MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình cảnh người da đen ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào mùa dịch Covid-19

03-05-2020 - 15:33 PM | Tài chính quốc tế

Cộng đồng người da đen sinh sống ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã gặp nhiều căng thẳng khi các biện pháp chống Covid-19 được áp dụng tại đây.

Lần đầu tiên trong 16 năm sống ở Trung Quốc, anh William Akuma được yêu cầu (vào tháng 4 này) phải rời khỏi ngôi nhà của mình (trong giai đoạn dịch Covid-19 ). Akuma, Chủ tịch Cộng đồng Cameroon ở Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết: “Họ tới nhà tôi và nói rằng mọi người da đen đều cần phải được cách ly. Nhưng mà tôi đã ở bên trong Trung Quốc từ khi dịch nổ ra, vậy thì tại sao tôi lại phải cách ly. Thế là tôi từ chối làm theo ý họ”.

Tình cảnh người da đen ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Những người châu Phi sinh sống ở Trung Quốc. Ảnh: EPA.


Bị ép cách ly và đưa ra khỏi nhà dù đã ở Trung Quốc từ đầu dịch?

Akuma có thái độ phản đối việc cách ly ép buộc vào đầu tháng 4/2020 khi mà giới chức địa phương của thành phố Quảng Châu quan ngại trước tin tức có 111 ca Covid-19 nhập cảnh, trong đó có ít nhất 16 người đến từ châu Phi.

Giới chức Trung Quốc khi ấy áp dụng cách ly diện rộng và các biện pháp theo dõi đối với người đến từ “các nước nguy cơ cao”, yêu cầu mọi người đến từ các nước châu Phi phải cách ly trong 14 ngày kể từ ngày 9/4.

Khi xuất hiện các quy định này, đã có tin tức nói về việc một số người châu Phi bị ép phải cách ly dù cho họ không có mối liên hệ nào với các trường hợp nhập cảnh.

Một nhà hàng McDonald ở Quảng Châu đã gây bão dư luận sau khi treo một tấm biển nói rằng họ sẽ không phục vụ người châu Phi.

Các tin tức nói trên cũng như điều bất định mà Akuma và những người như anh trải qua cho thấy các mức độ áp lực khác nhau mà người châu Phi phải đối mặt ở Quảng Châu trong quá trình cộng đồng này mở rộng thêm trong vài thập kỷ qua.

Cộng đồng người châu Phi

Gordon Mathews – một giáo sư nhân chủng học tại Đại học Hong Kong của Trung Quốc, cho biết cộng đồng người châu Phi ở đây bắt đầu hình thành ở thành phố Quảng Châu vào thập niên 1990 khi tỉnh Quảng Đông giành được danh hiệu “công xưởng thế giới”.

Giáo sư Mathews cho hay hầu hết người ta đi đi về về giữa Quảng Châu và châu Phi để làm ăn nhưng cũng có những người châu Phi đã định cư ở Quảng Châu và kết hôn với người địa phương – cộng đồng châu Phi cứ thế phát triển.

Akuma đến Trung Quốc hồi năm 2004 với tư cách là du khách, rồi ở lại để dạy tiếng Anh, sau đó chuyển sang kinh doanh, mua đồ điện tử ở Quảng Châu và “ship” hàng về quê hương Cameroon để bán.

Theo thời gian, Akuma tập trung vào buôn bán thiết bị y tế. Hoạt động kinh doanh của anh bao gồm cả quan hệ với các đối tác ở Hàn Quốc, Mỹ, và châu Âu nhưng hiện nay anh đang chuyển hướng sang địa bàn châu Phi.

Akuma chia sẻ: “Nếu nói đến thương mại quốc tế thì Quảng Châu là nơi tốt nhất để kinh doanh. Đây là 'cái rốn' thương mại của Trung Quốc”.

Akuma đã xây nhà ở Trung Quốc, cưới một phụ nữ người tỉnh Quế Châu (miền nam Trung Quốc) và là một thành viên trong số 16.000 người châu Phi ở Quảng Châu – họ chủ yếu đến từ Nigeria và Ai Cập.

Khi cộng đồng này phát triển lên thì quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi càng thêm mặn mà. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào Lục địa Đen, giao lưu với nhiều quốc gia, bao gồm Kenya, Nigeria, Ai Cập, và Ethiopia trong sáng kiến Vành đai và Con đường, và gửi các đội y tế cùng vật tư ngành này tới châu Phi để giúp họ chống lại đại dịch Covid-19.

Tình cảnh người da đen ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Một phụ nữ châu Phi sống ở Quảng Châu, Trung Quốc trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: EPA.


Quan hệ mặn mà nhưng vẫn có xung đột

Mặc dầu Bắc Kinh luôn nhấn mạnh cam kết của mình đối với  các đồng minh châu Phi, giới chức địa phương lúc nào cũng quan tâm đến chuyện quản lý cộng đồng châu Phi sống ở Quảng Châu. Các cư dân người châu Phi đã bắt đầu cảm nhận được tác động từ chính sách thắt chặt.

Một điểm gây xung đột giữa đôi bên là việc có tương đối nhiều người châu Phi ở quá hạn, tức là visa (thị thực) của họ đã hết hạn và họ tiếp tục ở lại một cách bất hợp pháp, theo Mathews.

“Lý do của việc ở lại quá hạn này cũng dễ hiểu thôi. Tôi biết trong số người Nigeria, chi phí để gia hạn visa là quá cao so với khả năng của họ”.

Ngoài ra khi những người châu Phi này đã tham gia hoạt động buôn bán thì họ sẽ có thêm động cơ để cố ở lại.

Maximus Ogbonna, Chủ tịch của Hiệp hội Cộng đồng Nigeria ở Trung Quốc, cho biết một số người đã bị từ chối gia hạn visa dù cho họ không có tiền án tiền sự gì. Chỉ có thể gia hạn qua một bên trung gian, với chi phí lên tới ít nhất 20.000 nhân dân tệ, tương đương 2.800 USD.

Giới chức địa phương đều đặn thực hiện việc kiểm tra các thành viên trong cộng đồng châu Phi này, thường xuyên gõ cửa để kiểm tra tình trạng visa của họ.

Ogbonna cho biết thêm người châu Phi cũng ngày càng khó tìm căn hộ, do nhiều chủ đất từ chối chấp nhận cho họ thuê.

Mathews cho biết, đây là cách để giữ cho cộng đồng châu Phi ở trong vòng trật tự. Năm 2013 đã có một đợt trấn áp tội phạm ma túy và cảnh sát khi đó xuất hiện ở khắp nơi, thường xuyên kiểm tra giấy tờ cá nhân của người châu Phi.

Thái độ kỳ thị với người Phi

Khi có phản ứng mạnh từ các nước châu Phi về các biện pháp cách ly diện rộng, giới chức Quảng Châu đã nới lỏng các hạn chế đó. Một số người không phải cách ly nữa.

Tuy nhiên những tác động về tâm lý vẫn còn đó. Nhiều siêu thị và nhà hàng ở khu vực này đã không cho người da đen vào trong.

Bản thân Ogbonna cũng bị phân biệt đối xử. Gần đây ông và gia đình định đi ăn tiệm nhưng đã không được vào quán, bất chấp việc ông đã trưng ra các tài liệu khẳng định ông âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Ogbonna chỉ được vào sau khi gia đình mất nhiều thời gian van nài.

Một quan chức giấu tên ở tỉnh Quảng Châu cho hay, giới chức ở đây muốn loại bỏ tình trạng lừa đảo, buôn ma túy, và các hoạt động tội phạm khác khỏi thành phố này. Theo phía Trung Quốc, một số người châu Phi nhập cư có vấn đề về pháp lý, khiến việc quản lý cộng đồng này khó khăn hơn.

Vẫn muốn gắn bó với Quảng Châu

Tuy nhiên, đối với nhiều cư dân châu Phi, Quảng Châu vẫn là nơi họ muốn sống.

Alain Daniel Yando, một doanh nhân Cameroon đã sống ở Quảng Châu được hơn 10 năm, cho biết anh có mối quan hệ thân thiện với người Trung Quốc và những người mang các quốc tịch khác. Anh gọi Quảng Châu là “nồi lẩu thập cẩm pha trộn các dân tộc và các văn hóa”.

Yando nói: “Ở Quảng Châu này, bạn có thể kiếm được các sản phẩm của châu Phi, châu Âu, và châu Á mà chẳng cần phải đi tới tận những nơi đó. Đối với tôi, Quảng Châu là một “cửa hàng một điểm đến” vì nơi đây rất to lớn và đa dạng giàu có về xã hội”.

Rốt cuộc William Akuma không bị ép phải đi cách ly tại một khách sạn nào đó nhưng anh vẫn cảm thấy phiền lòng về cách xử lý vấn đề virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 tại đây.

Akuma bi quan: “Virus gây ra nhiều sự tàn phá. Tôi e rằng nó có thể phá hủy mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi”.

Akuma bày tỏ: “Các lãnh đạo trong cộng đồng nên ngồi lại với nhau và đối thoại”./.

Theo Trung Hiếu

VOV

Trở lên trên