MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Trump đang "mắc kẹt"?

10-04-2017 - 09:04 AM | Tài chính quốc tế

​Chính quyền Donald Trump đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này không chỉ tổn hại tới nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới.

Tháng 1/2017, Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Khác với đối thủ từ Đảng Dân Chủ với bề dày hoạt động chính trị, điểm nổi bật nhất của ông Trump là một doanh nhân có thể hoàn thành mọi việc. Với cử tri ủng hộ Trump, những phát ngôn giật gân hay thậm chí scandal xúc phạm nữ giới của ông chỉ là thứ yếu. Nhiều người hâm mộ Trump thậm chí còn coi ông là vị cứu tinh chân thật.

Tuy nhiên, sau 70 ngày tại nhiệm, con đường của ông Trump chưa thực sự “thuận chèo mát mái”. Dự luật chăm sóc sức khoẻ của ông vấp phải sự phản đối của Quốc Hội dù phần lớn thành viên Quốc Hội thuộc Đảng Cộng Hoà. Nỗ lực ngăn chặn người nhập cư vào Mỹ của ông cũng bị toà án bác bỏ.

Donald Trump là tổng thống đầu tiên có tỉ lệ ủng hộ thấp kỷ lục dù mới ở đầu nhiệm kỳ. Dường như nhiệm kỳ tổng thống của Trump khá hỗn loạn và có thể đem lại nhiều nguy cơ. Đó có thể là chiến tranh thương mại, khủng hoảng tại các nước Baltic hay xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump không phải là tài phiệt đầu tiên nhận ra kinh doanh và chính trị vận hành theo những quy định khác biệt. Trong kinh doanh, nếu đàm phán thất bại, bạn có thể tìm một đối tác khác. Tuy nhiên, với chính trị, rút lui không dễ dàng như vậy. Ngay cả nếu ông không coi trọng Đảng Cộng Hoà – những người đã phản đối dự luật chăm sóc sức khoẻ của ông, thì ông vẫn phải làm việc cùng họ.

Bản chất của quyền lực chính trị cũng rất khác biệt. Khi là chủ sở hữu và giám đốc điều hành một doanh nghiệp, Trump nắm toàn quyền kiểm soát. Hiến pháp cũng chỉ đóng vai trò ngăn chặn tình trạng chuyên chế trong kinh doanh.

Tuy nhiên, với chính trị, nếu hành động hợp lý, thì việc chiếm ưu thế là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, khi toà án đặt câu hỏi về tính hợp pháp của lệnh cấm nhập cảnh, họ chỉ đang làm đúng chức trách của mình. Tương tự, việc Đảng Cộng Hoà không thông qua dự luật chăm sóc sức khoẻ của ông không chỉ phản ánh phần nào sự chia rẽ trong Đảng, mà còn cho thấy dự luật này không thể đảm bảo quyền lợi cho mười triệu người Mỹ mà không tăng thuế.

Bên cạnh đó, có vẻ như ông Trump đang “khoác một chiếc áo quá khổ”. Thoả hiệp chính trị là một khái niệm mới. Ông còn tỏ ra khó chịu trước những hạn chế do vị trí người đàn ông quyền lực nhất thế giới mang đến.

Theo dõi hàng loạt chia sẻ của ông trên Twitter, người ta nhận thấy ông thường xuyên chỉ trích người khác: truyền thông đưa tin sai sự thật về ông, kết quả bầu cử bị gian lận khiến Trump mất đi hàng triệu phiếu bầu, các cơ quan tình báo không trung thành hay các cuộc gọi của ông bị nghe trộm. Điều này có vẻ không phù hợp với hình tượng của một tổng thống.

Hiện nay, các nhà đầu tư trên thị trường đang trông đợi Tổng thống Trump và Đảng của ông thông qua dự luật cải cách thuế và kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện nay các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt với mức thuế cao và không có động lực “hồi hương” lợi nhuận. Quy định về thuế cá nhân còn tồn tại nhiều lỗ hổng và đặc quyền, chủ yếu đem lại lợi ích cho người giàu. Bên cạnh đó, hệ thống sân bay chật chội cùng đường cao tốc xuống cấp cũng làm giảm hiệu suất.

Ông Trump từng tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề thuế. Và để tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ, có lẽ ông sẽ phải đồng thời xử lý cả vấn đề cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, vấn đề cải cách thuế cũng đầy rẫy nguy cơ như dự luật chăm sóc sức khoẻ. Phần lớn các kế hoạch của Đảng Cộng Hoà thường “đi lùi”. Để cải cách thuế được thông qua, Trump và nhóm của mình cần đề xuất một kế hoạch chi tiết và xây dựng liên minh. Nếu danh tiếng của Trump tiếp tục đi xuống, thì nhiệm vụ thuyết phục Đảng Cộng Hoà sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Nếu Trump nổi giận với Quốc Hội, ông chắc chắn sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà ông có toàn quyền quyết định. Tân tổng thống đã tận dụng triệt để các sắc lệnh hành pháp và hứa hẹn sẽ khai thác hệ thống công chức nhằm buộc họ phải thông qua lịch trình hoạt động của mình.

Về mặt lý thuyết, ông có thể bãi bỏ một phần các quy định trong nền kinh tế, ví dụ như trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, tới nay, các sắc lệnh hành pháp của Trump đều không thực sự hiệu quả. Cùng chung tình trạng là lĩnh vực thương mại. Ông Trump có thể sẽ phối hợp cùng Tổ chức Thương mại Thế giới để mở cửa thị trường. Như vậy, những nhà kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc trong nhóm của ông sẽ có lợi thế hơn cả. Khi đó, bảo hộ thương mại sẽ tăng cao, các chính sách ngoại giao cũng theo hướng hiếu chiến hơn.

Những người Mỹ bỏ phiếu cho Trump lựa chọn đặt niềm tin vào một nhà tài phiệt với niềm tin có thể thay đổi Washington. Nhưng ở giai đoạn đầu, dường như nhiệm kỳ của ông không được như mong đợi.

Quỳnh Mai

Economist

Trở lên trên