Tòa lâu đài “Người đẹp ngủ trong rừng” ngoài đời thật: Xa hoa và mê hoặc đến mức một vị vua thà phá sản cũng phải xây dựng cho xong
Vua Ludwig II của Bavaria đã dành nhiều năm để mơ về Lâu đài Neuschwanstein cổ tích, hình mẫu mà Walt Disney sau này sử dụng cho "Người đẹp ngủ trong rừng".
- 09-01-2023Khung cảnh khiến bao trái tim thổn thức của "thiên đường giáng thế" Thụy Sĩ: Ai cũng mong một lần được ngắm tận mắt
- 04-01-2023Không gian "phòng bệnh giã chiến" dành cho cha già thay đổi ấn tượng, thêm sinh khí sau cải tạo
- 01-01-2023Con trai cải tạo nhà cho bố mắc bệnh Parkinson, bất ngờ trước màn "lột xác" phòng ngủ hẹp cho 2 người khác giới
Ẩn mình sâu trong dãy núi Alps của Bavaria trên đỉnh một ngọn đồi đẹp như tranh vẽ là Lâu đài Neuschwanstein của Đức. Nó trông giống như một cung điện bước ra từ một câu chuyện cổ tích.
Được bao quanh bởi những vách đá, một con hào và một thị trấn nhỏ quyến rũ, lâu đài dường như không bị ảnh hưởng bởi thời gian. Nó là minh chứng vĩnh cửu cho trí tưởng tượng tuyệt vời của Vua Ludwig II, người đã cho xây dựng tòa nhà vào năm 1868.
Lâu đài “Disney” Neuschwanstein
Nhưng Neuschwanstein cũng là một phần của câu chuyện buồn hơn, câu chuyện về khoảng cách không thể tha thứ giữa ảo mộng và thực tế - và cái giá mà những kẻ mơ mộng phải trả.
Giấc mơ cổ tích của nhà vua
Vua Ludwig II luôn yêu thích cái đẹp và nghệ thuật. Khi còn nhỏ, ông lớn lên tại Lâu đài Hohenschwangau ở miền nam nước Đức. Giữa những tấm thảm và những bức bích họa kích thước thật của các anh hùng Đức, ông đã cố gắng hết sức để thoát khỏi sự giáo dục nghiêm khắc của hoàng gia do người cha độc đoán của mình áp đặt. Ông theo đuổi nghệ thuật, say mê các vở opera của Richard Wagner, đóng kịch và kể lại những câu chuyện tình lãng mạn.
Vua Ludwig II của Bavaria năm 1867
Khi lên ngôi năm 1864 ở tuổi 18, ông có tất cả những gì mà một hoàng gia trong truyện cổ tích nên có: điển trai, hào hoa, hào phóng với thần dân và được nhiều người yêu mến. Nhưng ông không thực tế, không có kinh nghiệm về quản lý nhà nước, thậm chí không hề quan tâm đến công việc hàng ngày của chính phủ. Ludwig II chỉ trị vì trong hai năm cho đến khi chính sách đối ngoại và quyền lực quân sự của Bavaria đều bị Phổ chiếm đoạt. Sau đó, quyền cai trị của ông chỉ còn trên danh nghĩa. Bị tước bỏ mọi quyền lực thực sự, Ludwig mơ về một nơi mà ông vẫn có thể trị vì tối cao. Năm 1868, ông quyết định nơi đó sẽ là Lâu đài Neuschwanstein.
Khi bắt tay vào xây dựng nơi mà một ngày nào đó được gọi là lâu đài “Cô bé Lọ Lem” hay lâu đài “Người đẹp ngủ trong rừng” của Đức, ông đã mô tả tầm nhìn của mình trong một lá thư gửi cho Richard Wagner. Nhà vua muốn “xây dựng lại tàn tích lâu đài cũ của Hohenschwangau gần Hẻm núi Pöllat theo phong cách đích thực của các lâu đài của các hiệp sĩ Đức cũ”, hoàn chỉnh với “các phòng nghỉ có tầm nhìn tuyệt đẹp ra Säuling cao quý, những ngọn núi Tyrol và xa hơn nữa, ra cả đồng bằng”. Cung điện phải có những căn phòng được trang trí công phu chứa đầy những thứ tốt nhất có thể tưởng tượng được, một hội trường dành cho âm nhạc và một khoảng sân lớn để hít thở không khí miền núi.
Nội thất bên trong Lâu đài Neuschwanstein
Ông nói: “Lâu đài này sẽ đẹp hơn và đáng sống hơn Hohenschwangau về mọi mặt”.
Có vẻ như tầm nhìn của Ludwig đã đạt được.
Được xây dựng cao trên một ngọn đồi, cao hơn mọi thứ xung quanh trừ dãy núi Alps hùng vĩ của Bavaria, Lâu đài Neuschwanstein là một cảnh tượng ngoạn mục ngày ấy và trong cả bây giờ. Mặt trời phản chiếu rực rỡ trên đá vôi trắng sáng của mặt tiền. Tất cả các tháp pháo đều có màu xanh đậm, thường phản chiếu bầu trời mà chúng chạm vào phía trên. Từ mọi góc độ, nó trông giống như một câu chuyện cổ tích.
Và, “vị vua hiện đại” của những câu chuyện cổ tích đã đồng ý. Trong chuyến đi châu Âu cùng vợ, Walt Disney đã đến thăm Lâu đài Neuschwanstein ở Đức và bị khung cảnh này mê hoặc như bao người khác. Disney sau đó đã sử dụng Neuschwanstein làm nguồn cảm hứng cho lâu đài “Người đẹp ngủ trong rừng” của Disneyland.
Nhưng giống như lâu đài của “Người đẹp ngủ trong rừng”, Neuschwanstein có một bí mật u sầu, một chút buồn bã bên dưới lớp vỏ hào nhoáng của nó.
Từng chi tiết của lâu đài đều là tác phẩm nghệ thuật
Câu chuyện u tối đằng sau Lâu đài Neuschwanstein
Những dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện từ rất sớm trong dự án.
Như với nhiều giấc mơ kiến trúc vĩ đại, chi phí xây dựng bắt đầu vượt quá dự kiến. Mặc dù công việc của ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương và mang lại một số thương mại cho khu vực nghèo khó, nhưng nó cũng khiến Ludwig II mắc nợ cá nhân.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, nhà vua xứ Bavaria không sử dụng quỹ nhà nước để xây dựng các lâu đài mà dùng tiền của chính mình. Ông đã tiêu hết tài sản cá nhân, và khi vẫn chưa đủ, ông cầu xin các chính phủ nước ngoài cho vay.
Lâu đài Neuschwanstein đang được xây dựng vào khoảng năm 1882 đến 1885
Đến năm 1886, Ludwig II mắc nợ khoảng 14 triệu mark - gần gấp ba lần thu nhập hàng năm của ông. Mặc dù nhiều cố vấn đã khuyên can việc chi tiêu xa hoa phải dừng lại, nhưng nhà vua không hề nản lòng.
Xét cho cùng, Lâu đài Neuschwanstein vẫn chưa hoàn thành. Ludwig II chỉ mới có thể cư trú ở đó để giám sát các giai đoạn cuối cùng của nó. Nhà vua xứ Bavaria xa hoa, lãng phí bị sa thải bởi các cận thần của mình. Đối phó với một vị vua khó tính, nợ nần chồng chất và mất quyền lực, các bộ trưởng khắp nước đã đưa ra một quyết định: Ludwig II phải bị lật đổ.
Cái kết buồn cho truyện cổ tích ở lâu đài “Lọ Lem” nước Đức
Các bộ trưởng Bavaria đã tuyên bố Ludwig mất trí vào năm 1886.
Họ cảm thấy đó là một giải pháp gọn gàng cho một vấn đề hóc búa. Nhà vua, với tất cả những khoản chi tiêu xa hoa của mình, vẫn được lòng dân, và bất kỳ thách thức nào đối với quyền lực của ông đều có thể gây ra tranh cãi và bất ổn.
Nhưng nếu bị buộc tội thiểu năng trí tuệ, Ludwig II sẽ khó có thể tự bào chữa cho mình, đặc biệt là khi Bá tước Maximilian von Holnstein rõ ràng đã hối lộ những người hầu của nhà vua để thêu dệt nên những câu chuyện về những cơn thịnh nộ, hành vi kỳ quái và trẻ con của ông. Vì quyết tâm xây dựng một thứ gì đó đẹp đẽ, một thế giới riêng mỹ lệ mà nhà vua đã đánh mất tất cả.
Lâu đài “Disney” của Đức ngày nay vẫn tiếp tục thu hút vô số du khách
Vào ngày 10 tháng 6 năm 1886, một ủy ban chính phủ đến Lâu đài Neuschwanstein vào sáng sớm để bắt nhà vua đi. Bạn bè của Ludwig khuyên ông nên chạy trốn, nhưng có lẽ không muốn chia tay Neuschwanstein - ngôi nhà trong mơ mà mình đã bỏ tất cả để xây dựng nên ông đã trì hoãn. 2 ngày sau, nhà vua bị bắt đến một lâu đài khác. Và khi màn đêm buông xuống, ông nhảy xuống một hồ nước tự vẫn.
Mặc dù một cây thánh giá tưởng niệm vị vua nổi tiếng của Bavaria sau đó đã được dựng lên ở vùng biển nơi ông qua đời, hầu hết đều cảm thấy rằng Neuschwanstein mới là tượng đài thực sự để tưởng nhớ ông.
Lâu đài “Lọ Lem” của Đức, với sự phồn hoa huyền ảo và vẻ đẹp phi thực tế đã chứng minh cho tinh thần của Ludwig ngay cả khi cuối cùng, ông đã không sống đủ lâu để chứng kiến nó hoàn thành.
Vài tuần sau cái chết của Ludwig, Lâu đài Neuschwanstein được mở cửa cho công chúng. Chỉ có 14 phòng được hoàn thành và đây vẫn là những phòng duy nhất được trưng bày cho các tour du lịch. Các phòng được trang trí công phu như Ludwig đã mơ mộng, với trần nhà dát vàng, đèn chùm cao gần 4 mét, tranh khảm trên sàn và những bức tranh lớn hơn người thật của một số nghệ sĩ vĩ đại nhất thời bấy giờ.
Lâu đài “Disney” của Đức thu hút hơn 1,5 triệu du khách mỗi năm. Có lẽ điều trớ trêu nhất là khi người ta nghĩ đến món đồ nội thất quan trọng bị thiếu trong Lâu đài Neuschwanstein: ngai vàng. Người đời sau không đặt ngai vàng ở đây, để minh chứng cho sự vắng mặt của vị vua giàu trí tưởng tượng, người đã chết trước khi có thể cai trị lâu đài cổ tích của mình.
Phòng ngai vàng bên trong Lâu đài Neuschwanstein có mọi thứ trừ ngai vàng
Nguồn: All That’s Interesting
Trí Thức Trẻ