MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôi đã vượt qua những khó khăn của nghề giao dịch viên như thế nào?

30-09-2017 - 13:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Cách đây 10 năm, có một cô bé cầm trên tay bộ hồ sơ xin việc, với chiếc nón bo, áo trắng quần tây đứng lóng ngóng trước cửa ngân hàng Sacombank.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Đặng Huỳnh Như - ngân hàng Sacombank chi nhánh Vĩnh Long gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

-------------------------

Tôi không sao quên được khoảnh khắc lần đầu tiên tôi nộp hồ sơ xin việc tại Sacombank. Cảm giác rất khó tả. Một chút lo sợ, một chút hãnh diện của cô sinh viên mới ra trường khi được anh bảo vệ Sacombank chào đón như một khách hàng lớn. Cảm giác giác run sợ dường như biến mất khi anh bảo vệ đón tôi bằng nụ cười thân thiện và giọng nói ấm áp.

Hơn thế nữa, khi bước vào sảnh giao dịch tôi dường như bị chựng lại bởi có quá nhiều khách hàng và các anh chị giao dịch mặc đồng phục cùng những tiếng chào, câu nói dạ thưa,.. Một hoạt động khác hoàn toàn với không gian bên ngoài. Nhộn nhịp, tất bật mà không lộn xộn. Tôi đang lâng lâng và tưởng tượng mình là cô giao dịch viên ở đây sẽ thế nào nhỉ! bao nhiêu suy nghĩ hiện lên trong đầu và bất chợt anh bảo vệ gọi tôi để hướng dẫn tôi lên phòng nhân sự nộp hồ sơ xin việc.

Thời sinh viên với bao nhiêu mơ ước về nơi mình khởi nghiệp, một môi trường làm việc đúng với chuyên ngành của mình được đào tạo, nhưng không dễ gì tìm được một ngân hàng tuyển dụng đúng công việc mình thích và đúng thời điểm mình đi tìm. Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn tốt nhất, nên sau khi nộp hồ sơ xin việc tại Sacombank, tôi xin làm tiếp thị cho một nhà phân phối hàng tiêu dùng tại thành phố, chấp nhận mức lương ít ỏi chỉ để có kinh nghiệm bán hàng bên ngoài, cách tiếp xúc khách hàng...Kết quả cuối cùng là tôi đã được gọi vào thử việc tại Sacombank sau bao ngày chờ đợi.

Ngày đầu tiên tôi đi làm với biết bao bỡ ngỡ lo sợ, gặp ai cũng khép nép cúi đầu chào bằng một sự tôn trọng. Tôi được sắp xếp học việc và thử việc ở quầy giao dịch. Ngồi phía sau chị giao dịch viên để học hỏi cách giao tiếp với khách hàng và học cách nhập liệu trên máy tính. Mọi thứ dường như suôn sẻ cho đến một ngày tôi được bố trí một vị trí ngồi chính thức, tự xử lý toàn bộ nghiệp vụ từ tiếp nhận nhu cầu, tư vấn cho khách hàng, nhập liệu,… Mọi thứ rối tung, cái gì cũng đến nhanh và dồn dập làm tôi lúng túng không biết làm gì trước làm gì sau, không biết tiếp khách hàng nào và linh động cho khách hàng nào. Bởi khi ngồi phía sau chi giao dịch viên cũ thì dường như mọi việc đã được chị sắp xếp ổn thõa, mình chỉ thực hiện theo yêu cầu từ chị ấy. Chị khách nữ hối ”nhanh nhanh dùm chị”, anh khách kế bên lại “Anh đợi nãy giờ rồi”. Quầy nào cũng đông nghịt, tôi không thể nhờ vã chị kế bên, đành cố gắng trấn tỉnh lại và cố gắng làm nhanh nhất cho khách hàng. Rồi cũng xong hết, mặc dù chậm nhưng khách hàng cũng thông cảm khi biết tôi là một nhân viên mới. Ngước nhìn lên đồng hồ thì đã 17h. Kết thúc ngày làm việc là đống chứng từ ngổn ngang chưa được sắp xếp. Người thì mệt, đầu thì nhức, mắt như nhòa đi nhưng cũng phải cố gắng sắp xếp và kiểm tra lại chứng từ thì mới về…

Vậy đó. Ngày đầu tiên của cô giao dịch viên mới, mọi thứ nhìn chung không đâu vào đâu, cái gì cũng rối tung lên nhưng có lẻ tôi đã cảm nhận được mình đang dần hòa nhập với môi trường Sacombank, đang phải cố gắng hết sức mình, tôi nghĩ ”giờ mình như hai viên đá, đang va vào nhau cốp cốp nhưng chưa có lửa” hy vọng “lửa, lửa nhiệt huyết, lửa công việc” trong tôi sẽ cháy trong thời gian tới.

Ngày hôm sau, ngày kia và ngày kia nữa. Tôi đã không cẩn thận nên nhập liệu sai, hạch toán sai tài khoản thu phí. Khi mang qua chị kiểm soát viên thì bị phát hiện và trả lại, yêu cầu chỉnh sửa. Trưa cùng ngày tôi lại tiếp tục sai một lần nữa cũng cùng một lỗi sai khi sáng. Thế là tôi bị sếp mời lên làm việc, nhắc nhở và chiều hôm đó phải ngồi viết tờ kiểm điểm sai sót. Khi đó tôi mới nhận ra là mình quên ghi lại cũng như chưa biết rút kinh nghiệm những gì đã sai.

Ngày qua ngày, lỗi nhập liệu cũng như việc nhanh chóng cho khách hàng tôi cũng khắc phục được. Nghĩ mình cũng đã tốt hơn, nhưng không. Một ngày mà tôi không quên được, vị khách hàng đã phàn nàn với sếp là “cô giao dịch viên cứ cúi gầm xuống, có tư vấn gì cho tôi đâu!”. Thế là tôi bị gọi vào phòng làm việc, bị la một trận và sau đó là văn bản nhắc nhở. Chiều hôm đó, tôi buồn lắm, nghĩ mình cũng cố gắng làm, làm nhanh cho khách hàng nhưng cũng bị phàn nàn, ”sống sao cho vừa lòng người”. Chấm xong chứng từ cuối ngày, tôi không về mà cứ ngồi thẩn thờ. Nhìn vẻ mặt buồn buồn, dường như chị kiểm soát cũng hiểu được tâm trạng tôi nên chị gọi tôi lại an ủi và giải thích. Cảm thấy lòng như nhẹ lại, mọi khúc mắc được giải tỏa và tôi nhận ra rằng ”làm gì cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm nhận” thì mình sẽ không bị khách hàng phàn nàn nữa.

Người tôi hừng hực như có lửa, lửa nghề nghiệp, lửa chăm sóc khách hàng khi tôi nhận được phản hồi khen ngợi từ khách hàng. Có lẽ sau việc bị phàn nàn, tôi đã làm tốt hơn biết quan tâm chia sẻ, dành thời gian tư vấn khi giao dịch với khách hàng, nói chuyện vui, tạo cảm giác thoải mái khi khách hàng đến giao dịch. Dần dần quầy tôi giao dịch có đông khách hơn, có chị khách chấp nhận chờ tôi mà không chịu sang quầy khác. Có hôm, một khách hàng lớn tuổi mang cả trái mít to đùng đến tặng tôi ”cây nhà lá vườn, gửi con ăn lấy thảo” chỉ vì lần trước tôi đã nhiệt tình tư vấn cho bác ấy bởi con bác đi xuất khẩu lao động, muốn gửi tiền về nhưng không biết phải làm sao. Hôm nay thì bác đến để nhận tiền.

Vậy đó, dần dần mọi việc trôi chảy hơn, ít sai sót hơn và tôi cảm thấy mình tự tin hơn rất nhiều. Bản thân xác định có thể trụ vững ở môi trường mới.

Khi đó PGD Bình Minh khai trương và tôi được điều động về đó công tác. Để chuẩn bị cho công tác khai trương tất cả anh em chúng tôi đã phải đi tiếp thị cả tháng trời, đến bữa thì gặp đâu ăn đó, sáng đi, chiều đi đến sập tối mới về. Rất mệt nhưng hình như ai ai cũng tràn đầy nhiệt huyết, tiếp cận thật nhiều khách hàng để chuẩn bị cho giao dịch ngày khai trương cũng như về sau.

Ngày 24/01/2007 PGD Bình Minh chính thức khai trương hoạt động. Gần như tất cả các khách hàng mà chúng tôi tiếp thị trước khai trương đều đến giao dịch. Trong một ngày, tính riêng số dư tiền gửi khách hàng đã lên trên 20 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch dự kiến của Ban Giám đốc, cũng như so với các đơn vị bạn vào thời điểm đó. Đó cũng là thành quả của anh em chúng tôi đã bỏ ra hàng tháng trời để chuẩn bị.

Thời gian sau khai trương, khách hàng còn mới chưa quen nên lượng khách đến giao dịch ít. Anh trưởng phòng sắp xếp chúng tôi tăng cường ra ngoài tiếp thị. Tôi đi cùng một anh nhân viên tín dụng, chúng tôi đi phát thư ngõ, tiếp xúc các vị lãnh đạo cơ quan ban ngành để tạo mối quan hệ. Đám ma, đám giỗ, đám cưới của khách hàng chúng tôi đều có mặt. Chúng tôi gặp khá nhiều khách hàng khác tại đó và cứ như thế lượng khách hàng của chúng tôi tăng dần theo thời gian.

Tất cả cũng vì mục tiêu chung của phòng, bản thân tôi cũng ngày càng tự tin hơn, chững chạc hơn trong môi trường Sacombank. Thường xuyên ra ngoài tiếp thị khách hàng hơn, chúng tôi đua nhau mời khách hàng về giao dịch.

Xem thêm tất cả các bài viết dự thi

NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG

tại đây

Thời gian 3 năm trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, nhìn lại bản thân mình cũng cảm thấy thỏa mãn với những gì mà mình đã và đang làm. Thấy bản thân cũng được tôi luyện nhiều hơn.

Ngày 28/07/2010 PGD Trà Ôn khai trương hoạt động. Tôi được ban giám đốc cân nhắc lên vị trí Trưởng bộ phận hỗ trợ Phòng giao dịch Trà Ôn.

Ở vị trí mới, thử thách mới nhưng với tôi mọi thứ được giải tỏa bằng hai từ ”nhiệt huyết”. Nếu nhiệt huyết, yêu mến khách hàng thì mọi việc không còn khó khăn. Với cương vị là trưởng bộ phận, tôi luôn truyền lửa cho nhân viên, giúp nhân viên tự tin giao dịch khách hàng, chia sẻ lúc các bạn ấy gặp khó khăn, tạo mọi cơ hội cho các bạn giống như trước đây sếp tôi đã tạo điều kiện cho tôi. Và cứ như thế, sau 3 năm hoạt động, PGD Trà ôn đã đạt được thành tích 3 năm liền xuất sắc khu vực Tây Nam Bộ.

Và hôm nay ở vị trí Phó phòng Kinh doanh, dù có những giai đoạn thăng - trầm của công việc, của ngành ngân hàng trong môi trường không thuận lợi nhưng lòng yêu nghề và ngọn lửa nhiệt huyết của những ngày đầu trong tôi vẫn luôn bùng cháy.

Tôi - 10 năm trước, nhút nhát, ít nói, thiếu tự tin khi tiếp xúc khách hàng.

Tôi của hiện tại, bước vào tuổi 30 xinh đẹp hơn, vững vàng và tự tin hơn.

Đặng Huỳnh Như

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên