MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho ngành đường tăng, cổ phiếu giảm

Lượng tồn kho toàn ngành 400.000 tấn gây lo ngại tới các doanh nghiệp trong ngành, nhất là khi hiệp định ATIGA còn treo lơ lửng.

Đà giảm của cổ phiếu

Ba tháng gần đây, trong khi thị trường chứng khoán thăng hoa và chính thức vượt đỉnh lịch sử 1.170 điểm, nhiều nhóm cổ phiếu lấy lại đà hưng phấn như dầu khí, ngân hàng... Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu mía đường vẫn trong đà giảm.

Cụ thể, SBT giảm 11% còn 18.200 đồng/cp, LSS giảm 20% còn 9.100 đồng/cp, KTS giảm 39% còn 23.400 đồng/cp và SLS giảm 43% còn 89.000 đồng/cp.

Cá biệt, cổ phiếu SLS còn có hai phiên ngày 19/3 và 20/3 nằm sàn liên tiếp với dư bán trên 30.000 cổ phiếu mỗi phiên trong khi vừa lập đỉnh hồi đầu năm (156.900 đồng/cổ phiếu).

Tồn kho ngành đường tăng, cổ phiếu giảm - Ảnh 1.

Diễn biến giá các cổ phiếu trong 3 tháng gần nhất (Nguồn: VND)

Trước tình hình này, SLS phát đi thông tin lý giải ảnh hưởng giá cổ phiếu do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi giá đường trên thị trường xuống thấp. Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thông tin dự báo nhiều khó khăn của ngành mía đường khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, ATIGA không phải là khó khăn duy nhất với ngành đường, bởi lẽ chưa có thông tin thực thi ở thời điểm hiện tại. Giá đường xuống thấp, đang trong chu kỳ giảm và đặc biệt là tồn kho lớn mới là thách thức trước mắt của ngành.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2017 - 2018, tại ngày 31/12/2017, tổng tồn kho của 4 doanh nghiệp niêm yết là 2.612 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ niên độ trước. Trong đó, SBT có lượng tồn kho tăng 47% còn SLS, KTS và LSS đều giảm.

Cụ thể tồn kho SLS giảm 48% xuống còn 110 tỷ đồng; KTS giảm 90% xuống còn 10,6 tỷ đồng, LSS giảm 3% xuống còn 534 tỷ đồng. Riêng SBT tăng 47% lên 1.957 tỷ đồng và là doanh nghiệp tồn kho cao nhất trong các doanh nghiệp niêm yết sàn. Tuy nhiên cũng phải chú ý, SBT có thị phần khoảng 40 - 50% lượng đường cả nước.

Tồn kho ngành đường tăng, cổ phiếu giảm - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng

Thông tin cập nhật mới nhất từ SBT, tính đến tháng 3/2018, SBT có lượng tồn kho là 150.000 tấn đường, chiếm 37% tổng tồn kho của cả nước. Tuy nhiên, con số tồn kho này đã thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc thù của ngành đường VN là sản xuất trong 6 tháng nhưng tiêu thụ tới 1 năm. Việc tồn kho của ngành là bình thường, không phải là tồn kho không bán được. Trước đây, do tập quán kinh doanh cung thấp hơn cầu, các thương lái đã mua sẵn đường sau khi kết thúc niên vụ, các nhà máy đóng máy, đường đã hết tại kho nên có thể hiểu tồn kho nằm ở các thương lái. Gần đây, khi đường Thái Lan không chênh giá nhiều so với đường Việt Nam, các thương lái không còn tích trữ đường nên đường nằm tồn kho tại các nhà máy. Vì vậy, tồn kho ngành đường chỉ đang chuyển từ dạng này qua dạng khác.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, tồn kho ngành đường là chuyện hết sức bình thường, vấn đề là cao hay thấp. Tồn kho toàn ngành 400.000 tấn vẫn là mức trung bình, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do tồn kho từ năm ngoái cộng thêm sản lượng của các nhà máy từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, diện tích trồng mía của cả nước vẫn ở mức 280.000 ha tức là vẫn đang nằm trong quy hoạch 300.000 ha.

ATIGA, lo hay không?

Theo đúng lộ trình, từ ngày 1/1/2018, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đi vào thực thi, đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%.

Tuy nhiên, Thái Lan đang xem xét bãi bỏ chính sách bảo hộ ngành đường theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhưng để dàn xếp việc này, chính phủ Thái Lan lại đang tìm một số cách bảo hộ khác. Ở Trung Quốc, Chính phủ tiếp tục giữ mức giá nội địa cao để bảo hộ đường trong nước, mở thêm cơ chế nhập khẩu đường từ các nước không sản xuất đường từ mía. Bối cảnh chung là các quốc gia tiếp tục bảo hộ ngành đường trong nước.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá hiệp định ATIGA bỏ hạn ngạch thuế quan và khiến nhiều người lo ngại ngành đường trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán có nên bảo hộ ngành đường trong nước hay không, cần đánh mức độ tác động của đường nhập khẩu đối với các nhà máy và đời sống nông dân trồng mía. Nếu đường nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến ngành đường nội địa, các cơ quan chức năng sẽ điều tra và đề xuất những biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT SBT cho biết thêm, dù ATIGA có được thực thi hay gỡ bỏ thì việc chuẩn bị cho cạnh tranh vẫn là cần thiết. Sự cạnh tranh của ngành đường thực chất là cạnh tranh với Thái Lan. Làm sao để giảm giá mía, tăng năng suất vùng trồng, giảm chi phí sản xuất, mở rộng được thị phần. Đặc biệt, sự cạnh tranh công bằng, minh bạch là yếu tố quan trọng khi thị trường mở cửa.

Theo Khổng Chiêm

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên