Tổng thống Trump đổ lỗi cho hiệp định thương mại nhưng đây mới là lý do thực sự khiến dân Hàn Quốc không mua xe Mỹ
Tổng thị phần của Hyundai và Kia ở Mỹ dao động khoảng từ 8% đến 9% trong thập kỷ này. Trong khi đó, chỉ 1% lượng ô tô được mua ở Hàn Quốc hồi năm ngoái là đến từ Mỹ.
- 21-11-2017Chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump đang gặp vấn đề gì?
- 19-11-2017Nhìn lại chính sách ngoại giao của ông Trump tròn 1 năm sau đắc cử
- 07-07-2017Một hiệp định thương mại có các thành viên chiếm 1/3 GDP toàn cầu vừa được chốt
Một điều hết sức bất ngờ với Tổng thống Donald Trump và người dân Detroit là lý do thật sự khiến người tiêu dùng Hàn Quốc không mua xe Mỹ không hề liên quan gì đến thỏa thuận thương mại “kinh khủng” như cáo buộc của ông Trump. Mặc dù đúng là Hàn Quốc đã từng áp thuế 8% lên ô tô Mỹ (rồi hạ xuống còn 4% và từ năm ngoái thuế được bãi bỏ hoàn toàn), nhưng các chuyên gia đang cho rằng một mức giá thấp hơn sẽ không làm cho xe Mỹ hấp dẫn hơn chút nào ở thị trường Hàn Quốc.
Tổng thị phần của Hyundai và Kia ở Mỹ dao động khoảng từ 8% đến 9% trong thập kỷ này. Trong khi đó, chỉ 1% lượng ô tô được mua ở Hàn Quốc hồi năm ngoái là đến từ Mỹ, theo dữ liệu của Hiệp hội phân phối và nhập khẩu ô tô Hàn Quốc.
Và đây là lý do vì sao các nhà sản xuất ô tô Mỹ đã có một khoảng thời gian khó khăn để thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, cũng như vì sao nếu chỉ dùng đến các rào cản thuế quan và phi thuế quan thôi sẽ không làm cho hoàn cảnh khó khăn của Detroit “dễ thở” hơn chút nào ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.
Đó là một thỏa thuận
Tổng thống Donald Trump “sẽ không để cho Mỹ bị lợi dụng thêm nữa trong các vấn đề thương mại”. Đó là những gì mà ông Trump đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) vừa được tổ chức ở Việt Nam, trước đại biểu đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ông cũng nói rõ rằng bản thân ông thấy mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với Hàn Quốc là không công bằng khi nước Mỹ hiện phải chịu thâm hụt thương mại lên đến 27,7 tỉ USD.
Nguồn thâm hụt lớn nhất của Mỹ với Hàn Quốc là nằm ở lĩnh vực ô tô. Theo đại diện thương mại Mỹ, hiện Mỹ phải nhập khẩu từ Hàn Quốc một lượng ô tô có giá trị nhiều hơn 24 tỉ USD so với chiều ngược lại, chiếm khoảng 86% trong tổng thâm hụt thương mại. Ngoài ra, tổng thâm hụt mại đã tăng gấp đôi kể từ khi thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn (KORUS) được ký kết vào năm 2012.
KORUS đã hạ mức thuế và từ đó làm giảm giá xe Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhưng nó không mang lại lợi nhuận bất ngờ cho Detroit. Lượng ô tô Hàn Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã tăng gấp ba kể từ khi KORUS được ký, nhưng do người Hàn mua nhiều xe nhập khẩu hơn nên tỷ trọng ô tô Mỹ trong tổng số xe nhập khẩu chỉ tăng nhẹ. Trước khi KORUS được ký kết, 7,9% lượng ô tô ngoại được mua là đến từ Mỹ, và con số đó là 8,2% vào năm 2016, theo dữ liệu của KAIDA.
Vì thế, rõ ràng rằng giá ô tô giảm không thôi thì sẽ không hấp dẫn được người tiêu dùng mua xe Ford hay xe Jeep.
Xe sang ở đâu?
Những người tiêu dùng Hàn Quốc tìm kiếm giá rẻ nhất sẽ mua một chiếc xe nội địa. Một chiếc Kia Morning 2017 mới có giá 8.475 USD, còn Hyundai Accent 2017 có giá khoảng 10.242 USD. Trong khi đó, chiếc Ford rẻ nhất được bán ở Hàn Quốc lại có giá đến 28.000 USD, ngay cả nếu được bán bằng với giá ở Mỹ là 18.000 USD thì tính ra cũng gần gấp đôi so với một chiếc xe Hàn Quốc tương tự.
Vì lý do đó, và có lẽ vì lòng yêu nước xưa nay vẫn vậy, người Hàn Quốc có khuynh hướng chọn xe do chính người dân mình sản xuất. Năm ngoái, 85% trong tổng lượng xe được mua ở đất nước này là có xuất xứ trong nước. “Người Hàn Quốc hiện thích mua xe của họ hơn. Sẽ rất khó để thay đổi sở thích đó”, Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markitt, cho biết.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do Samsung Card tiến hành đầu năm nay cho thấy rằng người Hàn Quốc tỏ ra hạnh phúc khi bỏ ra một món tiền lớn cho chiếc ô tô của họ. Những người ở độ tuổi 40 sẵn lòng bỏ ra trung bình 33.750 USD cho một chiếc xe mới, trong khi những người ở độ tuổi đôi mươi lại muốn bỏ ra khoảng 22.600 USD. Với cả 2 nhóm, số tiền đó là khoảng 2/3 thu nhập của họ.
Vì thế, các nhà sản xuất xe sang đang ngày càng quan tâm tới thị trường Hàn Quốc. Và theo tin Financial Times đưa hồi năm 2016, họ đã có được một số thành công đáng khích lệ, khi 9,3% trong tổng số ô tô nhập khẩu là có giá 100.000 USD trở lên.
Những thương hiệu nước ngoài được mua nhiều nhất là Mercedez-Benz (với 56.343 chiếc), BMW (48.459 chiếc) và Audi (16.718 chiếc), theo dữ liệu của KAIDA.
Khi người dân Hàn Quốc xem xét một chiếc xe ngoại, đó là vì họ đang cố gắng phô trương một biểu tượng địa vị để thu hút sự chú ý, chứ không phải là một chiếc minivan an toàn, tiện dụng để đưa đón lũ trẻ. Nhưng với nhiều người dân Hàn, đó chính là những gì mà các ô tô Mỹ đang mang lại vào thời điểm hiện tại. Chúng không hợp thời trang chút nào.
Ford đã bán được 11.220 chiếc, trong khi Land Rover bán được 10.601 chiếc. Nói cách khác, chỉ có thêm một lượng nhỏ người dân Hàn Quốc thích những chiếc Ford thoải mái, đáng tin cậy hơn so với một chiếc xe “uống xăng như hạm” có giá 52.000 USD ở đất nước này. Còn với Cadillac, loại xe sang nhất của Mỹ, họ đã bán được gấp ba số xe so với Porsche.
Vì thế, các chuyên gia đang thúc giục những nhà sản xuất ô tô Mỹ hãy tăng tốc. “Về cơ bản thì giải quyết các rào cản phi thuế quan sẽ không thể làm tăng tính cạnh tranh của xe Mỹ. Những gì chúng tôi thật sự muốn nói với người Mỹ là: hãy làm xe tốt, hãy làm những chiếc xe mà người tiêu dùng Hàn Quốc thích”, một quan chức cao cấp trong chính phủ Hàn Quốc nói với Reuters hồi tháng 7.
Kim Pil-soo, giáo sư tại đại học Daelim, cũng có quan điểm tương tự: “Nâng cấp xe của họ và đáp ứng được sở thích hạng sang của người tiêu dùng quan trọng hơn là ngồi đó than phiền về các rào cản phi thuế quan”.
Nói cách khác: không phải là do thuế, mà vấn đề là nằm ở những chiếc xe!