Tính toán của Amazon tại thị trường Việt
Amazon Web Service mỏ vàng của Amazon
Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Việt như Viettel, FPT, CMS, v.v. sẽ phải chuẩn bị đối đầu trực tiếp với một đối thủ rất đáng gờm.
Amazon vừa công bố sẽ xây 10 trung tâm dữ liệu cho dịch vụ Amazon Web Service (AWS) tại 6 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đây là những trung tâm dữ liệu địa phương (Local Data Center), có quy mô nhỏ hơn so với các trung tâm dữ liệu “chuẩn” (gọi là Mega Center) của Amazon.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Ông Phil Davis, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản của AWS, cho biết AWS sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều các trung tâm dữ liệu khu vực nữa trong thời gian tới. Bằng cách xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu khu vực, ông Davis đánh giá AWS sẽ có thể củng cố vị thế của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mặc dù nổi tiếng là một công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới, nhưng nếu chính xác, Amazon thực tế lại là một công ty điện toán đám mây. Từ năm 2018, mảng dịch vụ điện toán đám mây AWS đã đóng góp tới 60% lợi nhuận cho Amazon và tăng trưởng gần 40% mỗi năm.
Amazon rất “điên cuồng” bảo vệ thị phần cho “con bò sữa” AWS của mình. Khi đối thủ Microsoft kiếm được hợp đồng điện toán đám mây 10 tỷ USD từ Lầu Năm Góc, Amazon lập tức mở cuộc chiến kiện cáo tổng lực. Cuối cùng, Lầu Năm Góc phải chia bớt một phần bản hợp đồng này cho Amazon cho đỡ… phiền phức.
Tham vọng “đông tiến” của Amazon liệu có suôn sẻ?
Nói vậy để thấy AWS là mảng kinh doanh vô cùng quan trọng đối với Amazon. Thành thử, việc chi hàng tỷ đô la để xây một loạt các trung tâm dữ liệu địa phương để mở rộng thị trường cho AWS là điều dễ hiểu.
Các trung tâm dữ liệu địa phương tuy năng lực xử lý và quy mô không bằng các trung tâm dữ liệu chính, nhưng vì nó đặt tại địa phương nên đối với các khách hàng địa phương nó lại có một lợi thế rất lớn là tốc độ truyền tải nhanh và độ trễ thấp.
Những lợi thế này lại rất phù hợp với các khách hàng ở khu vực Châu Á. Ngoại trừ một số thị trường rất lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ, đa phần khách hàng điện toán đám mây ở châu Á đều là các công ty không quá lớn. Họ không quá cần một trung tâm dữ liệu quá mạnh, quá to, mà họ cần một dịch vụ điện toán đám mây nhanh, độ trễ thấp để họ xây dựng các dịch vụ chơi game, thương mại điện tử cỡ vừa và nhỏ hay streaming (phim ảnh trực tuyến).
Thành thử, một trung tâm dữ liệu địa phương là đủ đáp ứng nhu cầu ở thị trường này. Đây cũng chính là lý do mà ông Davis nói rằng công ty của ông đã nhận ra một cơ hội mới: “Chúng tôi đang thấy nhiều quốc gia nhỏ hơn có thể không cần đến các trung tâm siêu dữ liệu. Họ cần các trung tâm dữ liệu khu vực hơn”.
Với thị trường Việt Nam
Hà Nội là một trong các địa điểm mà Amazon công bố sẽ xây trung tâm dữ liệu địa phương. Việt Nam đang là một thị trường hứa hẹn rất tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tên miền quốc gia “.vn” đã đạt đến con số 544.362, trở thành 10 nhóm tên miền quốc gia có số lượng đăng ký lớn nhất Châu Á.
Theo khảo sát VNNIC, 90.45% người tham gia đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp thông qua website và 45.7% người dùng có thói quen truy cập website của doanh nghiệp trước khi quyết định mua hàng.
Từ khảo sát trên, cho thấy tên miền và website gắn liền hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, tổng số lượng tên miền quốc tế lẫn quốc gia đang hoạt động là 1,5 triệu so với con số gần 1 triệu doanh nghiệp (tính đến cuối năm 2021), cho thấy các doanh nghiệp dần nhận thức sự quan trọng của tên miền và website, là điều tiên quyết để sự hiện diện trực tuyến của doanh nghiệp thêm tin cậy và được nhiều khách hàng ủng hộ.
Những con số trên cho thấy nhu cầu sử dụng điện toán đám mây đang rất lớn và vẫn đang trên đà phát triển mạnh.
Với tên tuổi và tầm cỡ công nghệ của Amazon, việc xây trung tâm dữ liệu địa phương ở Việt Nam sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của Amazon trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh cáp quang quốc tế Việt Nam mỗi năm đứt hơn chục lần khiến lưu lượng mạng quốc tế rất không ổn định thì một trung tâm dữ liệu đặt trong nước sẽ có độ tin cậy cao hơn là ở nước ngoài.
Với bước đi này của Amazon, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Việt như Viettel, FPT, CMS, v.v. sẽ phải chuẩn bị đối đầu trực tiếp với một đối thủ rất đáng gờm. Và liệu càng cạnh tranh mạnh, khách hàng càng được lợi?
Diễn đàn doanh nghiệp