là thất sách, rất mất cảnh giác.

Đồng thời với dự án sân golf ở TSN, hiện tại doanh nghiệp trên cũng đang hối hả thi công sân golf ở sân bay Gia Lâm với vốn đầu tư 200 triệu USD. Sân golf này rộng 117 ha, trong đó sử dụng đất quốc phòng 75 ha, đất lúa hai vụ 40 ha của các phường Phúc Đồng, Gia Thụy, Long Biên. Đây là sự vi phạm quyết định số 1946/2009 của Thủ tướng chính phủ: “Các dự án sân golf không được sử dụng đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp…” và “Địa điểm quy hoạch sân golf chủ yếu ở vùng trung du, miền núi…”.Sân bay Gia Lâm nằm trong quy hoạch mạng sân bay VN đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2050 đã có kế hoach khai thác từ năm 2010 nhưng gặp nhiều trở ngại(?). Hiện nay sân bay này bị hai sân golf ở phía Bắc và phía Nam, các dãy nhà, ép sát lề bảo hiểm đường băng, đường lăn.

Trên thế giới các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường phải có ít nhất từ 2-3 sân bay với một quỹ đất rất lớn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố hàng trăm năm. Sân bay Charles De Gaulle ở Paris được khai thác từ 1974 nay thành “đô thị hàng không” khổng lồ với diện tích 3.254 ha (bằng 1/3 nội thành Paris) là khu kinh tế hỗn hợp cực kỳ quan trọng của nước Pháp. Trong khi đó ở VN ta, sân bay TSN, Gia Lâm và một số sân bay khác…thì lại cứ bị thu hẹp dần cả ở trên không và mặt đất.

Theo Nguyễn Đình Ấm
Công Luận

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên