Tổ công tác của Thủ tướng không ngại va chạm, áp lực
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng những nỗ lực của Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành trong thời gian qua không chỉ mang lại giá trị vật chất dù rất lớn, mà còn mang lại niềm tin thị trường, niềm tin của doanh nghiệp và người dân
Ngày 18-5, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương đã tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính giữa hai cơ quan.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định việc gắn kết giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thành công của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương ký kết quy chế phối hợp - Ảnh: VGP
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo sát sao.
"Việc ký kết quy chế phối hợp trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính giữa hai cơ quan là dấu ấn thể hiện mong muốn nâng cao chất lượng công tác phối hợp từ cả hai phía, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại lễ ký kết, bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao những đóng góp của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng và cá nhân Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong việc tham mưu giúp Chính phủ cũng như đôn đốc các công việc liên quan.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết quyết tâm thực hiện quy chế phối hợp đạt hiệu quả cao nhất với Văn phòng Chính phủ - Ảnh: M.Chiến
"Tổ công tác đã không ngại va chạm, không ngại áp lực hay những vấn đề nhạy cảm để phát huy tinh thần trách nhiệm mà Thủ tướng Chính phủ giao. Từ đó đã tạo nên sự chia sẻ, nhận thức chung trong xã hội về một Chính phủ kiến tạo"- ông Trần Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng những nỗ lực của Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành trong thời gian qua không chỉ mang lại giá trị vật chất dù rất lớn, mà còn mang lại niềm tin thị trường, niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ cam kết quyết tâm thực hiện quy chế phối hợp đạt hiệu quả cao nhất, hai bên hướng tới sự hợp tác thực chất, mang tính hiệu quả để đóng góp chung vào sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo quy chế phối hợp, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ tăng cường mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Hai bên phối hợp trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tham vấn ý kiến lẫn nhau trong quá trình đề xuất, xây dựng các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan. Khi thẩm tra các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hai cơ quan chủ động trao đổi thông tin, kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan bảo đảm tiến độ xử lý công việc.
Về phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, hai bên trao đổi triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, trong đó sẽ gửi, nhận văn bản hoàn toàn điện tử (trừ văn bản mật) giữa hai cơ quan.
Đồng thời, phối hợp triển khai Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Công Thương với Cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Người Lao động