MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình cờ phát hiện tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Thái Hương cùng yêu thích một cuốn tiểu thuyết, người trẻ muốn thành công như họ đều nên đọc

03-08-2020 - 11:27 AM | Doanh nghiệp

Hai vị doanh nhân lớn này có cùng quan điểm sống "không thể sống một cuộc đời phí hoài được". Họ là những người thuộc thế hệ 5X, 6X và tiếp xúc nhiều với văn hóa Liên bang Nga.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được xem là tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7 tháng 3 năm 2011 với giá trị tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1 tỷ USD tại thời điểm đó.

Vị tỷ phú này được tạp chí Forbes nêu tên lần đầu vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD, 2,1 tỷ năm 2016. Ông cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013. Năm 2020, Phạm Nhật Vượng là một trong 4 doanh nhân được tạp chí Forbes bình chọn. Với tổng tài sản 5,6 tỷ USD tính đến tháng 4/2020, chủ tịch Vingroup đứng 286 trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes, thấp hơn 47 bậc so với năm 2019.

Tuy vậy ông hiếm khi xuất hiện trên truyền thông hay trả lời phỏng vấn. Năm 2018, Chủ tịch Vingroup có những chia sẻ thú vị với báo Thanh niên về quan điểm kinh doanh cũng như cuộc sống. Khi được hỏi vì sao là tỷ phú đô la nhưng ông lại tính toán từ chuyện mua máy bay riêng hay tự thưởng quà cho mình, vị tỷ phú này trả lời:

Sao lại không tính toán? Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Giả sử mua máy bay thì tôi sẽ mua máy bay để cho thuê, lâu lâu đi một chuyến. Nó phải trở thành dịch vụ chứ mình không thể lãng phí mua rồi bỏ đó.

Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được.

Tình cờ phát hiện tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Thái Hương cùng yêu thích một cuốn tiểu thuyết, người trẻ muốn thành công như họ đều nên đọc - Ảnh 1.

Thật tình cờ, quan điểm không thể sống một cuộc đời phí hoài cũng từng được chủ tịch tập đoàn TH, Thái Hương chia sẻ tương tự trong ấn phẩm đặc biệt của Forbes nhân dịp kỷ niệm 100 năm phát hành.Trong ấn phẩm này có những chia sẻ từ những doanh nhân đang dẫn dắt các công ty năng động nhất trong nền kinh tế Việt Nam, từ ghi chép trực tiếp của các phóng viên cũng như từ diễn đàn Kinh doanh thường niên.

Bà Thái Hương chia sẻ:

Bài học lớn nhất… là sự tử tế. Bất kỳ làm việc gì có sự tử tế đặt lên hang đầu thì mọi vấn đề đều tốt đẹp. Tôi quyết tâm làm người nội trợ tử tế.

Tôi được truyền cảm hứng từ cuốn Thép đã tôi thế đấy, trong đó nhân vật Pavel Korchagin đã nói: "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…"

Cũng không quá ngạc nhiên khi hai doanh nhân lớn này có cùng quan điểm sống. Họ là những doanh nhân thuộc thế hệ 5X, 6X và tiếp xúc nhiều với văn hóa Liên bang Nga.

Thép đã tôi thế đấy! là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky. Cuốn tiểu thuyết này đã một thời được coi là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên Việt Nam.

Pavel Korchagin là nhân vật chính của tác phẩm. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật này (chính là hóa thân của tác giả), khiến cho nhiều độc giả yêu quý nhân vật Pavel và phương châm sống của Pavel cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người....

Ngày nay, khi đọc tác phẩm theo quan điểm rộng hơn, nhiều người cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại còn là cuộc đấu tranh với bóc lột, đói nghèo và bệnh tật, với dốt nát và vô chính phủ, với áp bức và bất công, với chiến tranh và xung đột... Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước.

Theo Thảo Nguyên

Nhịp sống Kinh tế

Trở lên trên