Tổng giám đốc VinaCapital: Giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững!
Năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP là hơn 130%, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP. Nhưng thị trường vốn và thị trường tín dụng vẫn đang rơi vào tình trạng mất cân bằng.
- 06-05-2019Ấn Độ chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 ra sao?
- 06-05-2019Hà Nội chính thức sử dụng dịch vụ thuế điện tử từ 6/5
- 06-05-2019Bộ Công thương lập đoàn kiểm tra tăng giá điện: Chuyên gia nói gì?
Trong những năm vừa qua, Đảng và nhà nước đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận vốn tín dụng như: tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính mới với chi phí hợp lý.
Cùng với đó là sự phát triển đa dạng các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm...
Nhà nước cũng đẩy mạnh việc cơ cấu lại và phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh để chứng khoán thực sự trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đó, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận vốn.
Sự mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ cơ chế chính sách đến bản thân doanh nghiệp và cả các định chế tài chính đều đang tạo áp lực lớn lên hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là thị trường vốn trung và dài hạn.
Vì vậy, khơi thông dòng vốn trung và dài hạn giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital đưa ra 3 kiến nghị tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với Đảng, Quốc hội và Chính phủ về các chủ trương, chính sách lớn như sau: "Thứ nhất là các cơ chế, chính sách dành cho thị trường vốn cần được xây dựng và ổn định tạo sự phát triển công bằng đối với thị trường tài chính, giảm lệ thuộc nhiều vào vốn trung và dài hạn từ hệ thống ngân hàng. Đây mới là bước đi dài hạn, bền vững và lành mạnh. Thứ hai, trong quá trình phát triển thị trường vốn, cần ưu tiên xây dựng và hình thành các mô hình tài chính mới. Thứ ba, minh bạch hóa thị trường tài chính cần được coi là quan điểm trọng tâm và tiêu chí ưu tiên trong chỉ đạo điều hành".
Về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường vốn trung và dài hạn, ông Don Lam cho biết, cần đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu thị trường tài chính và các định chế tài chính, chủ động ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cho phép vận hành mô hình tổ chức tài chính mới như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư bất động sản. Tiếp theo là nâng cấp cơ sở hạ tầng tài chính, sớm kiện toàn và cho thành lập mới công ty xếp hạng tín nhiệm. Thứ ba là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, để có cơ sở dữ liệu lớn cho thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, cần tăng cường minh bạch thông tin với cơ quan quản lý, với thị trường và nhà đầu tư, chú trọng giáo dục tài chính giúp người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nâng tầm thì mới có thể phát triển thị trường tài chính bền vững.
Cũng cần có biện pháp tăng tính thanh khoản cho cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, qua đó tăng niềm tin đối với nhà đầu tư, giảm chi phí giao dịch và tăng luân chuyển vốn cho nền kinh tế. Cuối cùng, cần phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác tốt hơn, đồng thời hết sức chủ động thực thi chính sách.