MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ mặt cầu Thăng Long hỏng nặng: Kiểm điểm các lãnh đạo liên quan

Bộ GTVT đang xem xét kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT vì mặt cầu Thăng Long được đầu tư hơn 90 tỉ đồng vẫn tiếp tục hư hỏng.

Cuối năm 2009, mặt cầu Thăng Long được bóc bỏ để phủ lên đó một lớp bê tông nhựa SMA hiện đại. Nhưng từ đó đến nay, mặt cầu liên tục lún, nứt khiến lãnh đạo Bộ GTVT phải thừa nhận rằng “chưa tìm ra giải pháp sửa chữa hữu hiệu”.

Đổ lỗi cho… thời tiết!

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 2 (PMU2) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân (nhà thầu) đã nỗ lực sửa chữa nhưng do thời tiết không thuận lợi nên công tác sửa chữa chưa đáp ứng tiến độ.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết thời gian tới, nhà thầu Bảo Quân sẽ cào bóc các lớp hư hỏng trên mặt cầu theo thiết kế, bàn giao mặt bằng sạch cho một đơn vị hiểu về công nghệ bê tông SMA thi công. Viện Khoa học và Công nghệ GTVT sẽ hướng dẫn, giám sát kỹ thuật và tiến hành các thí nghiệm để bảo đảm chất lượng của công tác sửa chữa. Tuy nhiên, việc bảo đảm chất lượng về lâu dài gặp rất nhiều khó khăn khi cầu Thăng Long vốn có bản thép đã xuống cấp sau 27 năm khai thác. Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vụ Khoa học - Công nghệ chỉ đạo các đơn vị liên quan theo hướng thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, đặc biệt là có kinh nghiệm sửa chữa các công trình mặt cầu bản thép cũ tương tự cầu Thăng Long, để đánh giá tổng thể và đưa ra giải pháp khắc phục triệt để các hư hỏng lớp phủ mặt cầu, bảo đảm độ ổn định lâu dài.

Tiếp tục nứt, rung lắc

Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết trước mắt, sẽ tập trung việc sửa chữa mặt cầu, sau đó mới xét đến việc xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ trực tiếp xem xét trách nhiệm của lãnh đạo PMU2, còn lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ GTVT sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Bộ GTVT.

Trả lời câu hỏi về việc công trình đã hết thời gian bảo hành thì đơn vị nào sẽ chi tiền để tiếp tục sửa chữa trong thời gian tới, ông Thắng cho biết việc này vẫn đang được xem xét, bàn bạc. Tuy nhiên trước mắt, nhà thầu Bảo Quân vẫn phải tiếp tục thực hiện một số công việc như Bộ GTVT chỉ đạo.
Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, thời gian gần đây, cầu Thăng Long có rất nhiều dấu hiệu lạ. Nhiều người thường xuyên lưu thông qua cầu cho biết cây cầu bị rung lắc mỗi khi ô tô chạy qua. Dòng xe càng đông thì độ rung lắc càng lớn. Đơn vị quản lý cầu - Công ty Quản lý Đường sắt Hà Thái - cũng đã tiến hành đo kiểm tra độ võng, mức độ dao động của các liên nhịp giàn thép và phát hiện riêng liên nhịp 5 (gồm các nhịp 13, 14, 15) đang có hiện tượng rung lắc mạnh nhất.

Theo PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội, việc rung lắc xuất phát từ những hư hỏng, xô lệch của lớp bê tông nhựa trên mặt cầu. Hơn nữa, lớp nhựa SMA không bám chắc vào mặt bản thép của cầu nên không tăng được độ chắc chắn, làm độ rung lắc không  giảm đi. Việc mặt cầu bị lún, nứt khiến nước mưa lọt qua lớp bê tông và thấm xuống dưới phá hỏng các liên kết cũng như bản thép của cầu. Điều này cũng khiến khả năng chịu lực của các nhịp bị ảnh hưởng. Theo một chuyên gia cầu đường, nếu kéo dài tình trạng này, cầu sẽ bị võng xuống và mức độ hư hỏng sẽ tăng lên nhiều lần. Khi ấy, chi phí thực để sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số trên 90 tỉ đồng mà Bộ GTVT đã từng bỏ ra và việc chỉ kiểm điểm lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, PMU2 là chưa thỏa đáng.

Cẩn thận với chỉ định thầu

Ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long tốn kém 90 tỉ đồng nhưng Bộ GTVT lại chỉ định nhà thầu thi công, áp dụng công nghệ quá mới trong thi công sửa chữa cầu ở Việt Nam là một bài học đau xót.

Từ vụ việc này, ông Cận cho rằng Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội cần thận trọng trong việc nghiên cứu bán chỉ định “khu đất vàng” trụ sở Bộ GTVT (số 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội). “Hàng loạt vụ việc những năm qua cho thấy việc chỉ định thầu tiềm tàng nhiều điều không minh bạch, có thể xảy ra tham nhũng và cơ chế chạy chọt, xin - cho nên phải rất cẩn thận với nó” - ông Cận nói.

 

Theo Thế Kha
NLĐ

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên