Top 10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất và nhỏ nhất
Không phải cứ những nơi có thu nhập bình quân cao thì bất bình đẳng sẽ cao. Các địa phương có chênh lệch giàu nghèo thấp lại đứng thứ hạng cao về thu nhập.
- 30-06-2022Mỗi ngày thu hơn 4.300 tỷ đồng tiền thuế
- 30-06-2022Đóng BHXH tự nguyện tối thiểu ra sao thì được hưởng lương hưu?
Theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, nếu xét 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, 10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo nhỏ nhất là Bình Thuận, Nam Định, Thái Bình, Bạc Liêu, Bình Dương, Thanh Hoá, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Tháp, Quảng Ninh.
Chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và 20% nghèo nhất
Nhìn chung, các địa phương có chênh lệch giàu nghèo thấp lại đứng thứ hạng cao về thu nhập. Cũng theo khảo sát này, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, TP. HCM đứng thứ hai sau Bình Dương.
10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất là Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La, Gia Lai, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Trà Vinh, Đắk Nông.
Chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và 20% nghèo nhất
Hầu hết các địa phương có chênh lệch giàu nghèo lớn thường có thu nhập tương đối thấp so với trung bình cả nước. Điện Biên là tỉnh có thu nhập thấp nhất cả nước. Đứng thứ hai sau Điện Biên là Sơn La.
Khảo sát cũng chỉ ra, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4.205 nghìn đồng, giảm 1,1% so với năm 2020. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 ở khu vực thành thị đạt 5.388 nghìn đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (3.486 nghìn đồng).
Trước năm 2019 thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên sau 2019 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần. Tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn. So với năm 2020, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 ở khu vực thành thị giảm 3,6%, trong khi thu nhập bình quân 1 người 1 tháng ở khu vực nông thôn không thay đổi đáng kể.
Trong năm 2021, vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (5.794 nghìn đồng/người/tháng) và thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2.837 nghìn đồng/người/tháng). Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 9.184 nghìn đồng cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1).
Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ tiền công, tiền lương có xu hướng tăng dần từ năm 2010 đến nay, từ 44,9% năm 2010 lên đến 56,7% năm 2021. Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống còn 10,8% năm 2021.
Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2021 là 0,374, không biến động nhiều so với năm 2020 (0,373) và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao nhất (tương ứng 0,428 và 0,418), Đông Nam Bộ là vùng có hệ số GINI thấp nhất (0,322).
Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người vẫn tiếp tục giảm so với năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng cơ cấu thu nhập vẫn chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn với tỷ trọng các khoản thu từ tiền công, tiền lương có xu hướng tăng và tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm. Mặc dù, thu nhập của dân cư có giảm so với năm 2020 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.