MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổ công tác của Thủ tướng chỉ rõ nhiều giấy phép con

Đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, đồng thời chỉ rõ nhiều giấy phép con, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu rõ, ngày 30/10 là thời hạn cuối cùng để các bộ trình Chính phủ ban hành xong các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh. Sau thời điểm đó, các nỗ lực cải cách cũng sẽ không dừng lại.

Như tin đã đưa, sáng 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 4 Bộ: Tài chính, KH&ĐT, GTVT, Thông tin và Truyền thông về cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh.

Sau khi lắng nghe đại diện các Bộ giải trình, các chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp đã đánh giá về tiến độ, chất lượng cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh của từng Bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo báo cáo của các Bộ thì hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh là vấn đề cần tiếp tục thảo luận.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ có 370 điều kiện kinh doanh, Bộ dự kiến xây dựng 3 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 117 điều kiện. Nhưng hiện nay mới có 1 Nghị định đã trình Chính phủ, 2 Nghị định đang xây dựng dự thảo.

Về dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ (sửa đổi 14/16 nghị định của Bộ Tài chính), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Yêu cầu của Thủ tướng là dự thảo phải được trình ký trong ngày 22/10, một ngày sau khi Thủ tướng trở về từ chuyến công tác châu Âu. Bộ trưởng đề nghị vụ chức năng của VPCP trả lời rõ có kịp được tiến độ này không. Vụ Kinh tế tổng hợp – VPCP xác nhận dự thảo sẽ kịp hoàn thiện để trình ký đúng yêu cầu của Thủ tướng.

Về 2 dự thảo còn lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực kho bãi logistics đang có rất nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp bị “gò ép”, cần sửa đổi theo hướng tích cực. “Đừng đưa ra yêu cầu quy mô bao nhiêu, những việc của doanh nghiệp thì đừng can thiệp, đừng quy định xơ cứng. Như quy định kinh doanh gas trước đây phải có bao nhiêu bình gas, nay đã bãi bỏ”, Bộ trưởng nêu rõ.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần tích cực xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê với tinh thần phải tiếp tục cắt bỏ các điều kiện. Vì Bộ mới dự kiến cắt bỏ 117 điều kiện, chưa đạt yêu cầu ít nhất 50% như chỉ đạo của Chính phủ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Bộ có tổng số 570 điều kiện, dự kiến xây dựng 9 nghị định để sửa đổi 20 nghị định, cắt giảm 346 điều kiện kinh doanh, nhưng nay mới ban hành được 4 nghị định, cắt 109 điều kiện.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này còn rất nhiều vấn đề và tinh thần là phải bám sát các quy luật thị trường.

Bộ trưởng đưa ra nhiều ví dụ, chẳng hạn quy định xe phải có phù hiệu và  khi cấp phù hiệu doanh nghiệp cứ phải lên Sở GTVT, mặc dù “khi lễ, tết đông khách thì không cần bảo nhà xe cũng chạy, còn khi không có khách thì có phù hiệu xe cũng không chạy”. Và thực tế khi lên Sở xin phù hiệu thì “không gọi điện hẹn trước đừng hòng gặp được”.

Một ví dụ khác, Bộ trưởng cho biết khi ông còn công tác ở địa phương, chính quyền có chủ trương mở các chuyến xe để vận chuyển công nhân từ nơi ở đến khu công nghiệp. Nhưng Sở GTVT nói rằng phải có tuyến.

“Phải có tuyến là như thế nào? Là lẽ ra quãng đường chỉ 10km nhưng vẽ ra, bắt người ta chạy 20km. Tôi không đồng ý và yêu cầu phải cho họ đi quãng đường ngắn nhất, xe không vi phạm thì không được kiểm tra, còn nếu vi phạm thì kiểm tra chỗ nào cũng được”, Bộ trưởng nêu thực tế.

“Trong các dự thảo của Bộ, chúng tôi rất thận trọng, các vụ của VPCP ngồi lại, rồi lắng nghe các hiệp hội, các chuyên gia, phải nghe hai tai. Nhiều quy định không ổn, như tuyến xe buýt sao cứ phải 100km, thế từ nơi ở đến khu công nghiệp chỉ có 80km thì không cho chạy à?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Cũng theo Bộ trưởng, các dự thảo nghị định mới của Bộ cho thấy chỉ áp dụng phần mềm trong quản lý với vận tải du lịch và xe hợp đồng, còn kinh doanh vận tải tuyến cố định, xe buýt, xe taxi thì không áp dụng công nghệ.

Ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp vận tải tại buổi kiểm tra cũng cho rằng các dự thảo nghị định này chưa tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của giới chuyên gia và doanh nghiệp.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có 385 điều kiện kinh doanh, dự kiến sửa đổi, bổ sung 6 nghị định để cắt giảm 199 điều kiện. Hiện đã trình ban hành được 2 nghị định, còn 4 nghị định chưa được ban hành.

Tổ công tác của Thủ tướng chỉ rõ nhiều giấy phép con - Ảnh 1.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp phát biểu tại buổi kiểm tra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Thủ tục như rừng nay đã có tiến bộ

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhắc lại thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế và với phương án các bộ đã trình, chúng ta sẽ cắt trên 60% các thủ tục, điều kiện kinh doanh, vượt mục tiêu đề ra là 50%.

“Đánh giá về công tác này còn nhiều ý kiến, nhưng phải ghi nhận Bộ Tài chính đã đi đầu trong cải cách mạnh mẽ hành chính thuế, hải quan. Bộ Công Thương cũng tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, rồi nhiều bộ khác như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế… Nếu trước đây thủ tục kiểm tra chuyên ngành như rừng rậm, vào không biết lối ra thì nay đã có tiến bộ, được doanh nghiệp ghi nhận, các tổ chức quốc tế đều thăng hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng nêu rõ.

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác cũng khẳng định, còn phải quyết tâm rất mạnh mẽ mới đạt được kết quả như kỳ vọng. Kết quả kiểm tra cho thấy có nhiều bộ vượt chỉ tiêu nhưng có bộ chưa đạt chỉ tiêu. Với những bộ chưa hoàn thành, phải hoàn thiện các dự thảo nghị định để VPCP thẩm tra kỹ lưỡng, báo cáo Thủ tướng ký ban hành chậm nhất trước ngày 30/10.

Nhấn mạnh sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các Bộ, sự thay đổi nhận thức, tinh thần gạt bỏ lợi ích của các nhóm nào đó để phát triển đất nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia một cách nghiêm túc.

“Như khi ban hành Nghị định cắt bỏ các điều kiện kinh doanh gas, có người nhắn tin cho tôi nói họ mừng phát khóc, mà tôi không biết họ là ai cả. Trước đây quy định phải có từng này bình gas mới được kinh doanh, rồi phòng rộng bao nhiêu, thế thì ở miền núi, hải đảo kinh doanh làm sao? Tương tự là quy định xuất khẩu gạo phải có kho bao nhiêu mét vuông. Quan trọng nhất là doanh nghiệp có năng lực, giá cả cạnh tranh”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, trong các dự thảo nghị định còn rất nhiều ý kiến cần tiếp thu. Bộ trưởng giao các vụ, cục của VPCP tiếp thu các ý kiến, khi rà soát không để lọt, nếu để lọt phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước Thủ tướng. Tinh thần là phải bảo đảm quản lý nhà nước, an ninh quốc gia, sức khỏe, tính mạng người dân, môi trường... nhưng vẫn phải cải cách.

Bộ trưởng cũng lưu ý về cách làm, cán bộ của các bộ trực tiếp ngồi với các vụ, cục của VPCP “sửa từng câu chữ để bảo đảm không hiểu hai nghĩa”, không công văn qua lại.

Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, sau ngày 30/10, phải có đánh giá về đợt cải cách này, như cắt giảm bao nhiêu thủ tục, điều kiện, đơn giản hóa bao nhiêu, mỗi thủ tục được cắt giảm liên quan tới bao nhiêu lô hàng…, cuối cùng là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc cho doanh nghiệp.

“Như WB ước tính trong năm 2017, với trên 11 triệu tờ khai, các doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu năm nay chúng ta hoàn thành được các yêu cầu cắt giảm này thì chi phí tiết kiệm được còn nhiều hơn nữa”, Bộ trưởng cho biết và khẳng định những kinh nghiệm trong đợt cải cách này sẽ là cơ sở để năm 2019 tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn.

Theo Hà Chính

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên