MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh phiên đối thoại của Thủ tướng với gần 1.000 doanh nghiệp

Thủ tướng, thành viên Chính phủ cũng như các lãnh đạo Bộ, ban, ngành đã có phiên thảo luận thẳng thắn với gần 1.000 doanh nghiệp, chuyên gia về một chuyên đề chung “Hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” và ba chuyên đề ngành gồm: Kinh tế số, Du lịch và Nông nghiệp.

Phát biểu mở đầu Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF 2017) sáng nay 31/7, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam cho biết có một sự trùng hợp hết sức thú vị. Cụ thể, ngày 3/6/2016, Hội DNT Việt Nam tổ chức thành công VPSF 2016 thì tròn một năm sau, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ban hành một Nghị quyết dành riêng đầu tiên về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng phát triển đất nước.

“Đấy là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, ông Quân chia sẻ.

Ông Eric Sidgwick, GĐ Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì nhìn nhận sự hiện diện của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn lần này là “thể hiện sự coi trọng khu vực tư nhân cũng như cam kết, quyết tâm của Chính phủ đối với khu vực này”. GĐ ADB cũng khẳng định cam kết hợp tác của ADB với khu vực tư nhân và Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ PPP,...


Ông Eric Sidgwick, GĐ Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Ông Eric Sidgwick, GĐ Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Trước khi Thủ tướng phát biểu, Ban Tổ chức đã thực hiện một cuộc thăm dò nhỏ làm “nóng” Diễn đàn với câu hỏi: “Trong các thông điệp của Chính phủ (liêm chính – kiến tạo – hành động), bạn mong muốn tiêu chí nào nhất?”. Theo đó, 65% ý kiến chọn hành động, 24% chọn liêm chính và 11% chọn kiến tạo.

Doanh nghiệp Việt hãy nhổ neo, ra khơi

Hoan nghênh cuộc thăm dò tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là “tiêu chí cao nhất” của Chính phủ nhằm phục vụ phát triển nói chung của đất nước, trong đó có đưa khu vực kinh tế tư nhân thành mũi nhọn phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay trong thời gian qua, Chính phủ đã có 25 Hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc đối thoại với doanh nghiệp mà “tính bình quân không có ngày nào không gặp, không làm việc”. Thông qua đó, hàng loạt cải cách, thể chế, chính sách được ban hành, nhiều tồn đọng, vướng mắc được nhận diện, giải quyết.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ doanh nghiệp Việt ra khơi bình an (Ảnh: Thành Đạt)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ doanh nghiệp Việt ra khơi bình an (Ảnh: Thành Đạt)

Ông lặp lại khẳng định quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước về vai trò của khối tư nhân – điều đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua. Theo đó, Chính phủ sẽ xoá bỏ mọi rào cản, mọi định kiến để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng định hướng.

Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng nói, tuy nhiên, để hiện thực hoá điều này, Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe từ phía doanh nghiệp tư nhân.

Ông nói: “Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”.

Nhận định một đồng đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu gấp 3 lần DNNN, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc chung: Những gì mà tư nhân làm tốt thì để cho tư nhân làm.

Dẫn ra câu nói của đại văn hào Mark Twain “Hai mươi năm sau bạn sẽ hối hận vì những gì bạn không làm, hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi nhắn nhủ “kinh tế tư nhân Việt Nam hãy ra khơi bình an”.

Ba câu hỏi khó từ FPT, VinaCpital và Ngân hàng An Bình

Là chủ đề chính của Diễn đàn, phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5 diễn ra với thời lượng nhiều nhất”.

Lần lượt, 3 đại diện của khối doanh nghiệp là ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình và ông Don Lam, thành viên sáng lập và TGĐ Tập đoàn VinaCapital đã có những câu hỏi cho Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành liên quan.


Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT (Ảnh: Thành Đạt)

Nếu như ông Trương Gia Bình liên quan đến tư tưởng Chính phủ hành động vì doanh nghiệp thì ông Vũ Văn Tiền lại chi tiết hơn khi đặt trong tâm làm thế nào để cắt giảm chi phí trong khi các con số này đều cao trên mức trung bình của khu vực và thế giới. Còn ông Don Lam thì hỏi làm thế nào để dòng tiền yên tâm ở Việt Nam mà không chảy ra nước ngoài như câu chuyện 3 tỷ USD đang nóng vừa qua.


Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (Ảnh: Thành Đạt)

Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (Ảnh: Thành Đạt)

Trả lời các vấn đề trên, Thủ tướng và các cơ quan chức năng đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, Thủ tướng cho biết năm nay là năm cắt giảm chi phí. Đối với những bất cập còn tồn đọng, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn, như mới đấy là việc các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất, các chi phí về BHYT, BHXH cũng sẽ được rà soát để giảm mạnh hơn nữa.

Còn đối với vấn đề của ông Don Lam đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định điều này cũng phần nào cho thấy môi trường của Việt Nam là tự do, nhưng cũng có những điều phải suy nghĩ. Đơn cử như vấn đề lãi suất USD bằng 0% hiện nay.


Ông Don Lam, thành viên sáng lập và TGĐ Tập đoàn VinaCapital (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Don Lam, thành viên sáng lập và TGĐ Tập đoàn VinaCapital (Ảnh: Thành Đạt)

“Ngành ngân hàng nên quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân. Cần hình thành chiến lược để đảo chiều dòng tiền nhằm thu hút nguồn vốn vào phát triển đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại Diễn đàn, Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách hành chính và sẽ ra mắt vào tháng 8 tới. Hội đồng này có 2 nhiệm vụ: Kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, chủ động đề xuất các phương án cải cách môi trường kinh doanh và đánh giá cải thiện môi trường kinh doanh.

Mới mẻ với kinh tế số

Là vấn đề mới nhưng cấp thiết, kinh tế số là chủ đề thứ hai được mang ra bàn thảo tại VPSF 2017. Có 8 ý kiến được doanh nghiệp tư nhân đưa ra, gồm: bỏ phí dịch vụ viễn thông công ích; khung pháp lý cho khởi nghiệp sang tạo; khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt…

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho biết 1,7% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế số đã tạo ra 5% thu nhập quốc dân. Mức thu nhập bình quân, mức giá trị gia tăng lên trên mỗi lao động ở khu vực này cao gấp 3 lần trung bình cả nước.


Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính (Ảnh: Thành Đạt)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính (Ảnh: Thành Đạt)

Đây cũng được xem là động lực để tạo ra giá trị gia tăng và sức mạnh đột phá về năng lực phát triển bền vững. Dù vậy, thách thức hiện nay là chưa có chính sách cụ thể cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đại diện CMC kiến nghị tự bản thân các doanh nghiệp phải đẩy mạnh tin học hoá, số hoá, có lộ trình cụ thể, đồng thời, mong muốn Nhà nước có những chính sách ưu đãi đối với các ngành trong kinh tế số.

Đây cũng là quan điểm của ông Bùi Quang Ngọc, TGĐ Tập đoàn FPT. Ông Ngọc nói thêm rằng đã đến lúc Bộ Công Thương cần nghiên cứu về việc phân tách các ngành nghề kinh tế và không được phép trợ giá chéo và bỏ phí viễn thông công ích.


Bùi Quang Ngọc, TGĐ Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Thành Đạt)

Bùi Quang Ngọc, TGĐ Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Thành Đạt)

Ngoài các vấn đề nêu trên, đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần phải thay thế Nghị định 102 (ban hành ngày 10/6/2009 quy định về sử dụng và triển khai các dự án CNTT dùng NSNN) bằng một Nghị định mới phải được xây dựng theo đặc thù của ngành CNTT.

Đối với nhóm vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam, vì thế, các bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện sát thực tiễn cho doanh nghiệp nhằm áp dụng cách mạng công nghệ 4.0 vào trong nước.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết thêm dù Việt Nam không bi quan về cách mạng 4.0 vì có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng cần làm rõ xem các lợi thế, các thời cơ và thách thức đó là gì mới có thể tham gia cuộc cách mạng này thành công.

Sớm sửa chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn

Không một phút giải lao, diễn đàn lại tiếp tục nóng lên với nhóm vấn đề nông nghiệp. Các đại biểu thẳng thắn bày tỏ vì còn quá nhiều rào cản, khó khăn nên hiện chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cần tổ chức lại sản xuất và có chính sách thương mại cho nông nghiệp.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống Thái Bình, đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới hệ thống sản xuất gắn với thị trường vì đã đến lúc cần sản xuất theo yêu cầu thị trường.


Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống Thái Bình (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống Thái Bình (Ảnh: Thành Đạt)

“Trước đây chúng ta chưa có ăn, chưa hội nhập, chưa có trình độ khoa học, công nghệ, chưa có doanh nhân, doanh nghiệp như bây giờ, còn giờ đây các yếu tố này đang hội tụ, do vậy phải nghĩ tới việc sản xuất gắn với thị trường”, ông Báo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Báo, cần lấy doanh nghiệp làm chủ thể như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra, chỉ có như vậy mới phát triển được nền kinh tế của đất nước…

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận lại nhấn mạnh tới yếu tố thị trường khi nhận xét rằng cơ chế, chính sách hiện nay còn thiếu định hướng, chưa có thị trường trọng tâm. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ xem xét, có biện pháp xử lý. Một số vấn đề khác như quota xuất khẩu, thuế VAT cũng được các đại biểu đề cập đến.

Chăm chú lắng nghe từng đề xuất của các doanh nghiệp, Thủ tướng nhận định hạn điền, vốn, thị trường, khoa học công nghệ đang là những điểm nghẽn lớn.

Đối với hạn điền, Thủ tướng cam kết sẽ sớm trình Quốc hội sửa chữa một số điểm trong Luật đất đai hiện hành. Đáp lại cam kết của Thủ tướng là một tràng pháo tay tán đồng của toàn thể doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nói thêm, trong lúc Luật được nghiên cứu sửa chữa, các địa phương cần tự mình tìm ra phương cách phù hợp. Trên thực tế, một số tỉnh miền Bắc như Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng… đã thực hiện rất thành công việc mở rộng hạn điền nhưng vẫn đảm bảo quyền của người dân.

Về vốn, Thủ tướng cho hay Chính phủ đã có chủ trương dành khoản tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp. Tuy nhiện, hiện giải ngân mới chỉ đạt 20-30 ngàn tỉ đồng. Điều này chứng tỏ thủ tục còn nhiều vướng mắc. Thủ tướng yêu cầu “ngân hàng cần làm tốt hơn vấn đề này”.

Thị trường mục tiêu 35 tỷ USD và những điểm nghẽn phải giải

Theo đánh giá, thị trường du lịch Việt Nam có thể đạt được quy mô 35 tỷ USD, tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều trở ngại khiến cho mục tiêu này có thể bị tắc nghẽn.

Phát biểu tại phiên thảo luận cuối của diễn đàn, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, du lịch Việt Nam cũng có nhiều điểm số xếp ở chót bảng xếp hạng.


Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết nhiều điểm số của du lịch Việt Nam đang nằm chót bảng. (Ảnh Thành Đạt)

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết nhiều điểm số của du lịch Việt Nam đang nằm chót bảng. (Ảnh Thành Đạt)

Do vậy, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành Du lịch, cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ và ổn định. Trong đó, Nhóm công tác Du lịch của VPSF đề xuất Chính phủ tháo gỡ ba điểm nghẽn chính gồm: quảng bá xúc tiến, thị thực, môi trường an toàn xanh và sạch.

Ông Kiên nhận xét hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực, thấp nhất trong ASEAN, bên cạnh đó, du lịch Việt Nam không có cơ quan quảng bá du lịch quốc gia; chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm…

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết tiếp lời ông Kiên trao đổi về vấn đề Visa.


Ông Hoàng Nhân Chính Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết cần phải tháo nghẽn Visa (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Hoàng Nhân Chính Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết cần phải tháo nghẽn Visa (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Chính cho biết hiện Việt Nam đã mở cửa cho 23 quốc gia với giải pháp miễn thị thực và triển khai áp dụng thị thực điện tử cho 40 nước.

“Mặc dù đây là kỳ tích đối với Việt Nam, nhưng VPSF vẫn hy vọng việc mở cửa, tháo điểm nghẽn về visa tốt hơn trong thời gian tới”, ông Chính nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel thì đưa ra thông tin về mức độ an toàn an ninh của Việt Nam đang ở chót bảng. Ông cho biết ở Việt Nam an ninh thì tốt nhưng an toàn cho khách du lịch tại điểm đến còn nhiều bất cập như nạn chèo kéo, hành hung, trộm cắp… Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu về môi trường của Việt Nam còn rất thấp.


Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel cho biết ở Việt Nam an ninh thì tốt nhưng an toàn cho khách du lịch tại điểm đến còn nhiều bất cập như nạn chèo kéo, hành hung, trộm cắp… (Ảnh: Thành Đạt)

Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel cho biết ở Việt Nam an ninh thì tốt nhưng an toàn cho khách du lịch tại điểm đến còn nhiều bất cập như nạn chèo kéo, hành hung, trộm cắp… (Ảnh: Thành Đạt)

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao những đề xuất của Nhóm công tác Du lịch. Ông nhận xét Nhóm đã nói trúng, nói đúng những điểm nghẽn mà ngành đang đối mặt.

Ông Tuấn cũng nói rằng trên thực tế, từ Hội nghị toàn quốc về Phát triển Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề để tạo điều kiện cho Du lịch phát triển, tuy nhiên những vấn đề được giải quyết vẫn là chưa đủ.


Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn (Ảnh: Thành Đạt)

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn (Ảnh: Thành Đạt)

Vị này cho biết thêm một quỹ hỗ trợ du lịch vũng bắt đầu được nêu vấn đề và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

“Chúng tôi sẽ trình Chính phủ Dự thảo Đề án về Quỹ trong thời gian tới và trong năm 2017, Quỹ sẽ được ra đời, kỳ vọng đem lại khoảng 400-500 tỷ USD/1 năm cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch”.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng bày tỏ hy vọng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DN tư nhân sẽ tiếp tục là động lực và chủ động hơn nữa trong công tác xúc tiến quảng bá để du lịch Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Đối với vấn đề môi trường du lịch, ông Tuấn cho biết Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm với chính quyền địa phương và các cấp liên quan để giải quyết.

Chính phủ cam kết lắng nghe, coi vấn đề của doanh nghiệp là vấn đề bản thân

Sau khi lắng nghe toàn bộ những tâm tư của doanh nghiệp cũng như những cam kết của lãnh đạo các Bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Chính phủ sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn (Ảnh: Thành Đạt)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn (Ảnh: Thành Đạt)

“Các Bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan trực tiếp có mặt hôm nay cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các Diễn đàn với các khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, giải quyết kịp thời các vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý các vấn đề dài hạn, đồng hành với doanh nghiệp, xem các khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình. Cần có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ mà cần phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi thị trường. Công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển nhất là trong cuộc cách mạng 4.0”, Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng cũng nhắn nhủ doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế tư nhân lên từ 50 – 60% GDP. Nhận định này của Thủ tướng đã kết thúc trong tràng pháo tay ròn rã của gần 1.000 doanh nhân.

Trước đó, khi kết thúc 4 phiên thảo luận của diễn đàn đã diễn ra lễ Ký kết biên bản ghi nhớ gữa Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng Chính phủ Úc về hợp tác phát triển VPSF; Ký kết biên bản ghi nhớ giữa đại diện lãnh đạo VPSF và đối tác quốc tế Liên minh thuận lợi hóa Thương mại tòa cầu, Trung tâm doanh nghiệp tư nhân quốc tế.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên