MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm: Ổn định, đầu tư là điểm sáng

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 2/2024 và 2 tháng đầu năm với nhiều thông tin đáng chú ý: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 2 tháng tăng gần 6%.


Hai tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63 nghìn. Cùng kỳ, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng hơn 2%; vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm qua . Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng gần 19%. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức tăng 2,84%. Chi tiết hơn, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê:

PV: Thưa bà, qua phân tích số liệu, Tổng cục thống kê nhìn nhận đâu là những điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh tế 2 tháng đầu năm?

Bà Đỗ Thị Ngọc: Trong bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm có một số điểm sáng tích cực. Thứ nhất, lĩnh vực nông nghiệp thì chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm vẫn phát triển rất là tốt, thị trường tiêu thụ ổn định. Gạo, rau, củ, quả, nuôi trồng tăng khá so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp thì chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 5,7 % so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 5,9 %; một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 cũng tăng cao. Lĩnh vực dịch vụ cũng diễn ra khá sôi động, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 113,9 tỷ USD và tăng 18,6 % so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá cao và cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu là 4,72 tỷ USD.

Trong lĩnh vực dịch vụ khách quốc tế cũng tăng rất cao nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi và các chương trình kích cầu du lịch cũng như từ sự nỗ lực của chính quyền người dân - đạt hơn 3.000.000 lượt người tăng 68,7 %. Về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 2,1 % và đạt 8,4% so với kế hoạch năm; còn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện tại Việt Nam trong 2 tháng cũng đã đạt là 2,8 tỷ USD và tăng 9,8 % so cùng kỳ. Mức tăng này cũng là cao nhất trong hai tháng đầu năm 5 năm gần đây.

Tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm: Ổn định, đầu tư là điểm sáng- Ảnh 1.

Bên cạnh điểm sáng cũng có một số hạn chế tồn tại. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, diện tích gieo trồng, rau màu vụ đông xuân lại giảm do thời tiết lạnh kéo dài, rồi gieo trồng, giá phân bón và nguyên liệu vẫn ở mức cao. Sản xuất công nghiệp thì chỉ số sản xuất sản phẩm máy tính quang học chưa tăng cao do thị trường thế giới cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Thách thức đối với xuất nhập khẩu thì chúng ta cũng cần phải nhìn nhận đó là căng thẳng ở Biển Đỏ đã làm gia tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và các khu vực châu Âu. Tình hình đăng ký doanh nghiệp thì trong 2 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là cao hơn doanh nghiệp gia nhập thị trường. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63.000 doanh nghiệp. Trong khi đó thì chỉ có 41.100 doanh nghiệp gia nhập thị trường.

PV: Trong đó, chỉ số nào chỉ báo nếu tiếp đà phát triển có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt nhất thời gian tới, thưa bà ?

Bà Đỗ Thị Ngọc: Lĩnh vực công nghiệp có những bước tăng trưởng trở lại và đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ. Nó cũng thể hiện đó là nhu cầu thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi. Đây là một động lực. Chúng ta cũng nhìn thấy ngay những tháng đầu năm thì các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng khu vực sản xuất cũng tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu nên chỉ số IIp 2 tháng đầu năm tăng 5,7 %.

Tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm: Ổn định, đầu tư là điểm sáng- Ảnh 2.

Chỉ số khác có thể cũng kiểm tra chéo đó là chỉ số PMI tháng 1/2004 cũng tăng lên mức 50,3 % trong đó thì số lượng đơn hàng xuất khẩu mới cũng tăng lên lần đầu tiên kể từ tháng 10/2013. Khi xuất khẩu tăng cao thì hàng hóa Việt Nam được khơi thông tạo đà cho sản xuất trong nước phát triển và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của cả 3 khu vực kinh tế là nông-lâm-thủy sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ và đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

PV: Từ thực tế đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị những giải pháp nào cho kinh tế thời gian tới – vì mục tiêu tăng trưởng cả năm?

Bà Đỗ Thị Ngọc: Thứ nhất vẫn phải tiếp tục điều hành các chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tức là tạo môi trường vĩ mô ổn định, khuyến khích đầu tư.

Thứ hai là khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí đơn giản hóa các thủ tục cho vay cũng như phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa thì tiếp tục phát huy và hỗ trợ cho doanh nghiệp người dân. Với chính sách tiền tệ thì cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi.

Tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm: Ổn định, đầu tư là điểm sáng- Ảnh 3.

Tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm: Ổn định, đầu tư là điểm sáng- Ảnh 4.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó thì đẩy mạnh tiến độ đầu tư công. Tận dụng tốt các Hiệp định thương mại đã ký kết, đàm phán ký kết thêm các hiệp định mới; thúc đẩy quảng bá các sản phẩm và hình ảnh của Việt Nam ra thị trường thế giới; cùng với đó, thị trường trong nước cũng cần phải đẩy mạnh - đẩy mạnh sản xuất trong nước.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Thu Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên