Tổng công ty lớn nhất ngành dệt của Vinatex bị nhà đầu tư 'ngó lơ' khi mới lên sàn
Chỉ có một lượng nhỏ cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên giao dịch đầu tiên nhưng đã cuốn bay gần 300 tỷ đồng vốn hóa của Tổng Công ty lớn nhất ngành dệt của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Sau khi 2 thành viên tên tuổi của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là May Việt Tiến (VGG) và Việt Thắng (TVT) lần lượt lên sàn chứng khoán, một công ty chủ chốt nữa của Vinatex là Tổng Công ty Phong Phú (PPH) đã chính thức đặt chân lên sàn chứng khoán vào ngày 23/8 vừa qua.
73,35 triệu cổ phiếu PPH của Phong Phú đã được giao dịch trên UpCOM với mức giá giá chào sàn được xác định là 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá khoảng 1.830 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu PHH cũng khá tương đồng với 2 cổ phiếu VGG và TVT trong thời gian gần đây.
Vừa chào sản, PPH giảm ngay 16% giá trị, xuống còn 21.000 đồng cổ phiếu, tương đương mức định giá 1.540 tỷ đồng cho một doanh nghiệp hàng đầu ngành dệt may với bề dày lịch sử 53 năm hình thành và phát triển. Dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu PPH trong phiên đầu tiên là rất thấp với chỉ 7.100 cổ phiếu được chuyển nhượng.
Cổ phiếu của Việt Tiến lẫn Việt Thắng chưa hấp dẫn nhà đầu tư kể từ khi lên sàn
Tiền thân của Tổng Công ty CP Phong Phú là Nhà máy Dệt Sicovina - Phong Phú trực thuộc Công ty kỹ nghệ Bông Vải Sợi Việt Nam do Chính quyền Sài Gòn cũ trực tiếp quản lý, được thành lập năm 1964 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1967. Đến năm 2009, sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa, Công ty đã đổi tên thành Tổng Công ty CP Phong Phú, với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. Năm 2014, PPH tăng lên thành 733,5 tỷ đồng. PPH cũng là công ty con có quy mô lớn nhất của Vinatex (nắm 51% vốn điều lệ).
Nguồn sống chính từ liên doanh Anh - Việt
Có thể nói, nếu như Việt Tiến nổi tiếng trên thị trường bằng các sản phẩm thời trang may mặc, các sản phẩm sợi vãi của Việt Thắng là thì doanh nghiệp sắp lên sàn lần này là một tên tuổi nổi tiếng với 2 sản phẩm nổi tiếng là khăn bông và chỉ sợi. Các nhãn hiệu khăn bông nổi tiếng như Mollis, Macio, Venti, Tepido, Hải Vân, Hải Cẩu…
Đáng chú ý nhất là các sản phẩm khăn mang thương hiệu Mollis. Các sản phẩm khăn bông Mollis và Mollis Extra của PPH được phân phối trực tiếp tới hơn 600 khách hàng gồm các đại lý, hệ thống siêu thị trên toàn quốc như CoopMart, BigC, Metro, Aeon, Lotte Mart, E-Mart, Maxi Mart, Vin Mart, Saigon Satra… và các khách hàng lớn như Shigemitsu, Hayashi, Hirose, Nojima, Aeon, Target, Harbor Linen, Anvil, K-mart, Sinelco, Bệnh viện Từ Dũ…
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của PPH chính là chỉ sợi, các sản phẩm chỉ sợi của PPH được dùng làm chỉ khâu và may họa tiết trên quần khaki, jeans… theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu. Đây là sản phẩm của liên doanh Anh – Việt giữa Tập đoàn công nghiệp Coats của Anh và PPH được thành lập từ năm 1989. Hiện PPH đang sở hữu 35% vốn trong Công ty TNHH Coats Phong Phú.
Mặc dù PPH hiện có đến 6 công ty con hoạt động trong ngành may mặc và khoản đầu tư gần 570 tỷ đồng vào 9 công ty liên doanh liên kết. Tuy nhiên, đóng góp của các công ty liên kết của PPH trong nhiều năm qua chủ yếu đến từ sợi chỉ của liên doanh Anh- Việt. Trong 6 tháng đầu năm nay, một mình Coats Phong đóng góp 150 tỷ đồng vào lợi nhuận của PPH.
Lợi nhuận cả Tổng công ty phụ thuộc vào liên doanh với Coats (nguồn: BCTC PPH)
Kế hoạch lợi nhuận giảm
Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của PPH hiện nay cũng không thoát khỏi những khó khăn chung của ngành khi nhu cầu chung của thế giới về dệt may giảm và cạnh tranh gay gắt với các đối thủ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan,...
Năm 2016 doanh thu của PPH giảm 16,6% so với năm 2015. Chỉ nhờ việc đầu tư vào máy móc thiết bị tiên tiến, giảm chi phí nhân công đã giúp PPH cắt giảm chi phí, hạ tỷ trọng giá vốn trên doanh thu từ 89,5% năm 2015 xuống 85,8% trong năm 2016.
Doanh thu của PPH đang trên đà suy giảm (Nguồn: BCTC PPH)
PPH cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2018 ngành Sợi Phong Phú sẽ đầu tư nhiều dự án để tăng năng lực, cụ thể năm 2016 đầu tư 01 dây chuyền kéo sợi 2 - 3 vạn cọc sản xuất sợi 100% cotton chải kỹ, sợi compact; năm 2017 tiếp tục đầu tư 01 dây chuyền kéo sợi 2 - 3 vạn cọc chuyên dùng cho vải dệt kim cao cấp và vải denim …nhằm tạo sự liên kết chuỗi sản xuất khép kín.
Bên cạnh đó, Phong Phú cũng đang đầu tư Dự án phục vụ sản xuất của ngành. Theo Công ty, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với một số khó khăn trong việc bố trí sắp xếp lại cơ sở sản xuất cách xa khu dân cư theo quy hoạch của địa phương, thành phố. Vì vậy, Phong Phú đã hợp tác với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn định hướng đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Dự án với điều kiện thuận lợi phục vụ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Dự án có diện tích gần 90ha được quy hoạch hài hòa các khu để tạo thành một tổ hợp hoàn thiện các ngành nghề dệt may hoàn chỉnh. Ngoài ra dự án với hệ thống xử lý nước thải khép kín, dịch vụ tiện ích, cơ sở hạ tầng tốt nhằm tạo điều kiện, môi trường sản xuất kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp dệt may.
Với các khoản đầu tư trên, chi phí tài chính và khấu hao sẽ dự kiến tăng cao. Theo đó, PPH đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận sụt giảm 28,75% so với thực hiện trong năm 2016. Dù vậy, theo số liệu BCTC hợp nhất quý 2/2017, PPH đã đạt được mức lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng tương ứng 70,69% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017. Tại thời điểm 30/6/2017, PPH có tổng nguồn vốn 5.057 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn và dài hạn gần 3.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu 1.594 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ