MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh bê bối của Credit Suisse: CEO trấn an 'tài chính vẫn ổn' phản tác dụng, khiến thị trường rối loạn, đồn ngân hàng 'vỡ nợ'

05-10-2022 - 08:25 AM | Tài chính quốc tế

Toàn cảnh bê bối của Credit Suisse: CEO trấn an 'tài chính vẫn ổn' phản tác dụng, khiến thị trường rối loạn, đồn ngân hàng 'vỡ nợ'

"Credit Suisse vỡ nợ" trở thành tin đồn toàn cầu sau lời trấn an nhân viên, nhà đầu tư phản tác dụng của CEO.

Cổ phiếu của Credit Suisse đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi nỗ lực trấn an nhân viên và các nhà đầu tư của CEO Ulrich Koerner phản tác dụng, làm gia tăng thêm những điều không chắc chắn về ngân hàng này. Thậm chí, “Credit Suisse vỡ nợ” trở thành tin đồn toàn cầu.

Cổ phiếu này đã giảm giá trị tới hơn một nửa trong năm nay trước khi trải qua cơn bán tháo khủng khiếp vào ngày thứ 2, giảm 12% chỉ trong 1 ngày xuống mức thấp kỷ lục.

Tình huống này nổi lên do Giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) của Credit Suisse – công cụ được sử dụng để bảo hiểm cho các khoản nợ của ngân hàng – tăng vọt lên mức kỷ lục 250 điểm cơ bản. Đầu năm nay chúng chỉ ở mức 57 điểm cơ bản. Nhà đầu tư đặt cược có 23% khả năng Credit Suisse sẽ vỡ nợ trái phiếu trong 5 năm tới.

Koerner – lần thứ 2 trong nhiều tuần đã tích cực trấn an nhân viên và thị trường bằng thông báo vào cuối hôm thứ 6 nhấn mạnh về sức mạnh vốn và thanh khoản dồi dào của ngân hàng. Tuy nhiên, mọi sự chú ý đổ dồn vào những bước đi gần đây của công ty và các nhà đầu tư hối hả rút lui khi hoạt động giao dịch được mở lại vào đầu tuần. Cổ phiếu đã hồi phục khi nhiều chuyên gia phân tích ủng hộ quan điểm của Koerner về sức mạnh tài chính của ngân hàng này.

Toàn cảnh bê bối của Credit Suisse: CEO trấn an tài chính vẫn ổn phản tác dụng, khiến thị trường rối loạn, đồn ngân hàng vỡ nợ - Ảnh 1.

Trong khi thừa nhận rằng ngân hàng “đang trong thời khắc quan trọng”, Koerner cam kết sẽ gửi tới nhân nhân viên những thông báo cập nhập liên tục cho tới khi công ty tuyên bố chiến lược mới vào ngày 27/10.

Dù tình huống CDS chưa tới mức cấp bách và cổ phiếu Credit Suisse cũng chịu ảnh hưởng một phần bởi đợt bán tháo mở rộng của toàn thị trường – nhưng tình huống này thể hiện nhận thức xấu đi về uy tín tín dụng của ngân hàng trong môi trường hiện tại.

Một nguồn tin cho biết, một vài khách hàng đã nhìn vào sự tăng lên của CDS trong năm nay để đặt câu hỏi, đàm phán giá hay quyết định chuyển sang sử dụng các ngân hàng đối thủ.

Người phát ngôn của Credit Suisse từ chối bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, một vài cá nhân cũng đã lên Twitter để thảo luận, phản bác một số lời đồn đại trên mạng về Credit Suisse và xem đây là hành vi “phao tin đồn gây hoang mang”. Chuyên gia Boaz Weinstein của Saba Capital Management đã tweet rằng “hãy thở thật sâu” và so sánh tình huống này với thời điểm khi mà CDS của Morgan Stanley đã tăng gấp 2 lần vào năm 2011 và 2012.

Koerner vừa lên chức CEO vào cuối tháng 6 đã đối mặt với rất nhiều lời đồn đại, nghi ngờ khi mà ông tìm cách thiết lập con đường phía trước cho nhà băng đang gặp khó khăn, khiến tình hình tài chính và danh tiếng chịu ảnh hưởng mạnh. Công ty đã hoàn thành những kế hoạch sẽ cho thấy những thay đổi mạnh mẽ trong mảng ngân hàng đầu tư của họ và có thể gồm cả việc cắt giảm hàng nghìn việc làm trong 1 vài năm.

Chuyên gia phân tích tại KBW cũng dự đoán rằng ngân hàng này có thể phải huy động 4 tỷ francs Thụy Sĩ (4 tỷ USD) vốn dù là sau khi đã bán một vài tài sản để huy động vốn cho các đợt tái cấu trúc.

Vốn hóa thị trường của Credit Suisse đã giảm xuống 10,4 tỷ francs Thụy Sĩ, có nghĩa là bất kỳ việc bán ra lượng cổ phần nào cũng có thể pha loãng sở hữu của những cổ đông lâu năm. Vốn hóa thị trường của ngân hàng này từng cao trên 30 tỷ francs Thụy Sĩ hồi tháng 3/2021.

“Có thể họ phải có vài tỷ USD để chi trả chi phí của hoạt động tái cấu trúc”, Andreas Venditti – chuyên gia tại Vontobel nói.

Nguồn tin cho biết, các nhà quản lý ở cả Anh và Thụy Sĩ, những người đã theo dõi chặt chẽ Credit Suisse kể từ khi mất hàng tỷ USD vì vụ Archegos vào năm 2021, đang tiếp tục đang giám sát sự ổn định của ngân hàng này.

Các nhà phân tích tại KBW là những người mới nhất đưa ra so sánh tình huống của Credit Suisse với cuộc khủng hoảng niềm tin đã làm rung chuyển Deutsche Bank 6 năm trước. Sau đó, nhà băng Đức đã phải đối mặt với những câu hỏi lớn hơn về chiến lược của mình cũng như những lo ngại ngắn hạn về chi phí thanh toán để chấm dứt một cuộc điều tra của Mỹ liên quan đến chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản thế chấp.

Deutsche Bank đã chứng kiến CDS tăng lên, xếp hạng nợ của bị hạ cấp và một số khách hàng rút lui. Căng thẳng đã giảm bớt trong vài tháng khi nhà băng Đức huy động được khoảng 8 tỷ euro (7,8 tỷ USD) vốn mới và công bố chiến lược cải tổ. Tuy nhiên, vấn đề mà ngân hàng gọi là "vòng luẩn quẩn" khi doanh thu giảm và chi phí tài trợ tăng phải mất nhiều năm sau mới có thể giải quyết được.

Dẫu vậy, có nhiều khác biệt giữa 2 tình huống này. Credit Suisse không đứng trước án phạt 7,2 tỷ USD như Deutsche Bank, và tỷ lệ vốn của nó là 13,5% - cao hơn mức 10,8% của ngân hàng Đức 6 năm trước.

Nguồn: Bloomberg

Theo Vân Đàm

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên