MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Không chọn cán bộ có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc

Đây là nội dung được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong bài viết có tiêu đề "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cho biết chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, cho sự sống còn của chế độ. Theo ông, thực tế cho thấy trong hoàn cảnh nào, đặc biệt là vào những thời điểm quyết định hoặc mang tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ chiến lược.

Ông cho biết chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất.

"Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Việt Nam sau 35 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ tuy đông và có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ, năng lực được nâng lên… nhưng chưa thật mạnh. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu, uy tín thấp, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Ông cho biết tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, một số cán bộ bị xử lý hình sự.

"Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Do đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng là một sự kiện chính trị rất quan trọng.

Đại hội cũng được diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Sự nghiệp cách mạng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; "diễn biến hòa bình") vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm…

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề.

Để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự T.Ư khoá XIII. Đây là công việc vô cùng quan trọng.

"Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?", ông cho biết. 

Từ đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức , lối sống trong sáng, gương mẫu; có trí tuê, tầm nhìn, năng lực, làm việc có hiệu quả...Nói tóm lại là phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc.

Ông đặc biệt nhấn mạnh: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người có một trong các khuyết điểm: 

-Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh

-Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; 

-Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị;

-Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút; 

-Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; 

-Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành T.Ư mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị…

An Bình

VGP

Trở lên trên