MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tờ Nikkei tiết lộ lý do ông Kim Jong Un chọn Việt Nam là mô hình kinh tế lý tưởng cho Triều Tiên

25-06-2018 - 21:48 PM | Tài chính quốc tế

Theo tờ Nikkei Asian Review, việc tập trung phát triển công nghiệp ở một số khu vực đã thúc đẩy kinh tế Trung Quốc nhưng chúng cũng nới rộng khoảng cách giàu nghèo tại đây, trong khi Việt Nam dù đi sau nhưng lại đảm bảo sự ổn định xã hội, điều mà Triều Tiên cần hơn.

Với chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 trong tháng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên cho thấy một chính sách ngoại giao đa phương giữa Washington và Bắc Kinh.

Dẫu vậy, khi ngồi cùng người đồng cấp phía Hàn Quốc là Tổng thống Moon Jae In, nhà lãnh đạo Kim Jong Un lại cho rằng mô hình kinh tế Việt Nam mới là thứ đáng để Triều Tiên noi theo.

Trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân để tập trung vào phát triển kinh tế, nhắm đến nới lỏng các lệnh trừng phạt cũng như nhận thêm giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Phía Trung Quốc được nhận định sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng trên bởi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thăm các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp tại đây, một động thái cho thấy Triều Tiên sẽ cần sự trợ giúp của Trung Quốc nhằm tái phát triển ngành nông nghiệp cho đất nước đang bị cấm vận về kinh tế.

Tuy nhiên, tại sao Triều Tiên lại thấy rằng mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam thích hợp hơn theo lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un mà không phải Trung Quốc?

 Tờ Nikkei tiết lộ lý do ông Kim Jong Un chọn Việt Nam là mô hình kinh tế lý tưởng cho Triều Tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Đi chậm nhưng chắc

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đáng lẽ ra phải là mô hình để Triều Tiên noi theo, nhất là khi chính quyền Bắc Kinh có rất nhiều hỗ trợ cho phía Bình Nhưỡng. Thậm chí, công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam năm 1986 được nhiều chuyên gia cho rằng có một số điểm giống Trung Quốc năm 1978.

Nguyên tắc cơ bản của công cuộc cải cách này là thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế nhưng vẫn duy trì được sự ổn định của hệ thống chính trị. Xét về tốc độ tăng trưởng, Trung Quốc vượt khá xa Việt Nam.

Số liệu của Ngân hàng World Bank cho thấy GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 29 lần kể từ khi đổi mới lên 8.123 USD/người vào năm 2016, trong khi Việt nam chỉ tăng 5 lần lên 2.171 USD/người.

Tuy nhiên, Việt Nam lại có những yếu tố thích hợp hơn so với Triều Tiên mà Trung Quốc không có. Theo Viện nghiên cứu Sumitomo Corporation Global Research (SCGR), nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá nóng và quá nhanh, khiến Việt Nam trở thành mô hình thích hợp hơn so với Triều Tiên, quốc gia có khả năng được nới lỏng cấm vận trong tương lai.

Bất chấp các nhận định về sự giống nhau, Việt Nam đã đi theo con đường riêng so với nước láng giềng khi nhắm tới nhiều hiệp định tự do thương mại hơn. Số liệu của Ngân hàng ADB cho thấy Việt Nam đã có 12 hiệp định tự do thương mại trong khi Trung Quốc chỉ mới có 17 hiệp định dù gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) 6 năm trước Việt Nam.

Việt Nam cũng sẵn sàng đàm phán với các nền kinh tế phát triển để mở cửa thị trường, không giống với Trung Quốc khi áp đặt nhiều chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp nội địa.

Thảo thuận tự do thương mại Việt Nam-Nhật Bản có hiệu lực từ năm 2009 trong khi nước này cũng là thành viên của Hiệp định Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ thúc đẩy mà không có Trung Quốc. Việt Nam cũng đang đàm phán hàng loạt nội dung thương mại với Liên minh Châu Âu (EU).

 Tờ Nikkei tiết lộ lý do ông Kim Jong Un chọn Việt Nam là mô hình kinh tế lý tưởng cho Triều Tiên - Ảnh 2.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam và Trung Quốc (nghìn USD)

Phát triển bền vững

Một yếu tố nữa khiến Triều Tiên thích hợp với mô hình phát triển của Việt Nam hơn là sự cân bằng. Trong khi nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng quá nóng và bộc lộ nhiều yếu kém thì Việt Nam sau lại có tính bền vững hơn hẳn, điều mà Triều Tiên thật sự cần nếu thị trường được mở cửa.

Hơn nữa, Trung Quốc có dân số quá đông tạo nên một mô hình kinh tế không quá thích hợp với Triều Tiên. Cường quốc Châu Á có tới 1,4 tỷ dân trong khi Việt Nam có chưa đến 100 triệu người. Chính điều này tạo nên sự khác biệt tiềm lực về nhân công giá rẻ cho xuất khẩu cũng như khả năng tiêu dùng trong nước, qua đó dẫn đến những chính sách khác nhau.

Cố tổng bí thư Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng cho cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc nổi tiếng với quan điểm "để cho một số người giàu trước" và chính quyền Bắc Kinh đã phát triển một số đặc khu dựa trên nguyên tắc này như Thượng Hải, Thẩm Quyến cũng như nhiều thành phố ven biển khác, nơi nguồn vốn nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, Việt Nam với những yếu tố riêng biệt lại không thể theo sát được các chính sách này. Trong khi thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài hơn do cơ sở hạ tầng tốt thì chính phủ lại đang cố gắng đưa các nhà máy điện tử, luyện tháp, hóa chất ra miền trung và miền bắc nhằm đảm bảo sự ổn định và cân bằng.

Nghiên cứu của World Bank cho thấy chỉ số Ghini, đo lương bình đẳng thu nhập trong xã hội, của Trung Quốc vào khoảng 0,422 điểm, đứng thứ 49/158 nền kinh tế thì của Việt Nam chỉ vào khoảng 0,348 điểm, đứng thứ 101, qua đó cho thấy sự cân bằng thu nhập hơn của người Việt.

Theo tờ Nikkei Asian Review, việc tập trung phát triển công nghiệp ở một số khu vực đã thúc đẩy kinh tế Trung Quốc nhưng chúng cũng nới rộng khoảng cách giàu nghèo tại đây, trong khi Việt Nam dù đi sau nhưng lại đảm bảo sự ổn định xã hội, điều mà Triều Tiên cần hơn.

Triều Tiên chỉ có 25 triệu dân và chính quyền Bình Nhưỡng có thể gặp rắc rối lớn nếu để nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, tạo bất bình đẳng xã hội cũng như gia tăng sự bức xúc trong người dân khi mới mở cửa thị trường. Bởi vậy, Việt Nam được đánh giá là mô hình thích hợp hơn cho Triều Tiên.

Mặc dù vậy, tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong Un lại dành sự ngưỡng mộ cho nền kinh tế Việt Nam đúng thời điểm gặp mặt người đồng cấp Hàn Quốc?

 Tờ Nikkei tiết lộ lý do ông Kim Jong Un chọn Việt Nam là mô hình kinh tế lý tưởng cho Triều Tiên - Ảnh 3.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Mục tiêu cạnh tranh?

Ngoài những lý do chính trị như không muốn bị nền kinh tế Trung Quốc "nuốt chửng", việc Việt Nam sẽ trở thành một đối thủ tiềm tàng với Triều Tiên trong việc thu hút vốn từ Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng là một phần nguyên nhân.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chắc chắn sẽ rất hài lòng khi các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Triều Tiên như đã làm với Việt Nam, thậm chí là chuyển hướng đầu tư sang thị trường mới này. Hiện những tập đoàn lớn như Samsung đang sản xuất 240 triệu chiếc smartphone/năm tại Việt Nam và chúng chiếm tới ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Trong khi đó, các công ty như LG, Lotte… đang trở thành nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua các doanh nghiệp Nhật Bản từ năm 2014.

Thêm vào đó, việc thị trường Mỹ, đồng minh thân cận của Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong mảng may mặc, điện tử... cũng là một yếu tố hấp dẫn để Triều Tiên đánh tín hiệu rằng họ có thể trở thành một Việt Nam thứ 2.

Với những lý do này, việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un mở lời khen ngợi mô hình kinh tế Việt Nam trước mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In không phải là không có mục đích.

 Tờ Nikkei tiết lộ lý do ông Kim Jong Un chọn Việt Nam là mô hình kinh tế lý tưởng cho Triều Tiên - Ảnh 4.

Mỹ là thị trường chính của dệt may Việt Nam

Theo AB

Thời Đại

Trở lên trên