Thu ngân sách từ đất tại Bình Dương tăng gần 5 lần, công ty của vợ chồng CEO Nguyễn Phương Hằng đóng góp lớn
CTCP Đại Nam trong năm 2020 đã nộp tiền sử dụng đất 1.234 tỷ đồng cho ngân sách Bình Dương.
- 26-05-2021Vì sao nhiều người muốn nhập cư vào Bình Dương?
- 25-05-2021Địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất năm 2020? Đáp án không phải Bình Dương
- 23-05-2021Thu nhập bình quân cao nhất cả nước, Bình Dương cũng là nơi có diện tích nhà ở bình quân thấp nhất
Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp lớn. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721 ha. Trong đó có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021ha, chiếm tới ¼ diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%.
Hiện các khu công nghiệp đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các khu công nghiệp tập trung.
Tốc độ phát triển của Bình Dương thời gian vừa qua có thể coi là nhân tố tích cực để thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư bất động sản, đất đai. Đây cũng là yếu tố tích cực thúc đẩy nguồn thu thuế từ lĩnh vực bất động sản và đất đai cho ngân sách địa phương.
Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng nguồn thu từ đất tại tỉnh Bình Dương tăng gấp 4,8 lần (năm 2014 khoảng 1.652 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 8.078 tỷ đồng).
Đặc biệt, nguồn thu tiền sử dụng đất phát sinh từ một số dự án lớn đã giúp tăng thu đột biến khoảng 4 lần (năm 2014: 1.095 tỷ đồng, năm 2020: 4.156 tỷ đồng).
Trong đó, chỉ riêng CTCP Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng, trong năm 2020 đã nộp tiền sử dụng đất 1.234 tỷ đồng.
Ngoài việc được biết đến với dự án Khu du lịch Đại Nam 450ha, công ty này còn là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản trọng điểm tại tỉnh Bình Dương như Khu đô thị Trung tâm Hành chánh Huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2. Công ty này cũng là chủ đầu tư của 2 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Với số lượng dự án bất động sản lớn như vậy, dễ hiểu khi nguồn tiền sử dụng đất phải nộp của công ty này lại phát sinh rất lớn.
Ngoài CTCP Đại Nam, một số công ty nộp tiền thuê đất một lần (cho nhiều năm) lên đến hàng trăm tỷ đồng cũng đã góp phần tăng thu ngân sách Bình Dương trong những tháng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, cũng theo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, các nguồn thu thuế từ tiền thuê đất, thuế bảo vệ môi trường của tỉnh dự kiến sẽ có mức thu giảm trong năm nay, do năm trước một số doanh nghiệp nộp tiền thuê đất trả một lần có giá trị lớn nhưng năm nay không phát sinh.