MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng công ty sông Đà thoái vốn khỏi thép Việt Ý, Công ty thương mại Thái Hưng trở thành cổ đông lớn

Trong phiên hôm nay, trái với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, VIS đã tăng trần lên mức giá 12.800 đồng, tức ghi nhận mức tăng hơn 113% kể từ tháng 3/2016 đến nay.

Phiên giao dịch buổi chiều ngày 02/08, cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý xuất hiện giao dịch thỏa thuận 26,1 triệu cổ phiếu tại giá trần (12.800 đồng/cp), tương đương 334,16 tỷ đồng. Số cổ phiếu này đúng bằng với số cổ phiếu mà Tổng công ty Sông Đà đăng ký thoái vốn.

Ngay sau đó, thép Việt Ý đã thông báo cho biết, đây chính là giao dịch thoái vốn của Tổng công ty sông Đà. Một trong số những nhà đầu tư mới tham gia mua lại phần vốn này là Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng. Sau giao dịch này, Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng sẽ trở thành cổ đông lớn của Thép Việt Ý.

Công ty thương mại Thái Hưng, tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ kim khí Thái Hưng được thành lập ngày 22/5/1993 theo Quyết định số 291/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Công ty này hoạt động theo mô hình tập đoàn, sở hữu khối tài sản cố định lên đến 4.100 tỷ đồng.

Thông báo cũng cho biết, Thái Hưng đang duy trì nguồn cung chiếm tới gần 12% tổng sản lượng thép của cả nước.

Trước đó, Tổng công ty Sông Đà đã đăng ký thoái vốn khỏi Thép Việt Ý từ đầu tháng 11/2015 nhưng do diễn biến thị trường không thuận lợi nên 3 lần đăng ký thoái vốn đều bất thành.

Trong phiên hôm nay, trái với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, VIS đã tăng trần lên mức giá 12.800 đồng, tức ghi nhận mức tăng hơn 113% kể từ tháng 3/2016 đến nay.


Diễn biến giá VIS 6 tháng qua

Diễn biến giá VIS 6 tháng qua

Sau quý 1/2016 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh thì VIS vừa công bố BCTC quý 2/2016 với doanh thu thuần đạt gần 644 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và LNST chỉ hơn 587 triệu đồng, giảm 80% so cùng kỳ.

Nguyên nhân được công ty cho biết, sau khoảng thời gian sôi động đầu năm, bước sang quý 2 thị trường thép đã hạ nhiệt làm cho các nhà kinh doanh thép và các chủ công trình xây dựng lo lắng, hoạt động mua bán thép do đó cầm chừng. Kết quả là lượng tiêu thụ thép quý 2/2016 của VIS giảm mạnh.

Bên cạnh đó, toàn bộ hàng tồn kho VIS mua về để phục vụ sản xuất kinh doanh đều có giá tồn kho cao do giá thép giảm mạnh. Điều này buộc VIS phải trích lập dự phòng hàng tồn với 4,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VIS còn phải trích dự phòng phải thu khó đòi hơn 19 tỷ đồng.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên